Nguồn nhân lực chất lượng là tôn chỉ phát triển
Từ bước đi đầu tiên trong những ngày sơ khai, Khoa Báo chí và Truyền thông (Khoa BC và TT) đã may mắn nhận được sự ủng hộ, tham gia đóng góp đầy tâm huyết của các cán bộ giảng viên dày dạn kinh nghiệm, trong đó có nhiều thầy cô là những nhà khoa học lớn, có uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo như: GS Hà Minh Đức - vị Chủ nhiệm Khoa đầu tiên, PGS.TS Dương Xuân Sơn, PGS.TSKH Đỗ Xuân Hà, nữ Tiến sĩ Khoa học Ngữ văn Đoàn Hương.
Tiếp đó là GS.TS Đỗ Quang Hưng, GS.TS Nguyễn Thiện Giáp, PGS.TS Đinh Văn Hường, TS Trịnh Hồ Khoa, PGS.TS Vũ Quang Hào, PGS.TS Thành Hưng, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái…
Đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường luôn chú trọng công tác xây dựng nguồn nhân lực chất lượng, trình độ và coi đây là điều kiện cốt lõi, chiến lược xây dựng và tôn chỉ phát triển. Theo đó, đội ngũ giảng viên của Khoa BC và TT hiện nay phần lớn là những người trẻ tuổi, năng động, sáng tạo, được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, có trình độ chuyên môn vững vàng, say mê nghiên cứu khoa học. 100% cán bộ giảng dạy của Khoa BC và TT đạt học vị thạc sỹ trở lên, 29% cán bộ giảng dạy của khoa là Phó giáo sư, 43% đạt học vị Tiến sỹ.
Bên cạnh đội ngũ cán bộ cơ hữu, Khoa BC và TT còn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ to lớn, quý báu của đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm, thỉnh giảng là những chuyên gia hàng đầu về báo chí và quản lý báo chí, những nhà báo giỏi, giàu kinh nghiệm bậc nhất ở Việt Nam hiện nay. Với lợi thế là một khoa nằm trong trường đại học hàng đầu về khoa học xã hội và nhân văn của đất nước, sinh viên tại đây được đào tạo một cách bài bản, chuyên sâu về các ngành tri thức nền tảng như triết học, ngôn ngữ học, xã hội học, tâm lý học, chính trị học.
Trên cơ sở kiến thức xã hội nền tảng, sinh viên khi trở thành những phóng viên, biên tập viên tác nghiệp tại các toà soạn, đài phát thanh, truyền hình, đội ngũ này luôn có cách nhìn sâu rộng về những mảng đề tài mới nóng của một xã hội đang chuyển biến không ngừng. Đồng thời, họ cũng luôn có tư duy lãnh đạo, tổ chức, quản lý nhóm phóng viên tác nghiệp hiệu quả.
Thực tế cũng minh chứng, nhiều sinh viên, học viên sau khi đào tạo đã nhanh chóng trưởng thành, phát triển, tham gia vào đội ngũ lãnh đạo, quản lý báo chí, nhiều đồng chí hiện nay là phó ban, trưởng ban chuyên môn, thư ký toà soạn, phó tổng biên tập, tổng biên tập các đơn vị báo chí Trung ương và địa phương.
Đặc biệt, ngày 17/1/2013 Khoa BC và TT đã ký kết hợp tác đào tạo chiến lược với Báo Pháp luật Việt Nam. Đây là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng và đổi mới phương thức đào tạo của Khoa khi lần đầu tiên ký kết hợp tác đào tạo chiến lược với một đơn vị tòa soạn báo. Trên nền tảng hợp tác này, Câu lạc bộ Bút trẻ - trực thuộc Chi hội Báo Pháp luật Việt Nam đã được thành lập. Thông qua quá trình học tập kiến thức ở khoa, rèn luyện trong môi trường thực tiễn ở báo, không ít sinh viên đã tiếp cận được với nghề một cách thực tế, bài bản nhất, tăng cơ hội việc làm khi ra trường.
Năng động, tích cực để đổi mới, phát triển
Sau các lần xây dựng và điều chỉnh chương trình đào tạo một cách đồng bộ, toàn diện, hiện tại, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có 22 ngành đào tạo đại học, các ngành được phát triển theo 3 nhóm: ngành khoa học cơ bản; ngành khoa học ứng dụng và các ngành khoa học liên ngành. Nhờ có đội ngũ cán bộ giỏi, đầy trách nhiệm, năng động, sáng tạo, Khoa BC và TT đã tự tin là một trong số không nhiều khoa đảm nhiệm việc đào tạo song song hai ngành học.
Và chỉ trong một phần tư thế kỷ xây dựng và phát triển, Khoa BC và TT trở thành một địa chỉ hàng đầu, tin cậy trong nghiên cứu và đào tạo đội ngũ những người làm báo, đã đào tạo hơn 10.000 cử nhân chính quy và phi chính quy cùng hơn 350 thạc sỹ và tiến sỹ, phục vụ hiệu quả cho nền báo chí Việt Nam.
Không chỉ dừng lại ở đó, chỉ tính trong 5 năm gần đây, có hơn 200 bài báo khoa học của cán bộ giảng viên trong Khoa BC và TT được đăng tải trên các tạp chí khoa học, lý luận, chuyên ngành hoặc được báo cáo tại các hội thảo trong và ngoài nước.
Năm 2007, khi Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục ưu tiên đầu tư thông qua các dự án khoa học công nghệ với nguồn kinh phí được cấp từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Trường quyết định thành lập Trung tâm Nghiệp vụ Báo chí và Truyền thông.
Hiện nay, Trung tâm nghiệp vụ Báo chí và Truyền thông đã trở thành một trong những đơn vị chủ chốt thực hiện công tác truyền thông quảng bá hình ảnh của Trường và Đại học Quốc gia Hà Nội.
Với sự năng động, tích cực của mình, Khoa BC và TT đã mạnh dạn mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế bằng các chương trình liên kết đào tạo cử nhân, thạc sỹ tại nước ngoài như: ĐH Quảng Tây (Trung Quốc), ĐH Stirling (Anh) cho đến dự án với nguồn đầu tư Nhật Bản, Quỹ Toyota, Hội đồng Anh cho đến Đại sứ quán Mỹ tài trợ…
Thành công của các dự án, các chương trình hợp tác đào tạo trên không những khẳng định uy tín, vị trí của khoa mà còn góp phần làm phong phú thêm hoạt động hợp tác quốc tế của nhà trường, tạo nên lợi thế so sánh, khẳng định vị thế của một trường đại học đứng đầu đất nước.
Với “sức vóc” tuổi 25, tin rằng trong tương lai tới đây, Khoa BC và TT sẽ vững vàng tiếp tục phát huy nội lực và sức mạnh tập thể, giữ vững đoàn kết, ổn định, phát huy thuận lợi, vượt khó khăn để xây dựng và phát triển khoa theo chiều sâu, hiện đại hoá các mặt, đúng theo định hướng trở thành một đơn vị đại học nghiên cứu chuẩn mực, hàng đầu./.