Tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT vẫn thấp
Dịch HIV/AIDS ở nước ta đang có xu hướng giảm nhưng chưa đảm bảo tính bền vững, còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nếu không tiếp tục triển khai những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả. Trong khi tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây thì tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới gia tăng.
Theo thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS, trong 9 tháng đầu năm 2017 đã có hơn 6000 người nhiễm HIV được phát hiện hơn 3.000 bệnh nhân AIDS hơn 1000 số bệnh nhân HIV đã tử vong. Tuy nhiên, theo ước tính hiện nước ta vẫn còn khoảng 50.000 người nhiễm HIV chưa biết mình bị bệnh và họ vô tình sẽ là nguồn lây nhiễm HIV cho cộng đồng do không được tư vấn và tiếp cận các dịch vụ dự phòng.
Trước thực trạng đó, Liên Hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã phát động mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) ở cấp độ toàn cầu để tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.
Trong các mục tiêu trên, mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình là mục tiêu hết sức quan trọng, là tiền đề để thực hiện các mục tiêu 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp.
Cùng với đó, trong những năm gần đây, hiệu quả của việc điều trị Methadone ở Việt Nam đã được chứng minh. Đa số bệnh nhân tham gia chương trình Methadone đã được cải thiện về sức khỏe, chất lượng cuộc sống sau một thời gian điều trị. Bệnh nhân cũng đã giảm đáng kể các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV và tỷ lệ lây nhiễm HIV.
Tuy nhiên, nếu như trước kia, thuốc điều trị HIV được cấp phát miễn phí dưới sự tài trợ của các tổ chức quốc tế, nhưng từ năm 2017 các nguồn tài trợ bị cắt giảm. Do vậy, về lâu dài, giải pháp sử dụng bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả cho điều trị HIV là hiệu quả nhất để người nhiễm HIV tiếp cận việc điều trị bởi chi phí cho việc điều trị HIV hiện nay không phải là con số quá nhỏ. Tại một số tỉnh, TP độ bao phủ BHYT cho đối tượng này còn thấp do người bệnh có tâm lý sợ lộ thông tin.
Nhiều người nhiễm HIV/AIDS có tâm lý lo sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử nên không muốn cung cấp thông tin để tham gia BHYT. Đặc biệt, có một số bệnh nhân tuy có thẻ BHYT nhưng sẵn sàng bỏ tiền túi ra khám chữa bệnh, hoặc đến nơi không được hưởng BHYT để che giấu tình trạng bệnh. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người nhiễm HIV chưa sẵn sàng mua thẻ BHYT do còn trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc các dự án. Do đó, điều quan trọng nhất là người bệnh nhiễm HIV/AIDS là chính họ phải vượt qua được sự kỳ thị.
Theo ông Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, để khuyến khích người nhiễm HIV tham gia BHYT, trước mắt cần hoàn thiện hệ thống thanh toán BHYT tại các cơ sở điều trị trên cả nước. Hiện nay, một số tỉnh, TP đã cân đối ngân sách của địa phương để mua BHYT cấp cho người nhiễm HIV. Đồng thời, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng đang rà soát nhu cầu BHYT cho người nhiễm HIV của một số tỉnh khó khăn để dùng nguồn kinh phí viện trợ quốc tế hỗ trợ trong thời gian đầu mới chuyển đổi nguồn lực.
Hỗ trợ tối đa cho người bệnh
Nói về những khó khăn trong việc kiểm soát và khống chế dịch bệnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế Hoàng Đình Cảnh cho biết, việc gia tăng tỷ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp khiến công tác điều trị cai nghiện và hoạt động phòng chống HIV/AIDS phải đối mặt với nhiều thách thức. Nguyên nhân do các đối tượng nghiện ma túy có xu hướng chuyển sang sử dụng ma túy tổng hợp thay vì heroin, cần sa như trước kia.
Trên thực tế, đã có nhiều vụ án đau lòng xảy ra liên quan đến người sử dụng ma túy tổng hợp. Hiện nay, biện pháp chữa trị với nhóm người này hầu hết dừng lại ở việc tư vấn tâm lý để họ cai thuốc, tuy nhiên biện pháp này với họ gần như không mấy có tác dụng.
Từ những khó khăn đó, thực hiện kế hoạch hoạt động phòng, chống HIV/AIDS năm 2017 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và hưởng ứng các mục tiêu 90- 90- 90 của Liên Hợp quốc, Bộ Y tế phát động “Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS” (10/11-10/12). Theo đó, mục tiêu của tháng hành động trên nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nhằm thực hiện “Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030” và hướng tới các mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.