Một cô giáo đã ra lệnh “đấu tố” một học sinh chỉ vì học sinh này nói tục ảnh hưởng đến thành tích của lớp và nhà trường. Một thứ quy chuẩn mơ hồ mà từ lâu nay chúng ta đánh giá con người theo kiểu “con ngoan, trò giỏi”.
Người đưa ra án phạt man rợ với học sinh thừa nhận việc mình tự ý đặt ra quy định là sai nhưng một phần cũng vì áp lực thi đua của trường và mong muốn các học trò của mình được tốt lên nên mới giáo dục một cách nghiêm khắc như vậy.
Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy nói: “Đầu năm học vừa qua, tôi chuyển về trường này và được phân công làm chủ nhiệm của lớp 6.2. Đây là lớp học không có thành tích tốt cả học tập lẫn thi đua. Cả lớp chỉ có một học sinh được xếp vào loại khá, điểm thi đua thường ở mức cuối bảng xếp hạng của trường”.
Cô Thủy nói rằng theo quy định của nhà trường, học sinh lớp nào nói tục thì lớp sẽ bị trừ điểm thi đua rất nặng. Để khắc phục tình trạng trên, cô đã đặt ra quy định nếu học sinh nào trong lớp vi phạm sẽ bị mỗi bạn trong lớp tát 10 cái vào má. Bạn nào không tát hoặc tát nhẹ sẽ phạt ngược lại.
"Hôm đó, lúc tôi lên lớp thì nghe các bạn thưa lại là em N. nói tục, chửi mẹ của bạn bên cạnh. Nóng giận vì học trò mình hư hỏng nên tôi có tát em N. một cái rồi ra ngoài. Sau đó 23 bạn đã tát N. mỗi người 10 cái", cô Thủy nói.
Bà Phạm Thị Lệ Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh ( Quảng Ninh, Quảng Bình) - nơi xảy ra vụ học sinh bị 231 cái tát - cho biết: "Các chỉ tiêu về đạt chuẩn Quốc gia mức độ II của trường đều cơ bản được hoàn thiện. Giờ cô Thủy để xảy ra sự việc nghiêm trọng này, mọi công sức của tập thể xem như đổ bể hết”.
Sức ép đầu tiên là từ trên xuống, Sở GD&ĐT giao cho trường này phải đạt chuẩn quốc gia, hiệu trường lại ép giáo viên phải nghiêm khắc thực hiện, giáo viên thì cứ đe nẹt học sinh. Một chu trình mà cuối cùng học sinh trở thành thứ bấu víu cuối cùng của nhà trường: Tốt hay xấu đều từ học sinh mà ra.
Hình phạt tối thượng của các cô giáo ở đây không phải bằng tình thương, khuyên giải, bằng giáo dục tâm lý mà bằng con đường bạo lực. Hàng chục em trong lớp được lệnh cô giáo hô hào tát vào một bạn khác vì sai nguyên tắc, dám chống đối lệnh cô, thì quả thực là một cuộc đấu tố man rợ.
Sự thật là cả cô giáo và học sinh đều không được gì từ cách giáo dục tệ hại đó. Cô giáo vẫn không thể hướng em học sinh nói tục đó thành học sinh phát ngôn chuẩn mực, mà biến học sinh đó nhìn cô giáo thành một thứ ác cảm và trong tâm hồn chúng luôn nghĩ rằng: “Khi tôi ra khỏi trường này cô sẽ biết tay tôi”.
Còn cô giáo thì chỉ hoàn thành sứ mệnh của mình trong sự bất lực đó là phương pháp trừng phạt. Một cách răn đe mà cô tự hạ thấp nhân cách nhà giáo và biến mình thành thứ “phản giáo dục” cho dù biết là đang mang trọng trách là một giáo viên.
Tại sao, cứ đầu năm, chúng ta lại cứ đưa ra năm nay tập thể này phải tiến tiến, toàn học sinh giỏi, trường phải đạt chuẩn quốc gia,… rồi cuối cùng để làm gì có ai tự đặt câu hỏi là khi có danh hiệu xong cả học sinh và cô giáo có mang tới tầm vóc cao hơn hay chỉ biết hoàn thành mục tiêu cho xong chuyện.
Căn bệnh “háo danh” đã trầm kha quá lâu trong xã hội, không những ở môi trường giáo dục mà ở nhiều công sở khác. Ví như trong một tập thể, ai đó không có thành tích gì là chúng ta nhìn họ như “thứ bỏ đi” hay đánh giá “không hòa đồng với phong trào chung”, cho dù ai cũng biết rằng thứ thành tích đó cũng chẳng mang lại lợi lộc gì nhiều cho họ.
Sức ép thành tích, háo danh, đã đẩy những người có trách nhiệm phải cố gắng đạt chỉ tiêu đề ra và không đạt thì họ bị trừ lương, hạ hạnh kiểm, không được nhiều quyền lợi như người đạt chỉ tiêu. Và chính họ cũng biến mình thành nạn nhân của câu chuyện đó, họ biến mình thành kẻ xấu xa như cô giáo Thủy kể trên.
Nếu nhà trường không đặt ra những sức ép cho cô giáo về trường chuẩn, trừ điểm thi đua, thì chắc cô Thủy sẽ không hành động nóng vội như vậy. Thứ “bệnh tật sĩ diện” này cần một “phương thuốc” đặc trị để cứu nguy nhân cách con người dễ bị tha hóa.