Nghị quyết đã quyết nghị bổ sung vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 các dự án sau đây: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Nghị quyết cũng quyết nghị sẽ đổi tên dự án Luật Lý lịch tư pháp (sửa đổi) thành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp.
Theo Nghị quyết, tại kỳ họp thứ 5, Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua 11 dự án: Luật Hành chính công; Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp; Luật An ninh mạng; Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Những dự án luật chưa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 mà Quốc hội quyết định sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 5 (nếu có).
Cũng tại kỳ họp thứ 5, sẽ trình Quốc hội cho ý kiến 9 dự án: Luật Dân số; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá;Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Cảnh sát biển; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Tại kỳ họp thứ 6 trình Quốc hội thông qua 10 dự án: Luật Dân số; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Cảnh sát biển; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Những dự án luật chưa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 mà Quốc hội quyết định sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 6 (nếu có).
Trình Quốc hội cho ý kiến 3 dự án Luật Công an xã; Luật Kiến trúc; Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia.
Trước đó, Báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý Dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội tán thành với đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những kết quả đạt được và những bất cập, hạn chế trong việc thực hiện Chương trình thời gian qua. Quốc hội ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã chỉ đạo và phối hợp chuẩn bị một khối lượng công việc rất lớn để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 2 và kỳ họp thứ 3;
Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình vẫn còn những hạn chế, bất cập chưa được khắc phục triệt để, như việc điều chỉnh Chương trình còn nhiều, một số dự án trình không bảo đảm tiến độ và chất lượng, tài liệu dự án gửi chậm, có những ý kiến tâm huyết của đại biểu Quốc hội chưa được tiếp thu, giải trình thỏa đáng...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin nghiêm túc tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội để rút kinh nghiệm trong thời gian tới, sẽ cùng với Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp tục cải tiến, đổi mới, khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm tiến độ, chất lượng; kiên quyết không đưa vào Chương trình và không trình Quốc hội những dự án không đầy đủ hồ sơ, tài liệu, không bảo đảm chất lượng; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc triển khai thực hiện Chương trình.
Bên cạnh đó, để kịp thời đáp ứng những thay đổi, biến động của tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì việc điều chỉnh Chương trình trong một số trường hợp là cần thiết. Thực tế thời gian qua, thực hiện đúng quy định tại Điều 51 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chủ động điều chỉnh không đưa vào Chương trình kỳ họp Quốc hội một số dự án không bảo đảm chất lượng; kịp thời bổ sung vào Chương trình các dự án thực sự cấp thiết và đã được chuẩn bị tốt... Việc điều chỉnh Chương trình trong những trường hợp như vậy đã được nhiều đại biểu Quốc hội tán thành.