Động thái này của Chính phủ Anh diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng nước này Theresa May đang chỉ trích các trang mạng xã hội như Twitter, Facebook và Google về việc không kiểm soát những thông tin có nội dung cực đoan. Bà May nhiều lần yêu cầu những trang mạng này ngăn chặn việc đăng tải tràn lan những thông tin trên, đồng thời giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi những thông tin như vậy.
Theo Bộ trưởng Kỹ thuật số của Anh, Karen Bradley, Internet từ lâu đã được biết đến là một mạng thông tin đem lại rất nhiều lợi ích cho người sử dụng, tuy nhiên bên cạnh đó cũng gây ra nhiều tác hại, đặc biệt là đối với trẻ em và những người sử dụng Internet. Vì vậy, "cần một giải pháp thích hợp để bảo vệ những đối tượng này tránh khỏi những tác hại của Internet mà không làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực kỹ thuật số".
Theo Bộ trưởng Bradley, giải pháp đó bao gồm việc đánh thuế các trang mạng xã hội, thông qua luật buộc những trang mạng này phải ngăn chặn những thông tin mang tính hăm dọa hoặc làm nhục những người sử dụng Internet và tổ chức các buổi học về bảo vệ an ninh mạng tại các trường học.
Trước đó, ngày 8/10, Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd tuyên bố thành lập trung tâm quốc gia phòng chống kích động thù hận trên các phương tiện xã hội trực tuyến. Trung tâm này nằm dưới sự điều hành của các cảnh sát đến từ Ủy ban Cảnh sát trưởng quốc gia và dự kiến sẽ đi vào hoạt động trước khi kết thúc thúc năm 2017.
Lực lượng cảnh sát đặc nhiệm sẽ có vai trò cung cấp các biện pháp xử lý tình huống chuyên nghiệp cũng như các biện pháp hỗ trợ và tư vấn tốt hơn dành cho các nạn nhân của loại tội phạm này. Bộ trưởng Nội vụ Anh cho rằng việc thành lập trung tâm là một bước đi quan trọng, góp phần đảm bảo các vụ phạm tội trên mạng sẽ được điều tra hợp lý, đồng thời giúp các nạn nhân can đảm trình báo những vụ việc liên quan.
Bộ trưởng Kỹ thuật số của Anh, bà Karen Bradley |
Ngoài ra, các hoạt động của trung tâm sẽ góp phần làm sáng tỏ tính chất và mức độ ảnh hưởng của các hình thức tội phạm mạng cũng như thúc đẩy việc điều chỉnh các biện pháp ứng phó nhằm bảo vệ các nạn nhân và đưa các đối tượng gây rối loạn ra trước công lý.
Hồi đầu năm nay, các Hạ nghị sĩ Anh cũng từng kêu gọi sửa đổi luật để phù hợp với môi trường an ninh ngày càng phức tạp, đặc biệt là với các mối đe dọa từ tội phạm mạng. Tội phạm kích động hận thù trên mạng thường ẩn danh trên các phương tiện liên lạc xã hội, xúi giục các đối tượng bị nhắm tới vi phạm pháp luật.
Hồi đầu tháng 10, Thủ tướng Anh Theresa đã tuyên bố nước Anh cần áp dụng chính sách cứng rắn hơn đối với những người đăng tải và xem những nội dung mang tính cực đoan trên mạng Internet. Tuyên bố này được đưa ra sau một loạt vụ tấn công khủng bố tại Anh trong năm 2017. Bà May nhấn mạnh:
"Có một số việc chúng ta cần phải làm để giải quyết vấn đề này. Chúng ta sẽ hành động nhiều hơn và cứng rắn hơn đối với những người sử dụng Internet, những người đưa các tài liệu về khủng bố và cực đoan lên Internet. Trong tương lai chúng ta sẽ phải kiểm duyệt các nội dung này và tăng án tù lên 15 năm".
Theo số liệu mới nhất của tổ chức Dữ liệu Khủng bố toàn cầu, tính từ năm 1970 đến nay, Anh có số người thiệt mạng vì khủng bố cao nhất tại Tây Âu với tổng cộng 3.395 nạn nhân. Tại Anh đã xảy ra 4 vụ tấn công khủng bố trong vòng 4 tháng qua. Các cơ quan chức năng của Anh được cho là đã ngăn chặn được ít nhất 5 âm mưu khủng bố khác kể từ sau vụ tấn công bằng hình thức đâm xe trên cầu Westminster ngày 22/3 đến nay./.