Ngày nào Chính phủ cũng làm việc với DN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Đảng và Nhà nước xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế; Nghị quyết của Đảng cũng nêu hãy xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng hướng”. Dẫn một nghiên cứu cho thấy với mỗi một đơn vị vốn bổ sung thì khu vực tư nhân Việt Nam đang tạo ra doanh thu nhiều gấp 3 lần so với DN nhà nước, Thủ tướng cho rằng điều này cho thấy chìa khóa cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nằm rất nhiều ở khu vực tư nhân.
Trước kết quả thăm dò tại Diễn đàn cho thấy có đến 65% ý kiến DN bày tỏ mong muốn Chính phủ thực hiện thông điệp hành động, Thủ tướng cho biết, trong thời gian qua, với 25 hội nghị xúc tiến đầu tư, hàng trăm cuộc tiếp xúc, đối thoại với DN, những buổi làm việc chuyên đề về nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, phát triển ngành tôm… tính bình quân không có ngày nào mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ không làm việc với DN, về chủ đề DN.
Thủ tướng thông tin, chính từ các buổi làm việc đó, một loạt cải cách thể chế, pháp luật đã được ban hành; những tồn tại vướng mắc của nền kinh tế được nhận diện… Do đó, môi trường đầu tư kinh doanh, chỉ số niềm tin DN, các đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam có sự cải thiện rõ nét nhưng Thủ tướng mong muốn các DN kinh tế tư nhân Việt Nam hãy “ra khơi” mạnh mẽ hơn.
Thủ tướng muốn kinh tế tư nhân đóng góp từ 50–60% GDP
Phát biểu kết luận tại Diễn đàn, trước 1.000 DN tư nhân, Thủ tướng khẳng định Chính phủ vẫn luôn nhất quán với mục tiêu đã đặt ra là xây dựng Chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng DN, bảo vệ đến cùng mọi quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, phù hợp với các nguyên tắc của WTO, các hiệp định song phương cũng như cam kết của Chính phủ đối với DN.
Thủ tướng cũng cho rằng, Chính phủ kiến tạo và hành động thì tư nhân cũng phải đổi mới, bỏ cách làm ăn kiểu cũ, rập khuôn, thiếu chuẩn mực. “DN tư nhân phải không ngừng thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh tự mãn, dễ bằng lòng, phấn đấu đạt mục tiêu nâng tỉ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân lên từ 50–60% GDP”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng gợi ý DN nên đặt tầm nhìn xa hơn ra thế giới từ đó tập trung sản xuất, hoạt động trong các lĩnh vực mà thế giới có nhu cầu lớn và thường xuyên như nông nghiệp, thực phẩm, hàng tiêu dùng, du lịch… thay vì chỉ chú trọng phục vụ các DN lớn khác của Việt Nam dưới dạng nhà cung cấp hoặc nhà thầu phụ với giá trị gia tăng thấp vốn phổ biến hiện nay. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho rằng DN cần mạnh dạn hợp tác quốc tế hơn nữa. “Tránh tình trạng tự ti về kinh nghiệm, về quy mô nguồn vốn mà không dám hợp tác cởi mở, công bằng với các công ty toàn cầu ở các phương diện như mua bán, chuyển giao công nghệ, hợp tác sản xuất hoặc tiêu thụ sản phẩm ra thị trường nước ngoài…”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ban, ngành trung ương liên quan lắng nghe và đối thoại định kỳ tại các diễn đàn với các khu vực DN tư nhân Việt Nam; giải quyết kịp thời những vướng mắc cấp bách, có lộ trình xử lý những vấn đề dài hạn; luôn đồng hành với DN, xem những khó khăn của DN là khó khăn của bộ, ngành mình.
Về phía các địa phương, Thủ tướng mong muốn các địa phương liên kết, chia sẻ cơ hội và giới thiệu cho nhau những nhà đầu tư mà tỉnh bạn có lợi thế, tránh cạnh tranh bằng mọi giá, thu hút đầu tư theo kiểu giẫm đạp lên nhau, không phát huy được lợi thế so sánh đặc thù của địa phương mình. “Các địa phương cần thu hồi những dự án, đất đai, tài nguyên và cả cơ chế chính sách đối với những nhà đầu tư yếu kém để trao cho những nhà đầu tư mới có năng lực, cam kết dài hạn và đồng hành cùng địa phương và cùng với Chính phủ”, Thủ tướng chỉ đạo…