Đáng chú ý ở đây, Dự án này đang nằm trọn trong dự án công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn- Sa Huỳnh đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi xây dựng từ nhiều năm qua, cùng với sự giúp sức của các nhà khoa học đang xây dựng hồ sơ gửi UNESCO đề nghị công nhận…
Dự án “chồng” dự án!
Dự án lấn biển mang tên Khu Đô thị Thương mại dịch vụ The Sea Eyes do Công ty CP Phát triển Lý Sơn làm chủ đầu tư, có vốn đầu tư trên 1.700 tỷ đồng. Vị trí triển khai dự kiến tại xã An Vĩnh, với tổng diện tích khoảng 54,6ha, trong đó có tới 44ha lấn biển.
Dự án bao gồm các hạng mục chính: Bãi tắm cộng đồng, khu đua thuyền, quảng trường, khu trung tâm thương mại, đất ở... Đến thời điểm này nếu triển khai xây dựng, The Sea Eyes là dự án lấn biển làm khu đô thị thương mại, dịch vụ đầu tiên ở Quảng Ngãi và lớn nhất ở Lý Sơn. Thời gian dự kiến thực hiện dự án 4 năm (từ 2019-2022).
Trong báo cáo gửi các cơ quan chức năng, ông Trần Văn Pha, Giám đốc Công ty CP Phát triển Lý Sơn thông tin, việc triển khai dự án lấn biển The Sea Eyes sẽ góp phần làm cho đảo phát triển mạnh hơn trong lĩnh vực này. Vị trí dự án chủ yếu là san hô chết, ốc và rong biển. Phần lớn diện tích nằm trong quy hoạch phát triển, không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng và khu bảo tồn nghiêm ngặt (vùng lõi).
“Với hạ tầng xây dựng đồng bộ và hiện đại, dự án sẽ góp phần cải thiện diện mạo, cảnh quan đô thị của đảo; giải quyết nhu cầu về công ăn việc làm cho người dân, thúc đẩy phát triển dịch vụ, du lịch theo quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt; gián tiếp ổn định đầu ra cho hành, tỏi Lý Sơn.
Nhà đầu tư đã nghiên cứu theo hướng không xâm phạm cảnh quan của khu vực trên; tạo không gian mở bằng hệ thống đường giao thông, công viên cây xanh. Đối với vị trí đua thuyền, cùng thiết kế và đầu tư khu vực khán đài dài hàng ngàn m2 dọc bờ kè cho người dân, khách đến tham dự; chủ đầu tư còn nghiên cứu nâng cấp khu vực đua thuyền trước cửa đình làng An Hải, xã An Hải, nơi khởi thủy của lễ hội này ở Lý Sơn.
Hạng mục trên trước khi xây dựng sẽ được các cơ quan chuyên môn xem xét, đánh giá một cách khoa học nhằm đảm bảo an toàn cho quá trình tổ chức đua”, ông Pha nêu trong văn bản.
Theo tìm hiểu của PLVN, dự án The Sea Eyes theo đề xuất lại nằm trọn trong dự án công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi xây dựng từ nhiều năm qua, cùng với sự giúp sức của các nhà khoa học đang xây dựng hồ sơ gửi UNESCO công nhận. Với số vốn đầu tư khá lớn và những gì còn dang dở tại đảo Lý Sơn, khi thông tin vừa tung ra nhận được nhiều sự quan tâm của người dân và nhiều nhà phản biện.
Một chuyên gia ngành địa chất tại Quảng Ngãi đánh giá, việc xây dựng các công trình khu đô thị trên dự án công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh là điều không thể chấp nhận. Theo vị này, với bất kỳ dự án xây dựng nào, cũng sẽ gây tác động tới môi trường, đời sống tài nguyên sinh vật.
Hơn 1 năm qua có một đoàn các nhà khoa học làm việc ở Lý Sơn để thu thập tài liệu giúp Quảng Ngãi gửi đến UNESCO để được công nhận nơi đây là công viên địa chất toàn cầu. Hiện nay đang trong quá trình hoàn thiện. Nếu bây giờ tỉnh Quảng Ngãi cho xây dựng quần thể du lịch trên đảo Lý Sơn khi UNESCO vào đánh giá, chắc chắn Lý Sơn sẽ không được công nhận, như vậy rất phí phạm.
Còn nhiều vướng mắc
Về phía người dân, bà Lê Thị Thịnh (ở xã An Vĩnh), đại diện cho một số hộ dân bày tỏ, một dự án lớn như vậy, việc xử lý môi trường, chất thải như thế nào sau khi đi vào hoạt động đang được người dân quan tâm. Hơn nữa, dự án lấn biển như vậy có tác động, ảnh hưởng gì tới địa phương nói riêng và an ninh quốc phòng hay không?
Ông Lê Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã An Vĩnh cho biết, địa phương ủng hộ triển khai dự án, nhưng các cấp ngành tỉnh, nhà đầu tư phải làm sao giải quyết thỏa đáng những kiến nghị để người dân có sự đồng thuận cao nhất.
Theo ông Dũng, qua 2 lần tổ chức tham vấn ý kiến cộng đồng vào cuối năm 2018 và gần giữa tháng 1/2019 vừa qua, hiện nay, băn khoăn và nỗi lo nhiều nhất của người dân đã được các cấp thẩm quyền Lý Sơn ghi lại. Cụ thể, nội dung thể hiện: Dự án này triển khai sẽ làm che chắn trước mặt 3 lăng và đình lớn của người dân đất đảo, vốn từ bao đời qua lăng và đình được chọn xây ở vị trí nhìn thẳng ra biển.
Để làm dự án, nhà đầu tư chuyển nơi tổ chức đua thuyền truyền thống vào dịp lễ Tết của người dân đảo ra khu vực ngoài xa hơn, không đảm bảo an toàn. Việc lấn biển xây khu thương mại sẽ làm mất đi nơi mưu sinh từ thu hái rong mơ, bắt ốc của người dân, nhà đầu tư và cấp thẩm quyền sẽ giải quyết thế nào?...
Trong văn bản góp ý và phản biện, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi cũng đã đưa ra đề xuất và lưu ý như sau: Cần đánh giá tác động kỹ hơn khi thu hẹp diện tích phục hồi rong biển, nguồn lợi thủy sản khác; kiến trúc công trình phải phù hợp, hài hòa với không gian chung của khu vực tiếp giáp đảo; kiểm tra việc chồng lấn khu vực cáp điện ngầm; chủ đầu tư phải chứng minh năng lực về nguồn vốn, kỹ thuật, chuyên môn...
Còn Sở VH-TT&DL tỉnh cho rằng, trong phần quy hoạch yêu cầu dự án cần có tính khớp nối và hài hòa với cảnh quan xung quanh, cần có công trình nổi bật trong tổng thể dự án; tạo bãi tắm...
Phía UBND huyện Lý Sơn đề nghị, khi có quyết định chủ trương đầu tư, chủ dự án phải phối hợp với cơ quan thẩm quyền điều chỉnh phần diện tích chưa phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất mà tỉnh đã phê duyệt. Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn kiến nghị cấp thẩm quyền tỉnh yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động môi trường và những tác động đến hệ sinh thái của khu bảo tồn.
Ngày 10/2, trao đổi với PV, bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi thông tin: Đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa có quyết định cuối cùng. “Chúng tôi mới tập hợp ý kiến của người dân gửi đến UBND tỉnh xem xét để có quyết định hợp với lòng dân và không ảnh hưởng tới sự phát triển của địa phương”, bà Hương nói.
Tuy nhiên, bà Hương cũng thừa nhận, ngoài việc nằm trọn trong dự án công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh, The Sea Eyes vẫn chưa phù hợp với các quy hoạch, trong đó quy hoạch mở rộng cảng Lý Sơn chưa có và quy hoạch sử dụng đất cũng chưa có phần dành cho đô thị mới.
Bà Hương chia sẻ thêm, UBND tỉnh sẽ là đơn vị ra quyết định cuối cùng về việc có chấp thuận cho doanh nghiệp triển khai dự án hay không. Nhưng dù sao quyết định cũng dựa trên ý kiến của người dân. Nếu người dân ủng hộ thì làm còn không đi ngược lại sẽ rất khó.