Danh sách hỗ trợ có nhiều cán bộ xã cùng người thân
Sáng ngày 11/4, hàng trăm người dân từ nhiều xã có nuôi trồng thủy, hải sản trên địa bàn huyện Vạn Ninh lại kéo lên UBND huyện để khiếu nại về việc không được nhận hỗ trợ do thiệt hại của cơn bão số 12, sau khi một ngày phản ứng gay gắt ở cấp xã.
Hai ngày liên tiếp, chị Hồ Thị Xoan (ngụ thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh) cùng bà con trong thôn kéo lên UBND xã rồi đến UBND huyện phản ứng việc chính quyền địa phương không công bằng trong “Quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do bão 12 vào đầu tháng 11/2017 trên địa bàn xã Vạn Thạnh” sau khi xem niêm yết tại xã.
Theo chị Xoan, sau cơn bão số 12, gia đình chị mất trắng 60 lồng nuôi tôm hùm, ước thiệt hại hơn 3 tỷ đồng. Theo thông báo của chính quyền xã Vạn Thạnh sau bão về kê khai thiệt hại về thủy sản, thôn Đầm Môn có 151 hộ kê khai số lồng thả nuôi bị thiệt hại. Tuy nhiên khi xã công bố danh sách, thôn chỉ có 24 hộ được nhận hỗ trợ.
“Chúng tôi rất bức xúc khi nhìn vào danh sách nhận thiệt hại có rất nhiều người là cán bộ xã và người thân của gia đình họ. Có những người không nuôi cá cũng có tên, còn nhiều người dân chúng tôi không nhận được một đồng nào.
Bức xúc về điều này nên ngày 10/4, chúng tôi kéo lên xã để yêu cầu cán bộ giải thích. Tuy nhiên, hai cán bộ chủ chốt là ông Nguyễn Thanh Nam - Chủ tịch kiêm Bí thư xã và ông Lê Hoàng Vương - Phó chủ tịch xã (người ký danh sách hỗ trợ) đều không có mặt, nên chúng tôi tiếp tục lên huyện”, bà Xoan bức xúc.
Hơn 200 lồng nuôi tôm đặt tại khu vực Hòn Ông (xã Vạn Thạnh) tan biến trong thoáng chốc nên gia đình bà Trần Thị Mai (ngụ thôn Xuân Tự 1, xã Vạn Hưng) lâm vào cảnh lao đao. Rồi sau bão, gia đình bà cũng đã kê khai đầy đủ, nhưng đến khi có danh sách hỗ trợ lại không có tên mình.
“Tôi lên huyện để khiếu nại cùng với nhiều bà con khác cũng có lồng nuôi thủy sản bị thiệt hại nhưng không được nhận hỗ trợ. Chỉ mong chính quyền xem xét lại, hỗ trợ đúng người đúng đối tượng, chứ xem danh sách, thấy có nhiều cán bộ và người nhà cán bộ xã Vạn Thạnh được nhận hỗ trợ, còn người dân thì không, ai mà không bực”, bà Mai bức xúc.
Hàng trăm người dân kéo lên UBND huyện Vạn Ninh phản ứng vào sáng ngày 11/4 |
Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Lộc (ngụ thôn Điệp Sơn, xã Vạn Thạnh) có 12 lồng nuôi tôm, làm cùng con rể là Phạm Văn Quy. Trước bão, một người cùng thôn có tên Phạm Liều có gửi 50 con tôm hùm vào lồng của bà. Khi bị thiệt hại, bà cùng ông Liều có kê khai để nhận hỗ trợ. Nhưng trong danh sách chỉ có tên của ông Liều, còn bà lại không có.
“Từ khi lồng tôm mất do bão, cuộc sống của gia đình rất khó khăn, chỉ mong được nhận hỗ trợ. Nghe nói có danh sách hỗ trợ, tôi lật đật đi xem ngay, nhưng đọc thấy không có tên, trong khi người gửi nuôi nhờ lại có, bức xúc lắm”, bà Lộc phản ánh.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong danh sách niêm yết tại xã Vạn Thạnh, có ít nhất 8 cán bộ xã cùng người thân của cán bộ được nhận hỗ trợ thiệt hại sau bão số 12. Trong đó, có Chủ tịch Hội Nông dân xã Trần Thị Thúy Phi được hỗ trợ 220 triệu đồng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Trịnh Văn Tèo được hỗ trợ 200 triệu đồng, ông Trương Thái Hùng - cán bộ tư pháp xã được hỗ trợ 900 triệu đồng, bà Trần Thị Kim Viên - cán bộ khuyến nông khuyến ngư xã Trần Thị Kim Viên được hỗ trợ 180 triệu đồng, ông Nguyễn Văn Út là chồng bà Lê Thị Mộng Lành - Phó chủ tịch HĐND xã được hỗ trợ 40 triệu đồng…
Đình chỉ các quyết định hỗ trợ
Ông Nguyễn Xuân Khoa - Phó chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh giải thích rằng, theo quy định Chính phủ, hộ nào có kê khai thả cá, tôm trước bão thì mới được hỗ trợ, còn hộ nào không kê khai thì không được hỗ trợ.
“Những cán bộ trong xã cũng nuôi tôm và đã thực hiện quy định kê khai từ trước khi có bão nên được hưởng hỗ trợ. Trong danh sách lần này, có một số cán bộ xã cùng người thân của họ được nhận hỗ trợ”, ông Khoa nói.
Thế nhưng, theo người dân, nếu dựa vào lý do kê khai trước bão thì sau bão chính quyền địa phương chỉ thông báo cho các hộ đó, sao lại đi thông báo toàn bộ người dân. Thêm nữa, việc kê khai phải xác nhận đến 2, 3 lần, để rồi cuối cùng không được hỗ trợ.
Tại cuộc đối thoại với người dân vào sáng 11/4, ông Nguyễn Ngọc Ý - Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết, trong đợt bão số 12 vừa qua có hàng ngàn hộ nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại. Quy trình kê khai thiệt hại được thực hiện từ cơ sở, các xã, thị trấn lập danh sách và gửi lên huyện xem xét một lần nữa, sau đó gửi lên tỉnh phê duyệt, chứ huyện không trực tiếp làm từng hồ sơ.
“Hồ sơ hợp lệ, đủ điều kiện hỗ trợ quan trọng nhất là có kê khai thiệt hại, xác nhận của chính quyền địa phương, nuôi trong vùng quy hoạch và có giấy khai báo nuôi trồng từ đầu năm. Tôi cho rằng đa phần bà con không có giấy khai báo nuôi trồng từ đầu năm, dẫn đến hồ sơ không đủ điều kiện để hỗ trợ. Vì vậy mới phát sinh tình trạng người được hỗ trợ, người không”, ông Ý cho biết.
Theo ông Võ Lục Phẩm - Phó chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, trước mắt sẽ đình chỉ toàn bộ các quyết định hỗ trợ đã niêm yết tại các địa phương trong thời gian vừa qua. Đồng thời, thành lập các tổ công tác, rà soát, kiểm tra lại quá trình lập danh sách, kê khai thiệt hại nuôi trồng thủy hải sản do các địa phương làm.
“Nếu trong những danh sách có sai phạm, không đúng thực tế sẽ xử lý loại ra, bất kể đó là ai, dù là cán bộ; đồng thời bổ sung những trường hợp đủ điều kiện hỗ trợ vào danh sách niêm yết”, ông Phẩm cho biết.