Tranh chấp kéo dài, một phần do cách giải quyết của chính quyền địa phương như đã nêu ở kỳ trước. Một phần do gia đình “chủ đất” không đồng ý với kết luận của các cơ quan chức năng liên tục gửi đơn thư khiếu nại, khởi kiện.
Rắc rối xử lý
Tháng 1/2017, báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có nội dung:
Phần đất 9.793m2 tọa lạc tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh có nguồn gốc do bà Lương Thị Mùi mướn của địa chủ để canh tác nông nghiệp. Bà được chế độ cũ cấp Chứng thư quyền sở hữu phần đất và sau giải phóng, gia đình bà Mùi vẫn tiếp tục sử dụng phần đất trên để canh tác.
Năm 1994 vợ chồng bà viết giấy tay chuyển nhượng mảnh đất trên cho ông Trần Công Năn. Sau đó miếng đất được bán lại cho ông Đỗ Đức Trung và năm 2003 công ty Đại Phúc đã thỏa thuận đền bù tài sản trên đất và giá trị đất cho ông Đỗ Đức Trung.
Tuy nhiên khi làm việc với các cơ quan chức năng, ông Trần Văn Vân cho rằng khi làm thủ tục nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gia đình ông đã nộp bản chính Chứng thư cấp quyền sở hữu (do chế độ cũ cấp) cho UBND xã Bình Hưng nhưng không có biên nhận (nay người trực tiếp nhận đã chết). Do sổ sách về cấp phát giấy chứng nhận đã thất lạc nên hiện không xác định được ai đã ký và nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1998.
Bên cạnh đó, biên bản đối chất do Đoàn thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường lập năm 2016, phía ông Năn khẳng định có việc chuyển nhượng đất giữa vợ chồng ông Bảy, bà Mùi cho ông. Tuy nhiên ông Bảy thì không nhớ có việc chuyển nhượng đất giữa hai bên hay không còn ông Trần Văn Vân thì cho rằng không có việc sang nhượng đất giữa bố mẹ của ông cho ông Năn và ông Trung.
Bên cạnh đó, việc giải quyết theo kiểu … “đèn cù”, của UBND huyện Bình Chánh: Năm 2014 thì có quyết định về việc thu hồi và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ bà Lương Thị Mùi do cấp sai đối tượng.
4 tháng sau, Thanh tra huyện Bình Chánh lại có báo cáo kết luận chưa đủ cơ sở để khẳng định UBND huyện Bình Chánh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Mùi là trái quy định của pháp luật. Đồng thời Thanh tra huyện cho rằng, chưa đủ căn cứ để UBND huyện Bình Chánh ban hành quyết định thu hồi và hủy bỏ giấy chứng nhận của hộ bà Mùi.
Sau đó UBND huyện Bình Chánh lại ra quyết định thu hồi và hủy bỏ quyết định về việc thu hồi và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ bà Lương Thị Mùi.
Khi có chỉ đạo của UBND TP.HCM, một lần nữa UBND huyện Bình Chánh lại ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện Bình Chánh cấp cho hộ bà Lương Thị Mùi; lý do thu hồi: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp không đúng đối tượng sử dụng đất.
Việc ông Trần Văn Vân phủ nhận việc gia đình đã bán đất cho ông Trần Công Văn và ông Đỗ Đức Trung nên đã khiếu kiện nhiều nơi, nhiều cấp qua thời gian dài. Cộng với cách giải quyết kiểu “đèn cù” của chính quyền địa phương đã khiến vụ việc phức tạp và kéo dài.
Tranh chấp chưa hồi kết
Theo một diễn biến khác, năm 2010 ông Trần Văn Vân có ký giấy bán đất và tài sản gắn liền với đất (giấy tay) với ông Trần Tuấn Phát với giá 10 tỷ đồng, ông Phát đặt cọc trước 2 tỷ đồng.
Do phát sinh tranh chấp theo thỏa thuận hợp đồng, ông Phát có đơn khởi kiện gửi TAND huyện Bình Chánh về tranh chấp dân sự đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Bản án sơ thẩm tháng 3/2015 của TAND huyện Bình Chánh quyết định: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Tuấn Phát về việc yêu cầu Tòa buộc ông Vân thực hiện hợp đồng đã ký và tiến hành hoàn thành các thủ tục sang tên cho ông Phát; Đồng thời hủy bỏ giấy tờ mua bán đất và tài sản gắn liền với đất; Không chấp nhận yêu cầu độc lập của công ty Đại phúc về việc yêu cầu hủy bỏ quyết định không thu hồi và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ bà Lương Thị Mùi của UBND huyện Bình Chánh.
Thực hiện bản án, ông Vân đã trả tiền cọc cho ông Phát và ông Phát đã bàn giao bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên cho ông Vân. Công ty Đại Phúc tiếp tục kháng cáo.
Tháng 12/2015 UBND huyện Bình Chánh lại ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện Bình Chánh cấp cho hộ bà Lương Thị Mùi; lý do thu hồi: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp không đúng đối tượng sử dụng đất.
Do đó, công ty Đại Phúc rút kháng cáo. TAND TP.HCM đã có quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Trần Văn Vân và ông Trần Tuấn Phát, đồng thời hủy nội dung: “không chấp nhận yêu cầu độc lập của công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh nhà Đại Phúc về việc yêu cầu hủy quyết định… của UBND huyện Bình Chánh” của bản án sơ thẩm.
Tuy nhiên, liên quan đến sự việc, thông báo tháng 10/2017 của Văn phòng chính phủ về ý kiến Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về việc giải quyết khiếu nại của ông Trần Văn Vân có kết luận:
Bản án sơ thẩm tháng 3/2015 của TAND huyện Bình Chánh đã quyết định không chấp nhận yêu cầu độc lập của công ty Đại Phúc về yêu cầu hủy quyết định 13109/QĐ-UBND của UBND huyện Bình Chánh. Công ty Đại Phúc kháng cáo, TAND TP.HCM đã thụ lý, xem xét giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.
Do công ty Đại Phúc rút đơn kháng cáo và rút yêu cầu độc lập, thẩm phán của TAND TP.HCM được phân công phụ trách vụ án đã quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự hủy một phần bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Từ đó, Phó thủ tướng đề nghị TAND tối cao kiểm tra quyết định trên của Thẩm phán TAND TP.HCM và xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Đồng thời theo thông tin của UBND huyện Bình Chánh cung cấp, thì hiện nay khiếu nại của ông Trần Văn Vân đã được Chủ tịch UBND TP ban hành quyết định về giải quyết khiếu nại lần hai vào ngày 11/1/2018. Đồng thời, ông Trần Văn Vân (thông qua người đại diện) đã khởi kiện quyết định của Chủ tịch UBND TP tại TAND TP.HCM.
Với diễn biến như vậy, rất có thể vụ tranh chấp này còn kéo dài thêm nữa.