Vị cung nữ của hoàng tộc
Công Tôn Nữ Trí Huệ sinh trưởng trong một gia đình danh gia vọng tộc, có truyền thống yêu nước. Cha đẻ của bà Cụ Hường Dẫn (1892-1955) là con trai của Hoài Đức Quận Vương Miên Lâm – Phụ chánh thân thần các đời vua Hàm Nghi, Thành Thái.
Trong cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916, cụ thân sinh ra bà giúp vua Duy Tân xây dựng binh quyền để chống Pháp. Cuộc khởi nghĩa không thành, ông bị bắt giam cùng với vua tại đồn Mang Cá (thành phố Huế), nhưng may mắn thoát khỏi tội chết. Đến nay, người dân đất cố đô vẫn lưu truyền câu “Thứ nhất Phan Thành Tài, thứ hai Hường Dẫn”.
Được biết, sau sự kiện Hoàng Hoằng chết vì quốc sự, Nam triều theo lịch của thực dân Pháp bắt mẹ của Hường Hoằng là Hường Dẫn phải về sinh sống ở quê tại Hương Cần. Vì thế có một chuyện một bà Công Tôn nữ làm dân quê như hiện nay.
Ở tuổi 98, bà Trí Huệ vẫn đủ minh mẫn, tinh anh để may gối “trái dựa” |
Bà Công Tôn Nữ Trí Huệ lúc còn nhỏ ở nhà phụ làm thuốc Bắc với cha. Vì là con cháu của hoàng tộc nên khi lớn lên, bà được vào cung học may vá, thêu thùa như các Công Tôn Nữ khác. Vốn là người dòng dõi, lại có tài nên bà nhanh chóng được vua gọi yết kiến. Bà được nhờ may chiếc gối dựa để vua dùng. Gối may xong, vua dùng cứ tấm tắc khen vừa êm lại vừa đẹp. Từ đó, các ngài (thái hậu, hoàng hậu, công chúa…) cũng nhờ bà may gối. Chẳng mấy chốc, bà trở thành một trong những người làm gối dựa có tiếng nhất kinh đô Huế.
Vừa may gối vừa làm cách mạng
Năm 17 tuổi, bà Trí Huệ vào cung làm nghề may gối trái dựa (gối có nhiều nếp, có thể gập lại mở ra tuỳ ý để gối đầu, dựa lưng, hoặc tì cánh tay) và đảm trách luôn việc may áo cho Đức Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại. Bà cho biết: “việc may gối dựa đều làm theo mẫu có sẵn và tuân thủ quy tắc may gối cho vua phải đủ 5 lá, gối của Hoàng Thái Hậu và các quan phải đủ 4 lá”. Những năm làm nghề may trong cung, ban ngày bà Trí Huệ chăm chỉ làm việc phục vụ vua, hoàng thái hậu, nhưng đêm đêm bà lại bí mật hoạt động cách mạng, nuôi giấu cán bộ trong nội thành Huế.
Hồi đầu kháng chiến chống Pháp, bà nên duyên với ông Nguyễn Văn Lộc – chủ hiệu thuốc Tây Trung Việt (đây nơi chuyên nuôi giấu cán bộ hoạt động trong nội thành Huế). Lợi dụng việc bốc thuốc, bà Trí Huệ đã tổ chức vận chuyển thuốc cung cấp cho các chiến sĩ hoạt động nội thành Huế hay đi theo sông Như Ý về núi Dạ Lê để chuyển thuốc lên chiến khu Dương Hòa chữa trị cho các chiến sĩ cách mạng bị thương. Nhưng sau đó, giặc Pháp đã phá tan tiệm thuốc của vợ chồng bà.
Cách mạng tháng Tám thành công, bà được bầu làm đại biểu hội phụ nữ ở địa phương. Nhưng rồi công việc thêu thùa cho hoàng tộc lại níu kéo bà. Sau năm 1954, bà được hoàng tộc Triều Nguyễn xin về ở tại cung An Định phục vụ Đức Từ Cung để tiếp tục may áo, gối dựa. Cũng lúc đó, cung An Định được sự bảo hộ của chính quyền Ngô Đình Diệm, nên ban ngày bà may gối “trái dựa”, đêm về bí mật đưa cán bộ vào trong cung An Định.
Thời gian này bà vẫn bí mật hoạt động cách mạng và từng bị bắt giam ở lao Thừa phủ, lao Mang Cá. Những hoạt động ngày ấy có phần nguy hiểm, khó khăn nhưng đổi lại là niềm vui ngày giải phóng, niềm vui đoàn tụ bà vẫn chọn công việc của người thầm lặng đóng góp cho sự nghiệp chung.
Từ năm 1960, bà Trí Huệ vào làm phụng trực Khiêm lăng, lo hương khói cúng kỵ và thuyết minh cho khách tham quan. Bà là cháu 4 đời của vua Minh Mạng, gọi vua Tự Đức bằng bác. Bà am hiểu việc xây dựng các lăng, biết nhiều chuyện của triều Nguyễn nên khách tham quan nghe bà thuyết minh rất hứng thú. Đến năm 1979, bà về Hương Cần sống với gia đình con trai.
Ông Đoàn Nhuận, cựu Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong kháng chiến chống Mỹ cụ Huệ nuôi tôi và giúp đỡ những đồng chí của tôi những ngày xuống đường đấu tranh chính trị với địch. Cụ còn trực tiếp đi dán áp phích, truyền đơn chống Mỹ, ngụy cho đến ngày Huế giải phóng.
Kháng chiến thành công, ghi nhận công lao của vị Công Tôn cuối cùng triều Nguyễn, Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng cho bà Trí Huệ Huy chương kháng chiến chống Mỹ và Bằng khen của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tương tự Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ ngày nay).