Không biết 100 phụ nữ, trẻ em … đi đâu
Một ngày cuối tháng 8, theo giới thiệu của Công an huyện Nậm Pồ, chúng tôi tìm đến bản Huổi Khương, xã Vàng Đán, một trong những địa bàn “nóng” về tình trạng phụ nữ, trẻ em vắng mặt thường xuyên không rõ lý do…
Điều kiện giao thông đi lại khó khăn, bản Huổi Khương có 100% đồng bào Mông sinh sống với gần 110 hộ gia đình, nhưng chỉ tính riêng từ đầu năm 2015 đến nay, bản đã có 29 trường hợp là phụ nữ và trẻ em gái được xác định là vắng mặt không rõ lý do.
Mới đây nhất, đầu tháng 6 vừa qua, 2 em gái Mùa Thị O và Mùa Thị L là cư dân trong bản đã bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ lừa bán sang Trung Quốc, trong đó em Mùa Thị Ông đang học lớp 10 Trường THPT xã Chà Cang.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà tuềnh toàng, anh Mùa A Sùng, cha đẻ em Mùa Thị O ngậm ngùi cho biết: “Đêm 2/6 gia đình phát hiện cháu O và cháu L đột ngột mất tích. Gia đình đã tổ chức tìm kiếm khắp nơi nhưng không thấy các cháu. Đến giờ vẫn chưa biết các cháu ở đâu, sống chết như thế nào”.
Thời gian sau anh Sùng và lực lượng công an đã theo dõi và bắt giữ được 2 đối tượng lừa bán O và L khi chúng tiếp tục dụ dỗ cháu Mùa Thị M, là con gái thứ 2 của anh.
Cũng ở bản Huổi Khương, có không ít gia đình đã rơi vào bi kịch khi con gái bị lừa bán qua biên giới như gia đình ông Mùa Búa Bảng có 2 con gái bị các đối tượng dùng thủ đoạn giả vờ yêu đương, hứa tìm kiếm công việc ổn định, thu nhập cao để lừa lên Lào Cai, sau đó bán sang Trung Quốc…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian gần đây, tình hình buôn bán phụ nữ, trẻ em trên tuyến biên giới Nậm Pồ diễn biến khá phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về tính chất, mức độ và quy mô phạm tội như việc tổ chức đường dây chặt chẽ, cấu kết với các đối tượng nước ngoài, tận dụng các mối quan hệ yêu đương nam nữ, quan hệ dòng tộc, người thân, người quen… để lừa bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới.
Điều đáng báo động là bên cạnh số đối tượng phạm tội chuyên nghiệp, không ít phụ nữ từng là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc lấy chồng hoặc làm gái mại dâm, khi trở về Việt Nam vì hám lợi đã lại trở thành tội phạm lừa bán phụ nữ, trẻ em, kể cả những người thân quen.
Theo thống kê của Công an huyện Nậm Pồ, đến nay toàn huyện đã có trên 100 phụ nữ, trẻ em vắng mặt thường xuyên không rõ lý do, có 30 phụ nữ, trẻ em được xác định là bị lừa bán sang Trung Quốc. Tình trạng này tập trung chủ yếu ở các xã Vàng Đán, Nậm Nhừ, Nà Bủng, Nậm Tin, Nà Hỳ… chiếm trên 70% số trường hợp trong toàn huyện.
Đẩy lùi tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em gái để giữ nụ cười trên môi các thiếu nữ vùng cao. |
Sự gia tăng đáng báo động
Thực tế tình hình tội phạm buôn bán người trên địa bàn huyện Nậm Pồ thời gian qua cho thấy tình hình tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em còn tiềm ẩn và diễn biến hết sức phức tạp, các đối tượng thực hiện thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhất là sự cấu kết giữa các đối tượng người Việt cư trú ở Trung Quốc và các đối tượng người địa phương để lừa bán phụ nữ, trẻ em sang Trung Quốc.
Các đối tượng buôn bán người thường nhắm vào phụ nữ, trẻ em là người dân tộc thiểu số, ít hiểu biết, nhẹ dạ cả tin để dụ dỗ, lừa gạt. Trong đó, phương thức dụ dỗ của chúng chủ yếu là thông qua mạng xã hội trên Internet như Facebook, Zalo hay điện thoại để kết bạn, làm quen, sau đó rủ đi chơi, lừa sang trung Quốc thăm người thân, đi du lịch hoặc tìm việc làm với công việc nhàn nhã, thu nhập cao…
Thực tế qua các vụ án mua bán người bị phát giác mà nạn nhân may mắn tự trốn thoát về nước hoặc được giải cứu cho thấy phần lớn nạn nhân sau khi bị lừa bán thường bị ép lấy chồng người nước ngoài hoặc bị bán vào các động mại dâm; bị ép phục vụ tình dục cho những du khách nước ngoài hoặc những người đàn ông bản xứ…
Ngoài việc bị cưỡng bức tình dục, họ còn bị bóc lột sức lao động, nếu chống đối hay bỏ trốn thì sẽ bị đánh đập, giam cầm, bỏ đói hoặc dọa giết.
Thượng tá Trần Ích Chính, Phó trưởng Công an huyện Nậm Pồ chia sẻ: “Xác định là địa bàn tiềm ẩn dấu hiệu phức tạp về tệ nạn buôn bán người vì huyện có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là người Mông, trình độ nhận thức còn hạn chế nên lực lượng công an huyện luôn chủ động, cảnh giác đấu tranh với loại hình tội phạm nguy hiểm này.
Cùng với các đợt cao điểm phòng chống tội phạm buôn người, chúng tôi còn đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền để giúp người dân nâng cao cảnh giác, tham gia phát hiện và tố giác tội phạm”.
Rõ ràng, buôn bán người vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết, bởi nó kết thúc với người này nhưng rất có thể lại bắt đầu với người khác nếu chúng ta không có được những giải pháp đồng bộ. Không chỉ ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội ở địa phương, buôn bán người còn để lại những hậu quả khôn lường, những nỗi đau dai dẳng cho gia đình và nạn nhân.
Trước những diễn biến phức tạp của việc buôn bán người, thiết nghĩ để chặn đứng “vấn nạn” xã hội nguy hiểm này, cần nhiều hơn nữa sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các cơ quan chức năng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức cho người dân; đồng thời cũng cần kiên quyết xử lý nghiêm minh những kẻ bất lương gây nỗi đau cho các gia đình nạn nhân. Có như vậy, tội phạm buôn bán người mới sớm bị đẩy lùi./.