Lao Thừa Phủ vốn là một phần của khu đất thuộc trại Thủy sư, nơi lính thủy binh của triều Nguyễn đóng quân. Vào năm 1899, khu vực này bị thực dân Pháp chiếm làm trại giam chính của phủ Thừa Thiên và cái tên lao Thừa Phủ có từ đó. Quy mô ban đầu nhỏ, sau này thực dân Pháp rồi đến đế quốc Mỹ mở rộng dần, xây dựng thêm theo kiểu nhà tù phương Tây.
Sau năm 1975, lao Thừa Phủ được chính quyền cách mạng dùng để giam giữ những người vi phạm pháp luật và duy trì cho tới năm 2010. Đến cuối năm 2015, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phê duyệt dự án đầu tư bảo tồn khu chứng tích lao Thừa Phủ, với tổng kinh phí 2,3 tỷ đồng.
Dự án tiến hành bảo tồn nguyên trạng các hạng mục tháp canh, nhà 2 tầng được xây dưới thời Mỹ ngụy làm nơi trưng bày bổ sung chứng tích lao Thừa Phủ; lô cốt, hệ thống tường rào cũ phía đường Lê Lai; phục hồi nguyên trạng nhà giam nhà thơ Tố Hữu và cổng lao Thừa Phủ; xây dựng hệ thống giao thông nội bộ phục vụ khách du lịch…
Theo ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết, khu chứng tích lao Thừa Phủ chưa được xếp hạng di tích, nhưng đã nằm trong danh mục kiểm kê và đơn vị đã có kế hoạch lập hồ sơ.
Hiện, Bảo tàng Lịch sử tỉnh phối hợp cơ quan chức năng tập hợp tư liệu để làm hồ sơ di tích. Sau dự án bảo tồn, Bảo tàng Lịch sử tỉnh sẽ tham mưu Sở VH-TT Thừa Thiên-Huế lập hồ sơ, sau đó trình UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử đối với lao Thừa Phủ, dự kiến trong năm 2021.