Kỳ công như chọn cây nêu
Theo phong tục dân gian Việt Nam, cây nêu được dựng trước sân nhà vào ngày 23 tháng Chạp - ngày Táo quân lên chầu trời. Bởi từ ngày này cho tới đêm giao thừa, Táo quân vắng mặt, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu, nên phải trồng cây nêu để trừ tà. Trên ngọn cây nêu có buộc nhiều thứ như túi nhỏ đựng trầu cau, ống sáo, những miếng kim loại lớn nhỏ... hay treo những vật dụng có tính chất biểu tượng của địa phương, dân tộc như đèn lồng, cờ tổ quốc.
Tuy chỉ là cây nêu, nhưng để lựa chọn được cây tre phù hợp để làm nêu cũng lắm công phu. Tại một điểm bán nêu trên đường Đại lộ Lê Nin (TP Vinh), anh Nguyễn Văn Thủy đang loay hay lựa chọn tre. Người đàn ông này chia sẻ: nhắc đến cây nêu không ai là không biết ý nghĩa của nó. Từ xa xưa, cây nêu được làm bằng tre. Tre có đốt, là bậc thang đi về của thần linh, mang sinh khí của trời chuyển xuống mặt đất giúp mặt đất phì nhiêu, hội tụ sinh khí giúp mùa màng tốt tươi.
Vì phong tục đó nên hàng năm cứ gần đến ngày 23 âm lịch là đích thân anh lại đi mua cây nêu. Anh Thủy tâm sự: “Những năm trở lại đây, nhiều người làm cây nêu bằng sắt, với tiện ích sử dụng được nhiều năm. Nhưng bản thân tôi vẫn thích dựng nêu bằng tre theo cách truyền thống của cha ông hơn. Bởi tôi muốn giữ nét đẹp truyền thống”.
Để cây nêu đạt chuẩn, điều kiện tiên quyết là cây phải đủ ngọn. Những cây bị cụt ngọn chắc chắn bị loại ra bởi theo quan niệm dân gian, cây nêu không có ngọn sẽ mang lại xui xẻo cho gia chủ. Do đó, đòi hỏi việc vận chuyển và khi đỡ xuống xe phải cẩn thận để không bị gãy phần ngọn.
Một góc làng quê xứ Nghệ rực rỡ cây nêu, cờ Tổ quốc đón Tết. |
Ngoài ra, những cây tre được chọn làm nêu phải là loại tre già, to, thẳng. “Ông cha ta đúc kết “cao nêu, kêu pháo, bánh chưng xanh” nên cây nêu càng cao, thân già, đốt đều càng được ưa chuộng”, anh Thủy nói. Những năm gần đây, cây nêu còn là thứ để trang trí cho ngôi nhà vào dịp đón Tết nên các hộ dân đầu tư thêm đèn nháy quấn quanh thân cây, treo đèn lồng ở phần ngọn để thêm lung linh vào buổi tối và gắn lá cờ tổ quốc.
Sau khoảng 30 phút lựa chọn với sự tư vấn của một số người, anh Thủy đã “chấm” được cây nêu ưng ý. Người đàn ông này cho hay, cây tre sẽ được vận chuyển về nhà, rồi đích thân anh sẽ trang trí thêm một số chi tiết theo ý của mình. Tất nhiên, khi làm những việc đó anh sẽ nhận được sự trợ giúp của người thân, hàng xóm. Đó cũng là cách để gắn kết tình thân, sự đoàn kết giúp đỡ nhau của những hộ dân gần đó.
Cây nêu sau khi trang trí xong sẽ được gia đình anh dựng lên vào ngày 23 tháng Chạp. Theo tích xưa thì cây nêu được dựng lên để xua đuổi ma quỷ, bảo vệ gia đình trong thời gian ông Công, ông Táo lên chầu trời nên phải dựng đúng ngày mới có ý nghĩa.
Loại hàng hóa chỉ bán vào dịp Tết
Ông Nguyễn Văn Thắng, ở huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An) chia sẻ, ngày xưa mọi người thường đến nhà xin nhau cây tre, cây nứa để làm nêu. Nhưng mấy năm trở lại đây, cơ chế thị trường cộng thêm số lượng tre nứa giảm nên bắt đầu xuất hiện nhiều nhà bán. Trước nhu cầu của khách hàng, nhiều người nhạy bén trong kinh doanh đã nhập cây tre về bán để làm cây nêu. Tết Nguyên đán Tân Sửu năm nay, anh Nguyễn Văn Đức (23 tuổi, quê huyện Thanh Chương) đã hùn vốn với bạn nhập hàng trăm cây tre về bán. Thanh niên này cho hay, để đảm bảo chất lượng đích thân anh vượt hàng trăm cây số để lên miền núi, tìm mua tận vườn.
Tiêu chí để anh chọn cây tre làm nêu là phải thẳng, dài, không có dấu hiệu của sâu bệnh và cong ở phần ngọn. Điều quan trọng nhất là cây nêu không được mất ngọn. “Mỗi cây được anh em chúng tôi lựa chọn cẩn thận rồi thu gom, thuê xe chở về TP Vinh. Vì chi phí vận chuyển khá cao nên mỗi cây tre để làm nêu, chúng tôi bán với giá từ 200 đến 250 nghìn đồng”, anh Đức cho biết.
Để chọn được những cây nêu đạt tiêu chuẩn, anh Đức lên tận miền núi để chọn tre. |
Đối với những cây nêu hoàn chỉnh bao gồm có đèn nháy, đèn lồng, đèn ngôi sao và hệ thống điện được bán với giá từ 900 đến 01 triệu đồng. “Với khách mua cây nêu đã hoàn chỉnh, chúng tôi sẽ vận chuyển và dựng miễn phí cho họ với điều kiện ở trong thành phố”, anh Đức cho hay. Thời điểm này, trung bình mỗi ngày điểm bán của anh bán ra khoảng 10 cây nêu. Chàng thanh niên trẻ hy vọng, những ngày về sau lượng khách sẽ đông hơn.
Tại một điểm bán cây nêu ở xã Nghi Kim, TP Vinh, việc mua bán diễn ra nhộn nhịp hơn. Chủ điểm bán này cho hay, các năm khác người dân thường đợi đến Tết ông Công, ông Táo mới dựng nêu nhưng năm nay có thể là có nhiều thời gian nên họ dựng sớm hơn, tránh để gần ngày cập rập. Trung bình mỗi ngày anh bán được khoảng 80 cây, gần ngày 23 tháng Chạp khả năng lượng mua sẽ tăng cao hơn. Đây là tre từ huyện miền núi Nghệ An chuyển xuống, thời điểm hiện tại có giá 180 – 200 nghìn đồng/cây.
Nghề buôn tre dựng nêu dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và chỉ có 1 mùa duy nhất nhưng mang lại nguồn thu không hề nhỏ cho các lái buôn. Thời điểm hiện tại, nhiều người dân tại Nghệ An đã bắt đầu dựng nêu đón Tết. Nếu tự trang trí, chi phí cho mỗi cây nêu bao gồm thân tre, bóng nháy, đèn lồng... khoảng 350-400 nghìn đồng. Một số điểm dịch vụ dựng nêu tận nhà, một cây nêu đẹp, hoàn chỉnh có giá lên tới 1 triệu đồng. Theo những người bán nêu, loại hàng hóa này chỉ bán mỗi năm một lần vào dịp Tết Nguyên đán. Ngoài nguồn tre, trúc từ các huyện miền núi trong tỉnh, một lượng đáng kể được vận chuyển từ miền Bắc về để phục vụ nhu cầu của người dân.
Với ý nghĩa xua đuổi tà ma, mang lộc xuân vào nhà, khi ngày Tết đang cận kề, trên các nẻo đường từ thôn quê ra phố thị ở Nghệ An đều lung linh rực rỡ ánh đèn, cờ hoa từ các cây nêu.