Cảnh báo: Thuốc lá điện tử 'trá hình' thuốc trị mụn, mỹ phẩm chuyển đến giới trẻ

Các đơn hàng vận chuyển thuốc lá điện tử được ngụy trang thành 'thuốc trị mụn'
Các đơn hàng vận chuyển thuốc lá điện tử được ngụy trang thành 'thuốc trị mụn'
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chuyên gia cho rằng, việc mua bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng online, vận chuyển diễn ra rất dễ dàng. Đơn hàng được đóng gói, chuyển phát qua các đơn vị vận chuyển dưới dạng thông tin “thuốc trị mụn”, “mỹ phẩm” để qua mắt cơ quan chức năng, phụ huynh...

Thông tin này được đưa ra tại tập huấn "Nâng cao năng lực, kiến thức về thuế thuốc lá và các vấn đề liên quan" do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức, diễn ra trong 2 ngày 31/10 và 1/11.

Thuốc lá điện tử núp bóng thuốc trị mụn, mỹ phẩm

Nêu thực trạng sử dụng và của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam, ThS. Bùi Thị Thu Hà, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) nêu rõ, hiện nay tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang tăng nhanh trong cộng đồng, đặc biệt là trong giới trẻ. Đây là các sản phẩm thuốc lá mới có tác hại cấp tính và mãn tính đối với sức khỏe người sử dụng. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, mỗi năm có hàng trăm trường hợp phải cấp cứu do ngộ độc sau khi sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-15 tuổi đã gia tăng một cách đáng kể, từ 3,5% năm 2022 lên 8,0% năm 2023. Ở người trên 15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử cao ở nhóm tuổi trẻ (15 - 24 tuổi) là 7,3%; Nhóm tuổi 25 - 44 tuổi là 3,2%; Nhóm tuổi 45 - 64 tuổi là 1,4%.

"Điều này cho thấy những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ", đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá nhận định.

ThS. Bùi Thị Thu Hà bày tỏ lo ngại về thực trạng quảng cáo, bán hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên mạng xã hội đang rất phổ biến. Nhằm vượt qua sự kiểm duyệt của TikTok, các nhà bán lẻ trực tuyến đã sử dụng cụm từ “đồ chơi điện tử, bàn chải đánh răng điện tử, máy hút khói điện tử, máy điện tử xịt thơm miệng…” để đăng lên các kênh của nền tảng này. Việc sử dụng giới trẻ, người nổi tiếng/KOLs để quảng cáo cũng phổ biến.

Thống kê cho thấy, lượng tin bài quảng cáo, mua bán, tiếp thị lớn, tập trung nhiều ở mạng xã hội Tiktok (49,7%), Facebook (48,8%). Đối tượng tiếp cận với quảng cáo, tiếp thị trên internet chủ yếu là người trẻ (dưới 35 tuổi).

Mặt khác, việc mua bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng online, vận chuyển diễn ra rất dễ dàng. Đơn hàng được đóng gói, chuyển phát qua các đơn vị vận chuyển dưới dạng thông tin “thuốc trị mụn”, “mỹ phẩm” để qua mắt cơ quan chức năng, phụ huynh...

Về các giải pháp ngăn ngừa thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, bà Hà cho biết, Bộ Y tế đang đề xuất trình Chính phủ xem xét và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam.

Toàn cảnh buổi tập huấn (Ảnh: PV)

Toàn cảnh buổi tập huấn (Ảnh: PV)

Phụ nữ là mục tiêu "béo bở" cho ngành công nghiệp thuốc lá

Trao đổi về mối liên quan giữa phụ nữ, trẻ em và thuốc lá, bà Huỳnh Lan Phương - Cố vấn kỹ thuật về công tác phòng chống tác hại thuốc lá của tổ chức Vital Strategies cho rằng, phụ nữ đại diện cho sự tươi mới và mục tiêu béo bở cho ngành công nghiệp thuốc lá.

Hiện các chiến dịch truyền thông đang hướng đến phụ nữ về việc xây dựng các sản phẩm dành riêng cho phụ nữ - thuốc lá “nhẹ”, có mùi vị như Virginia Slims, Eve, Misty and Capri. Hay các dòng thuốc lá giá thấp cho phụ nữ da màu. Ngoài ra, các công ty thuốc lá còn gắn kết các sản phẩm với quá trình giải phóng phụ nữ, nữ quyền. Sử dụng mạng xã hội và những người gây ảnh hưởng cho phụ nữ. Đặt hình ảnh thuốc lá tại các sự kiện dành cho phụ nữ như thể thao, phim ảnh, văn hóa...

Theo bà Phương, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng phụ nữ trở thành 'con mồi' béo bở của ngành công nghiệp thuốc lá như: Số liệu về dịch bệnh đôi khi không có hình bóng của phụ nữ; Nhu cầu của phụ nữ hút thuốc thường ít được tính đến; Phụ nữ hút thuốc thường bị phê phán do không hoàn thành tốt vai trò sinh sản; Chương trình cai nghiện thuốc thường không được lồng ghép vào dịch vụ sức khỏe sinh sản cho nam giới; Các chương trình môi trường không khói thuốc thường ít được quan tâm thực hiện.

Bên cạnh phụ nữ, trẻ em cũng là đối tượng đích của các công ty thuốc lá. Bởi hầu như tất cả người hút thuốc đều bắt đầu hút thuốc từ thời thanh thiếu niên. Vị chuyên gia cho rằng, trẻ em và thiếu niên dễ bị ảnh hưởng bởi bạn bè, phim ảnh, TV, internet và các quảng cáo. Bên cạnh đó, việc hút thuốc trong thiếu niên thường được gắn với sự tự hào, cool ngầu…

Đề xuất các giải pháp để bảo vệ phụ nữ và trẻ em tốt hơn, bà Huỳnh Lan Phương cho rằng, cần phải cải thiện tính nhạy cảm giới của các chương trình kiểm soát thuốc lá như tăng thuế và giá để hạn chế tiếp cận của phụ nữ và trẻ em hay các biện pháp ngoài giá gồm: Nhìn rộng hơn khỏi vấn đề sức khỏe như bảo vệ quyền được học hành, quyền được làm việc trong môi trường an toàn… Đổi mới truyền thông đề cập đến các quan niệm giới, tăng cường truyền thông về thuốc lá mới cho thanh niên, đặc biệt nữ thanh niên. Bao bì sản phẩm phải có các cảnh báo phù hợp với phụ nữ. Các chương trình cai nghiện cần tính đến các yếu tố giới. Các chương trình chuyển đổi thu nhập cho nông dân/công nhân ngành thuốc lá cần tính đến nhu cầu của phụ nữ.

Cũng tại buổi tập huấn, ông Đào Thế Sơn, Chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, thuế là biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhất: "Chi phí/chi trả trung bình cho một bao thuốc hầu như không thay đổi sau 10 năm. Giá và thuế tăng hầu như không đáng kể trong giai đoạn từ 2010-2020 (mặc dù có các lần tăng thuế 2016, 2019)".

Theo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt hiện nay, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là 75% và giá tính thuế là giá xuất xưởng. Tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ chỉ chiếm 38,8%. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị tỷ lệ này cần đạt ít nhất 70% - 75% giá bán lẻ.

Trước lo ngại về vấn đề tăng thuế sẽ dẫn đến gia tăng buôn lậu, đại diện Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho rằng, thuế không phải là yếu tố chính dẫn đến việc gia tăng buôn lậu thuốc lá. Việc buôn bán thuốc lá lậu xảy ra ngay cả ở những quốc gia có thuốc lá giá rẻ và bị đánh thuế thấp.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Mối nguy từ thuốc lá điện tử không thể suy đoán trước

Thuốc lá điện tử với bề ngoài bắt mắt.
(PLVN) - Theo chuyên gia y tế, hút thuốc lá điện tử làm phát sinh các bệnh hay ngộ độc mới nổi, thậm chí y học chưa biết, không thể đoán trước. Mối nguy từ thuốc lá điện tử thay đổi liên tục, không thể giải quyết hậu quả và tăng gánh nặng xã hội.

Ra mắt máy MRI 3.0 Tesla tầm soát bệnh chính xác tại Bạc Liêu

Ra mắt máy MRI 3.0 Tesla tầm soát bệnh chính xác tại Bạc Liêu
(PLVN) - Ngày 21/12, Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu, tổ chức lễ ra mắt hệ thống máy MRI 3.0 Tesla - công nghệ AI tầm soát đột quỵ. Đồng thời, hệ thống máy MRI 3.0 Tesla hỗ trợ tầm soát, chẩn đoán chính xác các bệnh lý phức tạp về thần kinh, mạch máu, ung thư…

TP HCM có thêm bệnh viện đa khoa hiện đại, chuyên sâu hiếm muộn

TP HCM có thêm bệnh viện đa khoa hiện đại, chuyên sâu hiếm muộn
(PLVN) - Sáng 19/12, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khai trương thêm một bệnh viện đa khoa tại Quận 8, góp phần tăng cường hệ thống y tế TP HCM, phục vụ nhu cầu thăm khám, điều trị chuyên sâu, công nghệ cao, chi phí hợp lý cho người dân khu vực Tây Nam thành phố và các tỉnh lân cận.

Cứu sống 2 bệnh nhi bị tan máu bẩm sinh bằng kỹ thuật ghép tủy đồng loại

Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức lễ ra viện cho các cháu.
(PLVN) - Bệnh viện Trung ương Huế vừa thực hiện thành công hai ca ghép tủy đồng loại, cứu sống hai bệnh nhi mắc chứng tan máu bẩm sinh hiếm gặp. Đây là bệnh viện đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và là đơn vị thứ ba của Việt Nam áp dụng kỹ thuật cao cấp này trên các bệnh nhân tan máu bẩm sinh.