Dù đã là người thiên cổ hơn một thế kỷ, nhưng danh tiếng và công lao của anh hùng họ Nguyễn, vẫn cứ mãi vọng vang nơi miệt sông nước Cửu Long. Sông Nhật Tảo, nước chảy, cuốn theo bao phù sa bồi lắng, nhưng sự kiện đốt cháy chiến hạm L’Espérance (Hi Vọng) của quân đội Pháp, thì như còn đọng lại đâu đây bên bờ Nhật Tảo.
Hỏa hồng Nhật Tảo
Chiến công đánh Pháp của anh hùng họ Nguyễn, được Lê Thọ Xuân, trong bài viết “Xin cung hiến một ít tài liệu về cụ Nguyễn Trung Trực”, đăng trên tập san Sử Địa tháng 12/1968, có ghi: “Và 4 giờ khuya ngày 16/6/1868, cụ Nguyễn phá đồn Rạch Giá (Kiên Giang), giết ngót 30 tên vừa sĩ quan vừa binh lính Pháp, không kể bọn bạt ti dzăn hay bọn hầu hạ quân nhân Pháp”.
Phá đồn, giết tới 30 quân nhân Pháp, đó chẳng phải là chuyện thường. Bởi vậy, đây là một trong những dấu ấn lớn của Nguyễn Trung Trực, được thơ của Huỳnh Mẫn Đạt ghi là “Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần” là thế.
Nhưng, đó chưa phải là chiến công lớn nhất trong thời gian cầm quân chống Pháp của quản Lịch. Phải quay về thời gian ban đầu, khi ông dựng cờ nghĩa, mới thấy chiến công của ông lớn thế nào, và hiển hách, vang động ra sao. Ấy là trận đánh trên sông Nhật Tảo năm Tân Dậu (1861).
Trận đánh ấy, là một chiến công hiển hách không chỉ với nghĩa quân Nguyễn Trung Trực, mà làm khởi lòng cả dân Việt, nhất là dân Nam Kỳ lục tỉnh. Còn người Pháp, thì kinh hồn bạt vía sang cả chính quốc.
Trận đánh Nhật Tảo, là trận đốt cháy chiến hạm L’Espérance ngày mùng 9/11 năm Tân Dậu (1861), tức ngày 10/12/1861. Sau khi Pháp chiếm thành Định Tường đầu năm Tân Dậu, nhân dân Nam Kỳ nhiều nơi nổi dậy chống Tây xâm. Pháp bố trí nhiều chiến hạm tuần tiễu để bố ráp, đàn áp. Và tiểu hạm L’Espérance là một trong số đó.
Tiểu hạm này theo “Nguyễn Trung Trực và trận đánh ở vàm Nhật Tảo” cho biết do Trung úy Parfait chỉ huy, tuần tra dọc sông Vàm Cỏ Đông, đậu án ngữ tại vàm sông Nhật Tảo, một nhánh của Vàm Cỏ Đông.
Với quyết tâm tiêu diệt quân Pháp cùng tiểu hạm này, Nguyễn Trung Trực đã bày mưu tính kế và thự hiện. Trận đánh được “Đại Nam thực lục” thuật lại: “Khi ấy quân Tây dương đỗ tàu bọc đồng ở phía thôn Nhựt Tảo.
Quyền sung Quản binh đạo là Nguyễn Văn Lịch sai sung Phó Quản binh đạo là Hoàng Khắc Nhượng, Võ Văn Quang đều đem binh thuyền dọc theo ven sông, tới gần chỗ tàu quân Tây dương đậu, chia quân phòng bị và đặt quân phục kích, bèn đem 59 viên quân nhân chiến tâm chia làm 2 đạo, giả làm thuyền buôn thẳng tới tàu Tây dương, nhảy lên trước đâm chết 4 người Tây dương, những người cùng đi đều nhảy lên tàu một lượt giết bừa đi.
Quân Tây dương nhảy xuống sông, hoặc chết hoặc thoát thân; còn thì chui xuống khoang thuyền chống bắn. Quang liền hô 30 tên phục binh nổi dậy tiếp chiến. Bọn quản toán là Nguyễn Học, lương thần là Hồ Quang lấy búa sắt phá tàu của Tây dương không vỡ, tức thì phóng hỏa đốt cháy hết”.
Tượng Nguyễn Trung Trực chỉ huy đốt cháy tàu Espérance. Ảnh: Đỗ Minh Tiến |
Lời chính sử nhà Nguyễn ghi là vậy, nhưng nay có nhiều giai thoại hấp dẫn về sự mưu trí của nghĩa quân trong trận diệt L’Espérance. Theo lời ông Nguyễn An Thọ (sinh năm 1940), cháu 4 đời của Nguyễn Trung Trực, thì để tiêu diệt quân Pháp trên tiểu hạm này, lực lượng của Nguyễn Trung Trực gồm cả đàn ông, đàn bà khoảng 50 người giỏi võ nghệ ăn mặc chỉnh tề giả làm nhà trai đi rước dâu trên 5 chiếc thuyền.
Khi thuyền qua tiểu hạm, đoàn dừng lại trình giấy và lễ vật biếu quan rồi rước dâu đến “nhà gái” ở xã Nhựt Trình cách vàm Nhật Tảo khoảng 5km. Phía nhà gái chừng 30 người. Khi đoàn quay về, cặp bên hông tàu để trình diện, cha tuyên úy Pháp cho phép cô dâu, chú rể lên tàu làm lễ hôn phối. Khi cha tuyên úy Pháp làm lễ xong, theo mật hiệu, nghĩa quân xông lên tàu tấn công lính.
Bị bất ngờ, quân Pháp trên boong không kịp trở tay bị diệt gọn, toán còn lại đóng cửa hầm chống trả. Nguyễn Trung Trực lệnh cho nghĩa quân lấy dầu chai, chất bổi giấu dưới thuyền đốt tàu. Thế là L’Espérance chìm xuống lòng Nhật Tảo.
Tự nạp mình cứu đồng chí
Dù biết Nguyễn Trung Trực là kẻ gan hùm, chẳng màng sự sống chết mà đối địch với mình, nhưng người Pháp cũng biết ông là kẻ tài trí, nếu thu phục được vị anh hùng này, thì sẽ gián tiếp lôi kéo, quy hàng được nhiều người Việt yêu nước chống Pháp khác nơi đất lục tỉnh. Thế nên, không ngạc nhiên khi Pháp cho người tìm cách gọi hàng ông.
Trong cuộc tra hỏi sau khi Nguyễn Trung Trực tự nộp mình do Trung úy Piquet thực hiện, ta được biết “Lãnh binh Tấn van cầu nhiệt liệt sự ân xá Trực, Tấn tự coi như dưới Trực một bậc, về gan dạ cũng như về trí sáng suốt; Tấn bảo đảm rằng Trực sẽ trở nên một người phục vụ hữu ích lắm và tận tụy lắm”. Dĩ nhiên, dù được dụ hàng, nhưng anh hùng họ Nguyễn không quay đầu. Vậy, tại sao ông lại tự nạp mình cho giặc?
Vẫn theo bản khảo cung, lý do sâu xa được thêm tỏ. Chẳng phải vì thối chí, nản lòng, chẳng phải vì e sợ sức mạnh của địch mà cao cả hơn, là tinh thần vị nghĩa của họ Nguyễn: “Tôi cho các người rõ rằng chính tôi tự ý thuận theo Lãnh binh Tấn. Khi vừa đến đảo, lãnh binh bảo người viết thơ cho tôi, cầu tôi thuận về; vì chúng tôi bị đẩy lui vô núi không có gì để ăn, tôi nói với một người dân trói tôi lại và dắt tôi đến Tấn. Nếu tôi đã muốn tiếp tục giữ mình, chắc chắn Tấn chưa bắt tôi dễ dàng như vậy”.
Số là lúc bấy giờ nghĩa quân đang ở đảo Phú Quốc, bị quân giặc do Lãnh binh Tấn (trước theo Trương Định kháng chiến, sau hàng Pháp) chỉ huy bao vây. Để cứu sống những người đã bôn ba một lòng theo mình khỏi cảnh phải chết, ông đã tự nạp mình để lãnh trách nhiệm cao nhất. Có được ông, trong “Nguyễn Trung Trực, người anh dùng dân chài” cho hay, giặc giải ông về Sài Gòn để tra vấn.
Xem cái chết “nhẹ tựa hồng mao”
Cũng trong bản khảo cung, ta càng thêm trọng người anh hùng dân chài kháng Pháp, khi bày tỏ “Số mạng tôi đã đầy đủ, tôi muốn được cứu nước tôi mà không thành công, tôi xin một chuyện là truất sự sống của tôi càng mau càng hay”.
Về phần người Pháp, sau khi Nguyễn Trung Trực đã như cá trong lồng, xét những việc làm ông gây nên với quân Pháp, Trung tướng hải quân Ohier theo lời thuật của Vial “tưởng rằng không thể dung tha cho người cướp lấy một phần nhiều đồn của ta và cho giết 30 người Pháp, không đếm xỉa gì đến dân quyền”… “Với một tình cảm hối tiếc chân thật Ohier hạ lệnh đem Trực trở về Rạch Giá và phán quyết theo thủ tục”.
Trong biên khảo “Nguyễn Trung Trực, người anh hùng dân chài” thì địch đưa ông về Rạch Giá kết án tử và xử tử hình công khai ngày 27/10/1868. Hôm ấy, khi ra pháp trường thọ hình, Nguyễn Trung Trực điềm tĩnh, tự nhiên lắm, rõ là ông đã xem cái chết như một giấc ngủ mà thôi. Nhà cầm quyền địa phương cho phép dân chúng đến xem. Vốn ái mộ người anh hùng, dân sở tại làm lễ tế sống anh hùng: “Từng manh chiếu trải liền nối nhau ngoài đường. Trên đó đầy rượu thịt, hoa quả của dân chúng đem lại hiến dâng”.
Nhà lưu niệm Nguyễn Trung Trực tại Tân Trụ, Long An. Ảnh: Đỗ Minh Tiến |
Pháp trường lúc ấy là vùng đất cất sở Bưu điện và Mật thám, đao phủ là một người Miên tên Tưa, hay Bòn Tưa. Việc đón nhận cái chết của người anh hùng, thật thanh thản: “Bòn Tưa xách gươm bước lại gần cụ. Hắn sợ sệt, quỳ xuống lạy, xin lỗi. Đây là lần đầu tiên mà hắn sợ người sắp chết. Cụ Nguyễn nói: - Mầy làm theo pháp luật. Mầy không có tội gì hết. Nhưng mà mầy phải chém cho tốt. Bằng không tao vặn họng mầy”.
Và thế là, đầu người anh hùng rơi xuống. Trước khi chết, một số tài liệu cho rằng, người anh hùng họ Nguyễn còn làm một bài thơ tuyệt mệnh, và khẳng định: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”. Còn kẻ thù, dù ở chiến tuyến đối địch với ông, bị ông gây cho bao trận thất điên, bát đảo, nhưng nhiều kẻ vẫn tỏ ra kính trọng, đánh giá cao người anh hùng đất Nam Kỳ.
Được tiếp xúc với ông, Vial đã nhận xét rằng: “Trực có một nét mặt thông minh và dễ mến”. Vua Tự Đức khi biết tin Nguyễn Trung Trực chết, đã làm bài thơ chữ Hán ca ngợi ông, được dịch ra như dưới đây:
Thật đáng sợ người đánh cá kia,
Một bậc quốc sĩ hào hùng thay.
Đốt thuyền Nhật Tảo,
San bằng lũy Kiên Giang.
Chống kẻ thù chung của nhà vua,
Thề liều mình vì nước.
Được thờ phụng tới ngàn thu,
Để nêu bậc trung nghĩa của chúng ta.