Thông tin trên được đưa ra trong cuộc họp tiếp thu ý kiến của các tổ chức, doanh nghiệp đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng (VCDD) vào thực phẩm, do Bộ Y tế tổ chức mới đây.
Theo báo cáo 2021 của Mạng Lưới Toàn cầu về Phòng Chống các rối loạn do thiếu i-ốt, Việt Nam đang nằm trong nhóm 26 nước còn lại trên thế giới bị thiếu i-ốt.
Theo Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019-2020 tại Việt Nam, trung vị i-ốt niệu của đối tượng trẻ em toàn quốc (trên 6 tuổi) là 113,3 mcg/l, trẻ em miền núi là 90,0 mcg/l, phụ nữ độ tuổi sinh đẻ là 98,9 mcg/l, phụ nữ có thai là 85,3 mcg/l; trong khi mức khuyến cáo của WHO cho trẻ em và phụ nữ tuổi sinh đẻ là 100-199 mgc/l, cho phụ nữ có thai là 150-249 mcg/l.
Hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn chỉ chiếm 27%; trong khi khuyến cáo của WHO là phải trên 90%. Như vậy chỉ số trung vị i-ốt niệu và chỉ số hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đều đạt ở mức nguy cơ cận dưới và không đạt so với khuyến cáo của WHO.
Với kết quả này, khẳng định quần thể người dân Việt Nam chưa đạt đủ lượng i-ốt tiêu thụ hàng ngày so với khuyến nghị. Đây là căn cứ để dự thảo sửa đổi Nghị định 09 không thay đổi Khoản 1 Điều 6; cần tiếp tục thực hiện muối dùng để ăn trực tiếp và dùng trong chế biến thực phẩm cần phải được tăng cường i-ốt.
Mặt khác, theo báo cáo của Bệnh viện Nội tiết trung ương và Viện Dinh dưỡng cho biết, hiện nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân thừa i-ốt. Kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2019-2020, cho thấy hầu hết các nhóm đối tượng, mức trung vị i-ốt niệu đều không đạt so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị mức trung vị i-ốt niệu từ 100-199 mcg/l đối với trẻ em và 150-249 mcg/l đối với phụ nữ có thai để đảm bảo tình trạng dinh dưỡng I-ốt tối ưu, đây là chỉ tiêu phản ánh việc tiêu thụ i-ốt trong thực phẩm.
Đồng thời, Bộ Y tế chưa nhận được bất kỳ bằng chứng khoa học nào của doanh nghiệp liên quan đến việc sử dụng muối tăng cường i-ốt bị biến đổi về màu sắc, mùi vị hoặc ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Như vậy, các kiến nghị chưa chính xác, chưa có cơ sở khoa học của doanh nghiệp trước đó, đã dẫn đến chậm thực thi Nghị định số 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ trong 08 năm. Và trong 08 năm đó, Việt Nam hầu như không có cải thiện về sức khoẻ của người dân liên quan đến các VCDD: I-ốt, sắt, kẽm.
Vụ Pháp chế - Bộ Y tế hiện đang xây dựng dự thảo theo Nhóm ý kiến của WHO, UNICEF, Viện Dinh dưỡng, Viện Chiến lược và Chính sách y tế và các tổ chức bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Đề xuất giữ nguyên quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 09/2016/NĐ-CP và chỉ sửa một số nội dung cho phù hợp với Nghị định 15/2018/NĐ-CP, đồng thời khẳng định các doanh nghiệp phải tuân thủ Nghị định 09/2016/NĐ-CP vì hiện tại Nghị định này vẫn đang có hiệu lực thi hành.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, sau khi nghe Vụ Pháp chế báo cáo và ý kiến tham luận của các đại biểu dự họp; thống nhất nguyên tắc đã là văn bản quy phạm pháp luật là chúng ta phải thực hiện.
"Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc thì trên ý kiến của các tổ chức cá nhân chúng ta xem xét, điều chỉnh theo đúng quy trình, quy định xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với thực tế. Như vậy Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ vẫn còn hiệu lực thi hành nên chúng ta phải thực hiện. Với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ và phải đặt mục tiêu sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết." - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Thứ trưởng đề nghị Vụ Pháp chế - đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định khẩn trương hoàn thiện Dự thảo nghị định trình chính phủ trong tháng 11, hoàn thiện biên bản cuộc họp tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu. Các đơn vị chuyên môn (Viện nghiên cứu chiến lược và chính sách y tế, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai…) rà soát lại các số liệu đã nghiên cứu và có văn bản báo cáo chính thức với Bộ Y tế (gửi về Vụ Pháp chế) trước ngày 1/11/2024.
Trên cơ sở các ý kiến của các hiệp hội và tổ chức doanh nghiệp, Bộ Y tế sẽ có văn bản trả lời từng nội dung, trong đó nội dung nào tiếp thu và nội dung nào giải trình. Trên cơ sở đó, Vụ Pháp chế dự thảo báo cáo của Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng kết quả của buổi làm việc này và đề xuất phương án trước ngày 10/11/2024.