Đó chính là hoàn cảnh đáng thương của ba chị em cháu Ma Thị Sinh (SN 2002), Ma A Dì (SN 2003) và Ma A Lử (SN 2006) ở thôn 7, xã Krông Á, huyện M'Đrăk, tỉnh Đắk Lắk.
Ba chị em bị cha mẹ bỏ rơi
Từ trung tâm xã tới được nhà của 3 cháu bé phải đi qua một cây cầu nhỏ chừng 1m, với hai thanh gỗ và vài tấm ván ghép vào nhau do người dân tự làm. Qua được cây cầu này, khách phải lội bộ qua con đường đất đỏ, dốc ngoằn nghèo, trời mưa ngập đầy bùn đất mới tới nơi.
Theo lời kể của anh Ma Seo Sìa (SN 1995, hàng xóm), cha mẹ ba cháu tên là Lầu A Dơ và Ma Thị Chính, đều là người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên ở một xã vào loại khó khăn nhất tỉnh Lào Cai.
Đôi vợ chồng này nên duyên nhờ được mai mối của những người họ hàng. Vì chưa đủ tuổi kết hôn nên hai người không lên chính quyền địa phương đăng ký kết hôn nhưng vẫn về sống với nhau như vợ chồng từ năm 2001. Ba đứa trẻ ra đời từ một cuộc tình chắp vá như thế.
Vì cuộc sống ở thôn quê khó khăn, lại thêm thiên tai hoành hành, tình trạng mất mùa xảy ra liên tiếp nên đôi vợ chồng trẻ dắt díu theo ba đứa con nheo nhóc di cư vào Tây Nguyên với mong ước đổi đời.
Nhờ sự quen biết trước, cả nhà đã chọn xã Krông Á (huyện M'Đrăk) để sinh sống và làm ăn. Cứ ngỡ đặt chân lên vùng đất mới, chăm chỉ làm ăn thì cuộc sống sẽ khấm khá hơn. Nào ngờ, cái nghèo cứ đeo bám đôi vợ chồng trẻ cùng mấy đứa con.
Sau vài năm, hai vợ chồng khai hoang được gần 4 sào đất để trồng lúa, vài sào đất rừng để trồng mì. Nhưng mấy sào ruộng khai hoang của đôi vợ chồng vừa sình, vừa bạc màu khiến việc trồng lúa trở nên khó khăn, lại năng suất thấp. Để có tiền trang trải cho cuộc sống, hai vợ chồng phải đi làm thuê, cuốc mướn cho những hộ có nhu cầu.
Cũng vì nghèo túng mà người chồng nảy sinh tâm lý chán nản, suốt ngày lao vào các cuộc nhậu thâu đêm, suốt sáng. Thói quen nhậu nhẹt đã biến một chàng trai chăm chỉ, hiền lành thành một kẻ tối ngày say xỉn, lười nhác. Mỗi lần say khướt về nhà, Lầu A Dơ lại chửi mắng vợ con thậm tệ.
Một lần, A Dơ đi nhậu về, chìa tay xin tiền, vợ không cho, hắn liền đập hết đồ đạc trong nhà. Cãi vã xảy ra khiến hàng xóm can ngăn không được, có lần cả trưởng thôn đến giải quyết mâu thuẫn, nhưng chỉ được lúc đó, rồi đâu lại vào đấy.
Cuối năm 2014, trong một lần xin tiền vợ mua rượu không được, Lầu A Dơ đã gọi người tới bán đi nửa số đất rẫy của hai vợ chồng rồi cầm tiền gói ghém hành lý bỏ đi. Người vợ chạy khắp thôn xóm tìm chồng không thấy. Không được bao lâu, người mẹ ra Bắc tìm chồng rồi cũng nhẫn tâm bỏ lại ba đứa con thơ. Từ đó, ba chị em Sinh tự chăm sóc cho nhau trong căn nhà nhỏ lụp xụp, không che nổi mưa nắng.
Cháu Sinh thay mẹ lo việc cơm nước cho các em |
Cạn nước mắt vì nhớ mẹ cha
Ngày cha mẹ bỏ đi, không dặn dò điều gì. Hỏi Sinh, em nói không biết khi nào cha mẹ mình sẽ quay lại. Hàng xóm cảm thương gia cảnh của ba đứa trẻ nên đã cho chúng cơm ăn. Nhưng sự cảm thương đó không kéo dài được lâu, bởi cả xóm cũng nghèo không đủ sức nuôi gia đình, họ lấy đâu điều kiện mang thêm gánh nặng bên ngoài.
Sau này, được một người hàng xóm thương tình dẫn ba em đi nhặt hạt keo về bán kiếm tiền đong gạo. Cũng từ đó đến nay, ba chị em Sinh hàng ngày dắt nhau lên núi nhặt hạt keo về bán.
Trong căn nhà lụp xụp của các em chẳng có gì đáng giá. Hai chiếc giường đặt liền nhau chiếm hết chiều dài căn nhà. Vách nhà được che bởi những tấm vải chắp vá. Ngôi nhà nền đất đỏ, chỉ có một cái kiềng, chơ vơ vài cành củi khô. Mỗi khi có ai tới thăm không mảnh chiếu hay cái ghế để ngồi. Không có bàn tay người mẹ, ba chị em lúc nào cũng nhem nhuốc, cơm ăn thì khi đói, khi no.
Sinh buồn bã tâm sự: “Từ ngày cha mẹ bỏ đi, hai đứa em của em khóc nhiều lắm! Không đếm được khóc bao nhiêu lần nữa. Em cũng khóc, khóc nhiều rồi cũng không thấy cha mẹ về nữa. Buổi sáng sau khi thức dậy, em nấu sẵn một nồi cơm để đó cho hai em dậy cùng ăn. Bữa ăn có rau rừng, cá khô. Hôm nào không có cơm thì ăn mì tôm pha với nước sôi”.
Trao đổi với phóng viên, chị Mạc Thị Thanh Thủy, cô giáo chủ nhiệm cũ của Sinh cho biết: “Hồi ba chị em cháu Sinh xin vào lớp học nhưng không có giấy khai sinh. Khi đó, tôi phải lên xã làm giấy khai sinh cho các cháu, nhưng vì cha mẹ các cháu không có hộ khẩu và giấy đăng ký kết hôn nên không làm được. Sau này, chính quyền tạo điều kiện làm bản sao giấy khai sinh để giúp các cháu được đến trường. Trong ba chị em thì cháu Sinh đã quá tuổi nên không thể làm được. Việc dùng bản sao giấy khai sinh cho hai cháu nhỏ chỉ là biện pháp ứng phó tạm thời. Chuyển lên cấp 2 thì có thể được, nhưng lên cấp 3 hay muốn học cao hơn nữa thì rất khó”.
Chị Hồ Thị Minh, cô giáo chủ nhiệm hai cháu A Dì và A Lử cho biết: “Hôm không thấy hai cháu đi học, tôi chạy xe đến tận nhà để hỏi thăm thì thấy hai đứa đang cầm cá khô vừa ăn vừa khóc. Hỏi chuyện ra mới biết các em nghỉ học, theo chị lên núi nhặt hạt keo. Cũng vì biết hoàn cảnh các cháu nhỏ khó khăn, mong cho các cháu được biết đến cái chữ, được đến trường như bao bạn khác nên nhà trường đã không thu tiền học phí hay bất cứ khoản tiền nào của các cháu”.
Ngôi trường nơi ba chị em đang học |
“Các cô giáo trong trường, đặc biệt là cô Lê Thị Hiên, Hiệu Trưởng Trường tiểu học Ngô Gia Tự (nơi 3 cháu nhỏ theo học) đã vận động bạn bè, người thân quyên góp ủng hộ ba chị em cháu Sinh. Người khó khăn thì quyên góp vài chục, người dư giả thì quyên góp nhiều hơn, lập thành một quỹ. Hàng tuần, các cô trích ra mua cá khô, mì tôm đưa vào cho ba cháu. Hiện tại các cô đang vận động thêm bạn bè ủng hộ để cuối năm sẽ làm cho các cháu một mái nhà khác để các cháu không phải sợ mưa nắng như bây giờ”, cô Minh chia sẻ thêm.
Còn ông Ma Seo Sửa, Thôn Trưởng thôn 7 (xã Krông Á) cho biết: “Hoàn cảnh của ba chị em cháu Sinh rất tội nghiệp! Cha mẹ bỏ đi không có trách nhiệm với con cái như vậy, chúng tôi cũng rất bất mãn. Chính quyền thôn đã vận động bà con giúp đỡ các cháu nhưng chỉ được phần nào, vì người dân vùng này còn nhiều khó khăn. Đa số là đồng bào người dân tộc thiểu số lại không biết chữ. Quanh năm chỉ biết đến ruộng vườn, nương rẫy. Cứ tình hình thế này không biết các cháu sẽ nương tựa vào ai, sống như thế nào trong thời gian tới”.
Trong khi chờ cha mẹ, mỗi đêm, khi trời đổ mưa xuống, căn nhà siêu vẹo lại lắc lư trong giông bão, ba chị em Sinh chỉ còn biết khóc thút thít đòi mẹ đến gần sáng rồi thiếp đi vì mệt...
Bạn đọc muốn giúp đỡ ba chị em cháu Sinh xin liên hệ trực tiếp anh Ma Seo Sìa. Địa chỉ: thôn 7, xã Krông Á, huyện M'Đrăk, tỉnh Đắk Lắk. Số điện thoại: 01643764196.