Ý nghĩa tục cúng tiễn ông Công, ông Táo

Táo quân về trời
Táo quân về trời
(PLVN) - Vì Táo quân quanh năm nằm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện xảy ra, dù chuyện tốt hay chuyện dở. Với mong muốn thần Bếp sẽ “phù hộ” cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hàng năm Tết đến, người ta thường làm lễ tiễn đưa Táo quân chầu trời một cách long trọng...

Ngày mai là 23 tháng Chạp, theo tục cổ truyền của người Việt, hàng năm vào ngày này, các gia đình thường chuẩn bị làm lễ cúng tiễn vua Bếp (cũng gọi là ông Công ông Táo hay Táo quân) lên chầu trời để báo cáo mọi việc tốt xấu của nhân gian. Sau khi tiễn ông Công ông Táo lên chầu trời, người ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối và cắm hoa ở những nơi trang trọng chuẩn bị đón Tết.

Sự tích Táo quân

Nguồn gốc tục cúng ông Công, ông Táo được cho xuất phát từ sự tích vua Bếp. Ông Công là Thổ Công - vị thần cai quản đất đai, Ông Táo là thần bếp, hay Táo Quân, gồm hai ông, một bà. Lễ ông Công, ông Táo được thực hiện vào ngày 23 Tháng Chạp. Trong ngày này, ông Công được cúng ở bàn thờ chính trên nhà, còn ông Táo được cúng dưới bếp.

Về sự tích vua Bếp, có nhiều truyền thuyết được dân gian truyền lại, trong đó, phổ biến nhất là truyện thường được kể dưới nhan đề Sự tích ông đầu râu. Trong sách Cơ sở Văn hóa Việt Nam, giáo sư Trần Ngọc Thêm viết rằng, ngày xưa có hai vợ chồng nghèo khổ, sau một năm mất mùa, người chồng phải đi làm ăn xa, nhiều năm bặt tin không về.

Người vợ để tang chồng, sau đó, nối duyên với một người đã cưu mang nàng. Một ngày kia, trong khi người chồng mới đi vắng, người chồng cũ bỗng trở về. Lúc này, người vợ chỉ biết ôm chồng cũ khóc than rồi đem cơm rượu cho ăn.

Sợ điều tiếng, người vợ bảo chồng cũ ra đống rơm núp tạm. Người chồng mới về nhà, vào bếp lấy tro bón ruộng nhưng không có, bèn đốt đống rơm, vô tình giết người chồng cũ.

Thấy chồng cũ chết oan uổng trong đống rơm, người vợ thương xót nên nhảy vào lửa cùng chết. Người chồng mới thấy vậy, thương vợ nên cũng nhảy vào lửa chết theo dù chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện.

Trời thấy ba người sống đầy tình nghĩa nên phong cho họ làm vua Bếp để được gần nhau mãi mãi và để lửa luôn đốt nóng tình yêu của họ. Trong bộ ba đó, người chồng mới là Thổ Công trông nom việc trong bếp, người chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà và người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa. 

Cũng có tích khác kể rằng, Thị Nhi có chồng là Trọng Cao. Tuy ăn ở mặn nồng tha thiết với nhau, nhưng mãi không có con. Vì vậy, dần dà Trọng Cao hay kiếm chuyện xô xát dằn vặt vợ. Một hôm, chỉ vì một chuyện nhỏ, Cao gây thành chuyện lớn, đánh Thị Nhi và đuổi đi.

Nhi bỏ nhà, lang thang đến một xứ khác và sau đó gặp Phạm Lang. Phải lòng nhau, hai người kết thành vợ chồng. Phần Trọng Cao, sau khi nguôi giận thì quá ân hận, nhưng vợ đã bỏ đi xa rồi. Day dứt và nhớ quay quắt, Cao lên đường tìm kiếm vợ.

Ngày này qua tháng nọ, tìm mãi, hết gạo hết tiền, Cao phải làm kẻ ăn xin dọc đường. Cuối cùng, may cho Cao, tình cờ tìm xin ăn đúng nhà của Nhi, nhằm lúc Phạm Lang đi vắng. Nhi sớm nhận ra người hành khất đúng là người chồng cũ. Nàng mời vào nhà, nấu cơm mời Cao. Đúng lúc đó, Phạm Lang trở về.

Nhi sợ chồng nghi oan, nên giấu Cao dưới đống rạ sau vườn. Chẳng may, đêm ấy, Phạm Lang nổi lửa đốt đống rạ để lấy tro bón ruộng. Thấy lửa cháy, Nhi lao mình vào cứu Cao ra. Thấy Nhi nhảy vào đống lửa, Phạm Lang thương vợ cũng nhảy theo. Cả ba đều chết trong đám lửa.

Thượng đế thương tình thấy 3 người sống có nghĩa có tình nên phong cho làm vua bếp hay còn gọi là Định phúc Táo Quân và giao cho người chồng mới là Thổ Công trông coi việc trong bếp, người chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà, còn người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa.

Mâm cỗ cúng Táo quân
Mâm cỗ cúng Táo quân

Không những định đoạt may, rủi, phúc họa của gia chủ, các vị Táo còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà.

Ngoài ra còn một số truyền thuyết, dị bản khác nhau nhưng đều có một điểm chung là những nhân vật đều sống có nghĩa có tình. Người Việt xưa không bao giờ có thể chấp nhận việc đa phu, một bà hai ông. Người ta thường chỉ trích “Thế gian một vợ một chồng, không như vua bếp hai ông một bà”. Như vậy, điều mà tích truyện nhắc tới, đó không phải là cái lý, nhưng là cái tình nghĩa phu thê, sống chết cùng nhau.

Nghi lễ cúng Táo quân

Tương truyền, thường ngày Táo quân ghi lại những công tội, tốt xấu của mọi người để đến ngày trở về trời báo cáo với Ngọc Hoàng, làm cơ sở để thưởng cho cái tốt và phạt cái xấu. Vì vậy, để được Táo quân phù trợ, người ta thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu trời rất trọng thể.

Vì Táo quân quanh năm nằm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện xảy ra, dù chuyện tốt hay chuyện dở. Với mong muốn thần Bếp sẽ “phù hộ” cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hàng năm Tết đến, người ta thường làm lễ tiễn đưa Táo quân chầu trời một cách long trọng.

Trong truyền thuyết, cá chép là phương tiện duy nhất có thể đưa Táo Quân về trời. Bởi thế, vào ngày này, sau khi làm lễ xong, các gia đình đều cúng con cá chép rồi đem ra sông hay ra ao thả, ngụ ý “cá hóa long”, nghĩa là cá sẽ hóa rồng, vượt vũ môn, làm phương tiện cho Táo quân cưỡi về trời.

Ngoài ra theo giáo lý nhà Phật, hành động thả cá chép mang ý nghĩa phóng sinh, khơi dậy lòng hiếu sinh, sự thiện lương của con người. Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá vượt vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công.

Người Việt tin rằng, sau khi cưỡi cá chép bay về trời để trình báo chuyện bếp núc và mọi việc xảy ra trong gia đình gia chủ với Ngọc Hoàng, đến Giao thừa, Táo quân trở lại hạ giới để tiếp tục công việc của mình.

Bàn luận thêm về nghi thức thờ cũng Táo quân, theo giáo sư Trần Ngọc Thêm, Thổ Công định đoạt phúc họa cho cả nhà nên là vị thần quan trọng nhất nhưng ông bà tổ tiên được tôn kính nhất. Để không làm mất lòng ai, người dân đã khéo léo xếp cho tổ tiên ngự tại bàn thờ tôn kính nhất ở gian giữa, còn Thổ Công ở gian bên trái (theo Ngũ hành, bên trái - phương Đông là nơi quan trọng thứ hai sau trung tâm).

Tuy địa vị kém nhân thần nhưng quyền lực của địa thần lại lớn hơn, Thổ Công được coi là Đệ nhất gia chi chủ. Mỗi khi giỗ cha mẹ, người dân đều phải khấn Thổ Công trước rồi xin phép cho cha mẹ được về “phối hưởng”.

Về mâm cỗ cúng ông Công ông Táo tuy không cầu kỳ nhưng lại cần sự trang trọng, chu đáo, thể hiện được tấm lòng thành của gia chủ trước bàn thờ vị thần cai quản đất đai và vị thần cai quản bếp núc nhà mình.

Tùy vào mỗi vùng miền, mâm cỗ cũng Táo quân có sự khác nhau về lễ vật. Đối với người Miền Bắc, mâm cỗ với các món truyền thống đặc trưng như gà luộc, bánh chưng, xôi vò, xôi gấc, canh măng, canh bóng, đĩa xào thập cẩm, giò, mâm ngũ quả, nem (chả giò), cá kho, hành muối…  và không thể thiếu các món đặc trưng miền Bắc như xôi chè, chè bà cốt, chè kho, chè xôi nén. Đây đều là những loại chè thường chỉ có ở miền Bắc.

Tuy tên gọi là chè nhưng phần lớn được nấu như xôi. Mâm cúng của người Miền Nam cũng tương đồng với những món ăn cổ truyền và món chè trôi nước, bên cạnh đó còn có thêm một đĩa kẹo “thèo lèo”. Đây cũng là một nét đặc trưng của người Miền Nam, một số người cao tuổi cho rằng, món thèo lèo này bắt nguồn từ văn hóa của người Hoa. Về cơ bản cỗ cũng Táo quân có cỗ mặn và cỗ chay.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.