Hình ảnh, clip đăng trên mạng xã hội được coi là nguồn tin
Từ ngày 5/8, bên cạnh việc phát hiện, xử phạt trực tiếp các hành vi vi phạm luật giao thông của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, CSGT có thể dựa vào thông tin, hình ảnh… người dân đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để xác minh, xử phạt các hành vi vi phạm giao thông.
Nội dung trên được nêu rõ tại Thông tư số 65/2020/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 5/8/2020.
Cụ thể, theo Điều 24 của Thông tư số 65/2020/TT-BCA về việc tiếp nhận, xác minh thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do tổ chức, cá nhân cung cấp hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Khoản 1, Điều 24 của Thông tư này cũng nêu rõ những thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được tiếp nhận từ các nguồn: Ghi thu được bằng thiết bị kỹ thuật của tổ chức, cá nhân (không phải phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ) và thông tin, hình ảnh đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
Theo quy định, thông tin, hình ảnh làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm hành chính phải phản ánh khách quan, rõ về thời gian, địa điểm, đối tượng, hành vi vi phạm quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và còn thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.
Tổ chức, cá nhân khi ghi nhận được thông tin, hình ảnh, thì có thể cung cấp cho đơn vị CSGT nơi xảy ra vụ việc thông qua thư điện tử, đường bưu điện hoặc trực tiếp đến trụ sở đơn vị để cung cấp. Tổ chức, cá nhân phải có tên, họ tên, địa chỉ rõ ràng, số điện thoại liên hệ (nếu có) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin, hình ảnh đã cung cấp.
Dựa trên những thông tin, hình ảnh về hành vi vi phạm giao thông được tổ chức, cá nhân cung cấp hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội…, cán bộ CSGT tiếp nhận phải xem xét, phân loại, nếu bảo đảm điều kiện quy định tại khoản 2, khoản 3, điều này, thì ghi chép vào sổ và báo cáo thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền.
Để kịp thời tiếp nhận thông tin phản ánh việc vi phạm giao thông từ tổ chức, cá nhân, Khoản 4, Điều 24, Thông tư số 65/2020/TT-BCA cũng quy định rõ: Phòng hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ; Phòng CSGT; Đội CSGT - trật tự, Công an cấp huyện có trách nhiệm thông báo địa điểm, hộp thư điện tử tiếp nhận thông tin, hình ảnh để nhân dân biết cung cấp.
Làm gì để chống thông tin giả?
Thực tế trước khi Thông tư 65/2020 được ban hành, CSGT một số địa phương đã sử dụng hình thức xử phạt vi phạm từ hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội, điển hình là Hà Nội và TP HCM.
Tháng 6/2018, Công an TP Hà Nội ra mắt trang Facebook để tiếp nhận, xử lý thông tin về trật tự an toàn giao thông và tác phong cán bộ, chiến sĩ. Theo một lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, trong quá trình hoạt động, nhiều người dân đã cung cấp trường hợp sai phạm của các phương tiện khi tham gia giao thông và đơn vị đã xử lý.
Tương tự, đại diện Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM cho biết, từ lâu lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đối với các trường hợp vi phạm được người dân và báo chí ghi nhận.
Đơn cử vào cuối năm 2017, trên một số trang mạng xã hội và báo chí phản ánh clip có hình ảnh tài xế xe đầu kéo dùng chân điều khiển vô lăng chạy trên cầu Phú Mỹ (quận 7). Lực lượng chức năng đã mời chủ phương tiện lên làm việc và phạt 8,2 triệu đồng, tước bằng lái 3 tháng.
Tuy vậy, dư luận vẫn băn khoăn làm gì để tránh tình trạng thông tin không chính xác, bị làm giả? Đại diện Cục CSGT - Bộ Công an cho biết việc tiếp nhận thông tin qua mạng xã hội là quy định nhằm tăng cường và cụ thể hóa việc tiếp nhận thông tin vi phạm trật tự an toàn giao thông do người dân cung cấp.
Trong đó, những trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông được người dân chụp ảnh, ghi hình lại hoặc đăng tải trên báo chí, mạng xã hội sẽ được CSGT xác minh làm rõ. Trên cơ sở đó, CSGT sẽ mời chủ phương tiện, người thực hiện hành vi vi phạm đến để xử lý.
Để tránh tình trạng thông tin không chính xác, bị làm giả, CSGT sẽ trưng cầu giám định thông tin, hình ảnh và các tài liệu liên quan. Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ làm việc trực tiếp với tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời gửi văn bản đến cơ quan báo chí đã đăng tải đề nghị cung cấp thông tin, hình ảnh này.
“Tổ chức, cá nhân khi ghi nhận, đăng tải thông tin, hình ảnh sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin đã cung cấp. Trường hợp thông tin, hình ảnh có dấu hiệu làm giả, vụ việc sẽ được chuyển sang cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định”– theo đại diện Cục CSGT thông tin.
Giữ bí mật người cung cấp hình ảnh
Theo Cục CSGT, các thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm của người dân đã giúp ích rất nhiều cho lực lượng CSGT trong việc xác minh, làm rõ phương tiện và người điều khiển. Lực lượng CSGT toàn quốc sẵn sàng tiếp nhận các hình ảnh, clip ghi lại hình ảnh vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là các hành vi gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy.
Thông tư 65 cũng quy định tổ chức, cá nhân khi ghi nhận được thông tin, hình ảnh có thể cung cấp cho đơn vị CSGT nơi xảy ra vụ việc thông qua thư điện tử, đường bưu điện hoặc trực tiếp tại trụ sở đơn vị. Các tổ chức, cá nhân phải có họ tên, địa chỉ rõ ràng, số điện thoại liên hệ (nếu có).
Công an cấp huyện trở lên có trách nhiệm thông báo địa điểm, hộp thư điện tử tiếp nhận thông tin, hình ảnh để nhân dân biết cung cấp; tổ chức trực ban 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin, hình ảnh. Ngoài ra, phải bảo đảm bí mật tên, họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, bút tích và các thông tin khác của tổ chức, cá nhân đã cung cấp thông tin, hình ảnh.