Đối mặt với “tử thần”
Đối với người dân hai xã Ái Thượng và Hạ Trung, họ không lạ lẫm với những chiếc cầu phao “tử thần” bắc qua sông Mã, bởi đây cũng chính là con đường ngắn nhất để phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho bà con dân bản, ngoài ra nó còn là con đường đưa các em học sinh cấp 3 đến trường.
Bên cạnh những mặt tích cực thì những chiếc cầu phao này cũng là mối đe dọa cho người dân khi thường xuyên phải qua lại.
Cây cầu dài chừng 300m, rộng khoảng 2m làm bằng những thanh tre, luồng buộc lại bằng dây thép. Để làm cho cầu nổi bồng bềnh trên mặt sông, bà con sử dụng thùng phuy đã vứt bỏ rồi dùng thép buộc vào cho khỏi chìm. Vào mùa này nước sông êm ả nên bà con đi lại có phần dễ dàng, song với những tay lái ẩu, chỉ cần nhích ga một chút là có thể ngã xuống sông, sự nguy hiểm luôn đe dọa.
Vào những ngày mưa bão, khi nước sông Mã dâng cao, sóng đánh liên hồi cộng thêm bùn đất bám trên mặt cầu khiến việc vận chuyển hàng hóa qua lại khó gấp bội. Vì vậy mà mỗi khi người dân đi qua, họ luôn phải “đánh đu” với tính mạng của mình.
Họ vẫn chấp nhận đi trên những chiếc cầu này bởi bà con còn nghèo, không thể đóng góp được tiền của để xây dựng cầu mới. Chính vì sự nghèo nàn nên bà con không có cách nào để làm hàng rào che chắn. Việc đi lại là dựa vào khả năng xử trí linh hoạt và sự liều lĩnh của người cầm lái.
Anh Trương Văn Chủ (51 tuổi) thôn Khiêng, xã Hạ Trung, người thường xuyên đi qua chiếc cầu này tâm sự: “Lên thị trấn Càng Nàng, bà con chúng tôi thường xuyên đi qua cầu phao này. Vẫn biết là nguy hiểm nhưng đây cũng chính là con đường vận chuyển hàng hóa ngắn nhất về làng. Ngoài ra nó còn là con đường cho các cháu học sinh đi học, bởi cầu chỉ đi được xe máy và xe đạp. Nếu đi vòng qua cầu La Hán thì đường khó đi và xa hơn 15km”.
Một người dân cho biết, mới đây trên cầu Tân Lập, một học sinh lớp 11 chẳng may bị vấp thanh sắt, một tay thì cầm ô nên lộn xuống nước, tử vong.
“Đánh đu” đến bao giờ?
Hiện trên sông Mã có rất nhiều cầu phao được buộc bằng những thanh tre sơ sài. Nó là cầu nối để khai thông dân trí giữa các vùng miền, đặc biệt là việc thông thương hàng hóa của bà con đồng bào dân tộc với các thị trấn sầm uất.
Song, cầu phao cũng tồn tại không ít hệ lụy như làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sự phát triển kinh tế của địa phương.
Theo anh Chủ, hiện Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (tập đoàn hiện đang xây dựng thủy điện ở huyện Bá Thước), họ đầu tư xây dựng cho bà con dân làng một chiếc cầu nhỏ chạy qua tràn khiến bà con rất phấn khởi và hy vọng.
Còn Chủ tịch UBND xã Hạ Trung Hoàng Văn Xứ thì cho biết: “Việc xây dựng cầu cứng thay cho chiếc cầu phao qua sông Mã chúng tôi đã đề xuất lên cấp tỉnh, nhưng chỉ được ghi trong danh mục, hiện chưa có kết quả.
Trước những khó khăn, xã chúng tôi phải bỏ kinh phí để làm cầu cho bà con đi lại. Hiện cầu phao là do hợp tác xã quản lý và thu phí. Theo quy định, người đi bộ và người đi xe đạp sẽ phải đóng phí 2000 đồng, xe máy 5000 đồng/lượt. Riêng đối với các cháu học sinh cấp ba chúng tôi ưu tiên, không thu phí”.
Chủ tịch xã Hạ Trung, ông Hoàng Văn Xứ trao đổi cùng phóng viên |
Riêng cầu phao Tân Lập, từ khi có em học sinh bị rơi xuống cầu, chính quyền xã đang có thông báo cấm cầu. Chính vì vậy mà cầu phao ở xã Hạ Trung nối với Ái Thượng hiện mức độ phương tiện giao thông đang tăng.
Thiết nghĩ, chính quyền xã Hạ Trung và Ái Thượng cần có những phương án để hạn chế mức độ rủi ro, nhất là người và các phương tiện lưu thông qua cầu. Huyện cần phải kết hợp với địa phương để có những phương án sửa chữa để hạn chế rủi ro và để từng bước ổn định nhu cầu đi lại cho bà con./.