“Môn đăng hộ đối” vẫn còn ý nghĩa
Trong xã hội phong kiến, “môn đăng hộ đối” được xem là tiêu chí hàng đầu khi “dựng vợ gả chồng” cho nam, nữ đến tuổi “cập kê” với quan niệm: Các gia đình qua tìm hiểu giữa người lớn, bố mẹ hai bên nhận thấy có sự tương đồng về điều kiện, hoàn cảnh sống, trình độ văn hóa, hiểu biết, thậm chí là đối nhân xử thế…, trên cơ sở đó mới yên tâm gả con cho nhau. Cũng trên cơ sở đó, các cặp vợ chồng mới sống với nhau yên ấm, hạnh phúc…
Trong xã hội hiện đại, nam thanh, nữ tú tuy có sự suy nghĩ thông thoáng, phóng khoáng hơn về vấn đề này. Tuy nhiên, do có sự khác biệt về điều kiện kinh tế, hoàn cảnh, học thức, trình độ văn hóa… nên khó đạt tới sự hòa hợp cả về thể chất lẫn tinh thần, dẫn đến sự đổ vỡ không mong muốn.
Đó chính là lý do khiến bạn Nguyễn Thu Hà, 28 tuổi, Lạch Tray, Hải Phòng khẳng định “chắc như đinh đóng cột”: “Tiêu chí “Môn đăng hộ đối” trong chọn vợ, gả chồng hiện nay vẫn có ý nghĩa và không thể xem nhẹ, để đạt tới một cuộc hôn nhân hạnh phúc, bền vững và đảm bảo một tương lai bền vững cho các thế hệ con cháu về sau!”.
Đồng quan điểm với Thu Hà, một “mày râu” khá điển trai, con nhà lành hiện đang công tác tại Bộ Ngoại giao cũng cho rằng, “Môn đăng hộ đối” chính là “giấy bảo hành” của một cuộc hôn nhân.
Theo đấng nam nhi này, nếu có được yếu tố quan trọng trên, cuộc hôn nhân sẽ “thuận buồm, xuôi gió” hơn bởi các lý do: Gia đình dễ chấp nhận, tạo điều kiện; vợ chồng dễ đồng cảm, chấp nhận, sẻ chia với nhau; lối tư duy tương đồng (kinh tế, đạo đức, học thức); dư luận xã hội thuận lợi; đặc biệt vật chất luôn quyết định ý thức nên nếu cả hai bên nam nữ đều có tài sản sẽ có sự tôn trọng nhau hơn…
Bàn về vấn đề này, Nguyễn Văn Phương, 30 tuổi, Đông Anh, Hà Nội lại có quan điểm, hiện nay việc chọn vợ, chọn chồng theo gốc gác gia đình, tiềm lực kinh tế tương đồng tuy vẫn còn nhưng không còn nặng nề như trước. Bởi, việc chọn vợ, chọn chồng hiện phụ thuộc nhiều vào giới trẻ. Họ tự tìm hiểu nhau, yêu nhau rồi kết hôn. Cha mẹ chỉ là người định hướng và tôn trọng quyết định của con…
“Yêu thì cưới, không hợp thì… chia tay!”
Xã hội ngày càng tiến bộ, công nghệ ngày càng phát triển thì tư duy, suy nghĩ của giới trẻ càng thoáng hơn. Đôi khi, chỉ cần chat qua mạng, nói chuyện qua điện thoại… trai gái đã có thể yêu nhau, “thề non hẹn biển” đến một ngày sẽ trở thành vợ chồng. Tuy nhiên, cũng có những bạn trẻ rất chín chắn khi bày tỏ thái độ về tình yêu, hôn nhân.
Theo bạn Vũ Huy Hoàng (SN 1987), Hai Bà Trưng, Hà Nội, hôn nhân là việc một người nam và một người nữ sau khi tìm hiểu, yêu nhau, họ thấy đồng cảm, tin tưởng nhau, quyết tâm cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình.
“Quan trọng nhất trong hôn nhân là hai bên phải đồng cảm, tin tưởng nhau, tôn trọng nhau, quan tâm đến nhau, cũng như quan tâm đến gia đình và con cái. Còn việc ly hôn chỉ xảy ra khi hai bên không còn tin tưởng nhau, tôn trọng, quan tâm đến nhau nữa. Khi đó, việc ly hôn tất yếu xảy ra, để giải thoát cho nhau, để mỗi người có thể tìm được hạnh phúc, bến đỗ khác cho cuộc đời mình” – Hoàng chia sẻ.
Là một trong những “tín đồ” trung thành của quan điểm sống hiện đại “Yêu thì cưới, không hợp thì chia tay”, Nguyễn Thu Hương, 23 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội khẳng định: “Các bạn trẻ hiện nay thường sống thực tế, có lối sống, suy nghĩ rất giản đơn, ích kỷ, cá nhân…, cho nên họ “dễ yêu” và cũng “dễ bỏ”. Chỉ cần gặp người khác thấy hợp với mình hơn là họ sẵn sàng chia tay người yêu cũ để đến với tình yêu mới…”.
Tôn trọng những đứa trẻ…!
Nhận định rất “thoáng” như vậy, nhưng khi đề cập đến vấn đề ly hôn, cô gái xinh xắn, thông minh này lại tỏ vẻ đắn đo, suy tư: “Không hợp thì chia tay nhưng đừng làm ảnh hưởng gì đến những đứa con!”.
Theo suy nghĩ của Hương, bọn trẻ không có tội tình gì cả và rất dễ bị tổn thương, nhất là chúng sẽ bị ảnh hưởng đến tâm sinh lý khi suốt ngày chứng kiến cảnh cha mẹ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.
Vì thế, tốt nhất khi mâu thuẫn, cãi nhau không nên cho các con biết. Nếu cảm thấy không thể sống được với nhau thì gặp nhau để nói chuyện và bàn phương án giải quyết, để không ảnh hưởng xấu đến tâm lý của con cái.
Đối với quan niệm này, Thu Hà lại có ý kiến khác. “Tôi chỉ đồng nhất với một nửa vế của câu nói trên, vì: Yêu là cưới, nếu yêu mà không cưới thì không thực sự nghiêm túc”.
Tuy nhiên, đối với vế “không hợp thì chia tay”, theo Thu Hà thì phải xem xét 2 giai đoạn: Thứ nhất: Trong giai đoạn tiền hôn nhân, câu nói trên là đúng vì yêu mà không hợp thì nên chia tay. Việc này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu để kết hôn rồi mới chia tay.
Trong thời kỳ hôn nhân, một khi đã yêu rồi cưới mới phát hiện không hợp nhau sẽ không dễ dàng “đường ai nấy đi” vì lúc đó cả hai đều phải có trách nhiệm với chính mình và với gia đình, họ hàng hai bên, đặc biệt là con cái và dư luận xã hội.
Do vậy, theo Hà trước khi kết hôn, các bạn trẻ cần suy nghĩ, cân nhắc thật chín chắn. Cụ thể, có yêu nhau, cảm thấy hòa hợp thì hãy cưới. Bởi “nếu thiếu yếu tố hòa hợp, nghĩa là thiếu điều kiện đủ, mà chỉ yêu (điều kiện cần) thì không nên tiến tới hôn nhân. Vì dù có kết hôn với nhau, không những bản thân họ không có được hạnh phúc như mình mong muốn, mà con cái họ cũng sẽ bị ảnh hưởng về lâu dài”.