Nước suối nguồn đổi màu vì nước thải nhà máy
Theo thông tin của phóng viên ghi nhận, tại khu vực nhà máy hoạt động, hệ thống xả nước thải công nghiệp có đường ống xả trực tiếp vào nguồn nước suối. Về mặt vệ sinh công nghiệp, tất cả nguyên liệu lá quế, vỏ quế chỉ được che phủ bằng những tấm bạt thô và đổ đầy trên nền đất. Ngay tại thời điểm phóng viên đến nhà máy đang hoạt động chế biến, cả một đoạn đường 500m bùn lầy, kéo theo là rác ngập do lá quế rơi vãi trong lúc xe vận chuyển nguyên liệu vào kho.
Cô A. giáo viên tại trường Mầm non xã Ngòi A cho biết: “Nhà máy quế này của một bà chủ tên Hảo, nhà máy hoạt động cách đây chừng 3 đến 4 năm rồi. Trước đây, nhà máy còn hay đốt rác thải nguyên liệu gây khói bụi ảnh hưởng đến dân cư và trường học, sau khi bị người dân phàn nàn và nhà trường kiến nghị đã không còn tái diễn nữa. Nhưng đến thời điểm hiện tại thì nhà máy này xả nước thải làm cả con suối đóng rêu đen xì. Hiện giờ kiểm định nguồn nước của nhà trường thì chưa ảnh hưởng, xong nếu tiếp diễn tình trạng này thì chúng tôi cũng không biết nguồn nước có bị ô nhiễm hay không”.
Anh V. người dân sống tại xã Ngòi A cũng chia sẻ: “ Nhà máy hoạt động khá lâu nên cũng không rõ nước ngầm có bị ô nhiễm hay không. Nhưng các anh chị cứ qua con suối nhìn là biết, cả dòng nước đen xì. Đường thì ngập bùn ngày mưa gió, ngày nắng thì bụi mù trời”.
Để xác minh thông tin của người dân phản ánh, phóng viên đã ghi hình tại con suối chảy qua khu nhà máy và dân cư, quả đúng là nguồn nước đen, bờ đá rêu không phải là màu xanh mà đóng thành mảng đen. Đi dọc theo bờ suối hơn 2km vẫn là nguồn chảy mang dòng nước đen xì, đây cũng là nguồn nước cấp vào khu vực ruộng nương của người dân. Ông L. một người dân cho biết: “ Nước suối này trước đây không có rêu đen, nước rất trong có thể tắm giặt được, nhưng lâu nay người dân không ai sinh hoạt bằng nước suối cũng vì nhìn nước đen ngòm như này thì ai dám dùng”.
Cơ quan chức năng không nắm bắt được hay lơ là trong công tác quản lý?
Trước thực trạng nhà máy chế biến sản xuất tinh dầu quế xả nước thải công nghiệp vào nước nguồn, phóng viên đã có buổi làm việc với Phòng Tài nguyên môi trường UBND huyện Văn Yên ngày 10/1/2018. Tại buổi làm việc ông Lê Tiến Dũng - Trưởng Phòng Tài nguyên môi trường cho biết: “ Khi tôi về Phòng được hai năm có nắm bắt về tình hình các nhà máy. Quế là nguồn tài nguyên kinh tế của huyện, nhưng bất cứ nhà máy nào có sai phạm sẽ lập tức lập biên bản”.
Cùng buổi làm việc ngày 10/1/2018, ông Dũng cho nhân viên Phòng TNMT cùng phóng viên vào nhà máy để làm việc và yêu cầu giám đốc nhà máy là bà Hảo cung cấp hồ sơ nhà máy cùng các kiểm định, kiểm chứng quan trắc vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, khi đến nhà máy thì nhà máy đang tạm nghỉ, và chủ doanh nghiệp là bà Hảo không có mặt để cung cấp thông tin. Khi được hỏi về hệ thống xử lý nước thải thì nhân viên nhà máy cho biết: “ Nhà máy có hồ chứa nước ngầm, và sản xuất chế biến quế giống như thảo dược nên không có gì ô nhiễm”. Trên thực tế, hồ chứa cũng có màu nước đen, bốc khói hơi nóng nghi ngút mà không ai dám đến gần. Mặt khác, nhân viên của nhà máy cũng xác nhận ống nước xả nước thải xả trực tiếp vào nguồn nước suối chảy qua nhà máy.
Để có nguồn tin đa chiều, phóng viên đề nghị Phòng TNMT cung cấp thông tin về việc doanh nghiệp xử lý vệ sinh công nghiệp thì được trả lời không nắm rõ hồ sơ doanh nghiệp này, chờ phía doanh nghiệp lên làm việc sẽ cung cấp sau.
Những câu hỏi đặt ra ở đây là thực trạng nhà máy ngang nhiên hoạt động trong khu dân cư là sai hay đúng? Nếu sai đơn vị cơ quan chức năng nào đã cấp phép cho nhà máy hoạt động? Về xử lý rác thải, nước thải công nghiệp không qua hệ thống xử lý mà xả vào nguồn nước sinh hoạt như vậy liệu để lại hậu quả gì cho hệ sinh thái và gây nguy hại gì cho sức khỏe đời sống sinh hoạt dân sinh? Tại sao doanh nghiệp và cả cơ quan chức năng không cung cấp được hồ sơ và giấy tờ liên quan đến việc xử lý vệ sinh công nghiệp của nhà máy? Có chăng là sự lơ là, tắc trách trong khâu quản lý, nắm bắt thông tin về các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn?
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.