Tỷ lệ rối loạn lo âu ngày càng cao
Từ lâu, sức khỏe của HS luôn là mối quan tâm hàng đầu của phụ huynh. Bảo đảm cho con cái ăn ngon, ngủ đủ giấc đã trở thành mục tiêu mà cha mẹ nào cũng hướng đến. Tuy nhiên, bên cạnh việc chú trọng vào sức khỏe thể chất, nhiều bậc phụ huynh lại bỏ qua một yếu tố không kém phần quan trọng: sức khỏe tinh thần. Yếu tố này càng cần được chú ý hơn khi có ngày càng nhiều trường hợp HS có dấu hiệu trầm cảm và rối loạn lo âu nhưng chưa được động viên, can thiệp kịp thời dẫn đến những hành động nguy hiểm như tự làm tổn thương bản thân hoặc thậm chí tự sát.
Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) về tình hình trẻ em năm 2023, tỷ lệ trẻ vị thành niên (lứa tuổi HS) bị rối loạn tâm thần đang ở mức đáng lo ngại. Cụ thể, cứ 7 trẻ vị thành niên thì có 1 em bị ảnh hưởng bởi các rối loạn này. Những biểu hiện tiêu cực về sức khỏe tâm thần ở lứa tuổi HS thường gặp nhất là các vấn đề hướng nội như lo âu, trầm cảm và cảm giác cô đơn, cùng với các vấn đề hướng ngoại như tăng động và giảm chú ý.
Nguyên nhân dẫn đến các vấn đề sức khỏe tinh thần của HS thường xuất phát từ áp lực học tập, nhu cầu thể hiện bản thân, sự quan tâm chưa đúng mức của cha mẹ, cũng như các mối quan hệ trong trường học với giáo viên và bạn bè. Trạng thái tâm lý của các em thường ủ rũ, dễ xúc động và nổi nóng. Một số em còn có xu hướng thu mình lại, không muốn giao tiếp với người khác, trong khi những em khác có thể rơi vào tình trạng rối loạn hành vi, gây xung đột và bạo lực với bạn bè. Từ đó gia tăng nguy cơ trầm cảm, tự tử và các vấn đề tổn thương thể chất như đau đầu, chán ăn, mất ngủ, ngủ không ngon giấc và gặp ác mộng.
Khoảng trống về chăm sóc sức khỏe tinh thần
Theo kết quả “Điều tra sức khỏe tâm thần vị thành niên Việt Nam - Những phát hiện chính” của UNICEF vào cuối năm 2023 cho thấy có đến 22% trẻ vị thành niên, thanh niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần, trong đó số lượng trẻ mắc rối loạn lo âu cao nhất, chiếm tới 18,6%. Chỉ có trên 8% các em được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn tâm lý; 5,1% cha mẹ có con vị thành niên nhận thấy con của mình cần sự giúp đỡ đối với các vấn đề cảm xúc, hành vi.
Có thể thấy, công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần tại Việt Nam hiện vẫn còn nhiều khoảng trống. Các em HS đang phải đối mặt với khó khăn về sức khỏe tinh thần nhưng lại thiếu những kỹ năng ứng phó cần thiết. Một phần nguyên nhân đến từ cách giáo dục tập trung chạy theo truyền dạy kiến thức, yêu cầu HS học quá nhiều, đòi hỏi bằng cấp nhiều hơn là kỹ năng sống. Chưa kể, tại nhiều gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương, việc chăm lo cho đời sống tinh thần của trẻ chưa được chú trọng, khiến hầu hết các em phải che giấu cảm xúc và một mình chống chọi với các vấn đề tâm lý.
Trước thực tế trên, thời gian qua, một số địa phương trên cả nước đã bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho HS và có những bước đi tích cực nhằm cải thiện tình hình. Nhiều chương trình, dự án và các nhóm giải pháp đã được triển khai nhằm nâng cao nhận thức của HS, giáo viên, gia đình và cộng đồng về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần. Đơn cử như việc tổ chức các buổi tập huấn cho giáo viên về nhận diện và hỗ trợ học sinh có vấn đề tâm lý; lớp học để phụ huynh học kỹ năng làm cha mẹ, nuôi dạy con trong từng cấp học. Hay như việc tạo ra không gian học tập thoải mái, giảm thiểu căng thẳng, khuyến khích sự tương tác tích cực giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau để các em có thể thoải mái chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của mình trong quá trình học tập, cuộc sống.
Mới đây, tại TP Cần Thơ, hơn 60.000 HS của 39 trường THPT, 76 trường THCS trên địa bàn thành phố theo dõi chương trình Tọa đàm “Nâng cao năng lực nhận diện và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho HS trung học”, do Thành đoàn phối hợp Sở Giáo dục và Ðào tạo tổ chức. Trong khuôn khổ Tọa đàm, các nội dung như sức khỏe tinh thần là gì; tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho HS hiện nay; HS lạm dụng sử dụng mạng xã hội ảnh hưởng đến tâm lý;… đã được đưa ra thảo luận. Trước đó, các cấp bộ Ðoàn TP Cần Thơ cũng đã phối hợp triển khai nhiều mô hình, giải pháp góp phần phòng ngừa, can thiệp, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe tinh thần, xây dựng lối sống lành mạnh, giúp các em HS phát triển toàn diện.