Ông Trần Lệ cho biết, việc ông trồng hoa anh đào tại Mường Phăng bắt đầu năm 2006, khi một cán bộ Đại sứ quán Nhật Bản tặng ông 10 hạt cây giống để ươm tại Việt Nam. Sau khi nghiên cứu, cân nhắc kỹ ông mới chọn đất Mường Phăng để trồng cây nhưng vị tiến sĩ công nghệ sinh học cũng thú thực ông bị áp lực tâm lý ghê lắm.
Vì trước đó ông đã chứng kiến 4 lần người Nhật mang anh đào vào thành phố hoa Đà Lạt của Việt Nam để trồng nhưng không thành công; người Nhật cũng từng 15 lần mang anh đào trồng thử nghiệm ở phạm vi cả nước ta nhưng cây cũng không thể phát triển theo ý muốn của họ. Họ mang sang 3-4 ngàn cây thì chỉ sống được khoảng 20 cây và rất băn khoăn vì lý do.
Bằng tình yêu với loài hoa cực kỳ khó tính, sự dày công nghiên cứu khoa học của Tiến sĩ Trần Lệ, và như một cơ duyên trời định, dưới bàn tay ông, 9 cây anh đào đầu tiên đã sinh sôi nảy nở ở Mường Phăng. Sau đó, Đại sứ quán Nhật xin lại 5 cây, còn 4 cây vẫn tiếp tục trồng trên đảo. Sau 3 năm, cây bắt đầu ra hoa và kết quả. Từ số cây giống này, ông nhân tiếp thêm hàng nghìn cây.
Thời điểm năm 2006, Mường Phăng tựa như một khu đảo hoang dùng làm bãi chăn thả gia súc. Nhờ có anh đào, giờ đây Mường Phăng đã hình thành một đảo hoa. Nằm ở độ cao trên 1.000m, Mường Phăng vào mùa đông không có mưa và mùa hè không nóng; nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm lên đến 10 độ C. Những yếu tố này phù hợp với sự sinh trưởng của hoa anh đào. Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về hoa anh đào Nhật Bản, ông đã chọn giống hoa Edohigan Sakura của đảo Kyushu.
Với địa thế tuyệt đẹp giữa hồ nước rộng 600ha, “đảo hoa anh đào” trở thành một điểm thu hút du khách của vùng đất lịch sử Điện Biên Phủ. Hiện Mường Phăng không chỉ có hoa anh đào mà còn là rừng hoa với hàng trăm mẫu, có giống hoa của Đà Lạt cũng như các vùng miền khác. Riêng anh đào có tới hàng nghìn cây với 20 giống, gồm cả giống nguyên bản và lai tạo. Anh đào càng già càng nhiều bông.
Ông Lệ chia sẻ, trước kia khi nhân giống anh đào không thành công tại nước ta, người Nhật rất băn khoăn về lý do. Sau này, qua quá trình tìm hiểu ông đã biết rất kỹ hai nguyên nhân khiến anh đào chết là lượng mưa của Việt Nam rất lớn trong khi anh đào lại được trồng ở chỗ thấp, đất bằng. Như thế mùa đông, mùa xuân không sao cả nhưng đến mùa hè mưa to liên tục 1 - 2 ngày thì cây úng nước và chết. Nguyên nhân thứ hai là người Nhật đem sang những cây 1 - 2 tuổi, thậm chí có cây đã có hoa thì nó đã mang theo cái bảo thủ của tập tính là cây ôn đới nên sang trồng ở Việt Nam là nước nhiệt đới thì không sống được.
Khi bắt bệnh được nó, ông Lệ đã bứng những cây anh đào được gieo tại Hoà Bình từ 10 hạt hoa đầu tiên ông xin được từ bên Nhật lên đảo. Ba năm sau, khi những cây anh đào của ông bung nở những cánh đầu tiên, lập tức người Nhật đã xuất hiện ngay. Những năm sau đó, họ đến không phải chỉ vì sự quan tâm đến hoa anh đào - biểu tượng văn hoá của Nhật - mà còn vì những ý tưởng hợp tác dài lâu với ông chủ đảo hoa, bởi thành công nào của ông cũng khiến họ bất ngờ. Được biết, hiện giá một cây giống giá 100 USD, còn một cây anh đào đã đơm hoa có thể bán được từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, chỉ với anh đào ông Lệ đã là tỷ phú.
“Tôi có thể trồng đến 5.000 cây anh đào trên đảo này, hiện nay trồng 4.500 cây rồi và mỗi năm nhân thêm khoảng 10 ngàn cây nữa để cung cấp cho các nước. Với khoảng một chục giống hoa có thể nở từ cuối tháng chạp đến tháng Tư năm sau, một lễ hội hoa anh đào hoàn toàn có thể thành hiện thực”, ông Lệ khẳng định chắc nịch.
Doanh nhân Trần Lệ chia sẻ: “Điện Biên là vùng đất rất đặc biệt, không chỉ là vùng đất gắn với chiến công lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu của dân tộc Việt Nam mà còn ở tiềm năng phát triển về văn hóa, du lịch, nông nghiệp. Cần chung tay góp sức để Mường Phăng trở thành điểm du lịch hấp dẫn là việc mà tôi và chúng ta đã và sẽ làm với cả tình yêu của mình”.