“Liên hoàn tát” chữa vong hành
Tay bắt mạch, mặt nghênh nghênh, “cụ Giời” kể cho mọi người nghe câu chuyện có người Sài Gòn xin về đây theo làm đệ tử của “cụ” như để tự quảng bá cho sức hút và công năng siêu phàm của mình. “Cụ” còn nhấn mạnh sự linh thiêng của “cửa Giời” không phải giống như chốn đồng cô, đồng cậu...
Vừa kể, “cụ” vừa hỏi người đàn ông: “Chạy đến đâu rồi? Đến chân thì bảo nhé!”. Hết câu chuyện, cũng là lúc “cụ Giời” chữa bệnh xong. Để cẩn thận, “cụ” hỏi lại: “Cháu có thấy mát lòng không?”. Người đàn ông trả lời: “Cháu nhẹ người lắm rồi”.
Kết hợp với bắt mạch, “cụ Giời” ban cho người đàn ông này 5 tờ tiền mệnh giá 5 ngàn đồng để đốt ngay ở “cửa thiên” nhằm lạy thần linh, xin sám hối. Còn lại 27 tờ khác mang về nhà hóa. Trước khi ra về, người đàn ông vái lạy “cửa Thiên” 3 vái rồi rút ví đặt mỗi bên cửa một tờ tiền mệnh giá 100 ngàn đồng.
Ca bệnh tiếp theo mà tôi được chứng kiến là có bà mẹ chồng đưa nàng dâu đến “cửa Thiên” để nhờ “cụ Tám” soi bệnh đường âm. Vừa vào chiếu lễ, do lần đầu tiên tới điện, mẹ con cô gái trẻ có vẻ bỡ ngỡ không biết các thủ tục nên có chút thắc mắc. Ngay lập tức, một đệ tử của “cụ Giời” ngồi ngoài phán với giọng đầy cửa quyền: “Thế không phải là đi lễ thì là đi chơi à?”. Thế là hai mẹ con cô gái không dám hỏi han gì nữa.
Sau câu chào hỏi, cô gái trẻ được các đệ tử của “cụ Giời” hướng dẫn quỳ phục xuống đất trước “cửa Thiên”. “Cụ Tám” chuẩn bị “thăng” bằng cách trùm một khăn trắng lên đầu rồi cũng quỳ sụp xuống đất, còn tay thì liên hồi thỉnh chuông và gõ mõ một hồi dài.
Sau đó, “cụ” từ từ ngồi dậy, bỏ khăn trùm đầu và phán: “Xong rồi, lần đầu tiên đến lễ chỉ làm thủ tục nhận lễ thôi chưa khám, lần sau tới sẽ chữa”. Thấy cô gái tỏ vẻ ngơ ngác, các đệ tử ngồi ngoài nhao nhao mách nước: “Lần đầu thì chỉ làm nhận lễ, quay lưng ra để cụ đấm cho vài cái làm phép đánh dấu”.
Lúc này người mẹ chồng của cô gái đang quỳ rạp phía sau cố van nài: “Lạy cụ cứu giúp cho nó, chồng nó vận xấu. Cho con cầu thêm!”. “Cụ Tám” hỏi: “Cầu cái gì trên trần thì nói đi”. Người mẹ chồng khúm núm: “Con cầu bán được mảnh đất xấu, mua được mảnh đất đẹp”.
Không đoái hoài gì tới lời khẩn cầu này, “cụ Tám” bất chợt hỏi cô gái một câu xa lắc đầy chủ ý đoán mò: “Chồng có đi tù không?”. Mẹ con cô gái chưa kịp trả lời thì các con nhang đệ tử đã nạt: “Tức là có vi phạm pháp luật rồi bị đi tù không?”. Người mẹ chồng thành khẩn trả lời: “Thưa không ạ!”.
Như để chữa thẹn cho “cụ Giời” vì đã đoán sai, các đệ tử ngồi ngoài có biệt danh lợn, hổ, trâu, chó... (gọi theo tuổi sinh tương ứng với 12 con giáp - PV) lại chỉ vào lưng của cô gái mà nói: “Nổi vân xanh thế kia là vong đang theo hành kia kìa”. Vài con nhang bồi thêm: “Đấy, đấy, đúng rồi, nổi vân xanh kia kìa”.
Mọi con mắt tức thì đổ dồn về cô gái để cố nhìn xem cái vân xanh bí hiểm kia là gì. Tôi cũng ngồi gần ngay lưng cô gái nhưng tuyệt nhiên không thấy cái “gân xanh” nào.
Thế nhưng, “cụ Tám” vẫn không chữa mà chỉ hướng dẫn gia chủ đặt 17 tờ 100 ngàn đồng, xếp hình bán nguyệt trước bát hương thờ thổ công. Lúc ấy, bà mẹ chồng thắc mắc do vẫn ở chung nhà nên chỉ có một bát hương thờ thổ công, còn nhà con dâu chỉ thờ đứa con sơ sinh đã mất. “Cụ Tám” hỏi: “Con mày chết mấy tháng mà thờ?”. “Con nó chết 3 tháng”, bà mẹ trả lời.
Vừa nghe hết lời, “cụ Giời” đã gân lên, rồi cứ thế tát bôm bốp vào đầu, vào mặt cô gái trẻ. Vừa tát, miệng “cụ” vừa gằn lên theo nhịp: “Chết 3 tháng mày thờ, chết 3 tháng mày thờ...”.
Tát khoảng hơn chục cái như vậy, đến khi cô gái tóc tai rũ rượi, nước mắt chảy giàn giụa thì “cụ” mới ngơi tay. “Ai bảo mày thờ, con mày ngồi ngay chỗ này (chỉ vào mặt cô gái - PV). Tại sao mày đau đầu? Mày đau đầu không?”, “cụ” hỏi.
Cô gái trẻ khóc không thành lời: “Có ạ!”. “Mày nhẹ chửa? Ngồi ngay đây. Tát cho một nhát. Mày nhẹ chưa? Đây này, nó ngồi đây này, nóng bừng đây này. Hiểu chưa?”, “cụ” tiếp lời.
Các đệ tử cũng nhao nhao nói hùa theo. Màn kịch được đẩy lên cao trào. Các đệ tử của “cụ Giời” rầm rì khấn vái khen tài trị ma của “cụ”. Kết thúc ca khám chữa bệnh đầy bạo lực, “cụ” hướng dẫn lại gia chủ về để 900 ngàn đồng vào bàn thờ thổ công, còn bàn thờ con để 1 ngàn đồng.
Cô gái tóc tai rũ rượi, khóc không nên lời cùng mẹ chào ra về. “Nhẹ chưa?”, “cụ” Tám hỏi với theo. “Dạ nhẹ rồi!”, tiếng trả lời lí nhí. “Cút!”, “cụ” phát lệnh. Rồi sau đó, “cụ Giời” lại quay ra cười xòa với những người xung quanh.
Kẻ tung người hứng
Một người phụ nữ khác vào chiếu khấn vái xin “cụ Giời” “soi” giúp trả nợ tiền mua đất với người âm. Vẫn thủ tục làm lễ như vậy, nhưng kịch bản có sự thay đổi khi “cụ Tám” gõ mõ, thỉnh chuông, còn những con nhang ở ngoài sẽ “soi chiếu”, tham gia tích cực hơn vào ca bệnh.
Mở đầu ca chữa, một đệ tử phán: “Nhà xây lên đất nhà người ta, con lạy cụ, nứt nhiều lắm!”. “Cụ giời” hỏi lại như ra lệnh, người đàn bà thú thật rằng nhà xây lâu nên cũng rạn nứt. “Đấy, nhà ngươi xây trên đất nhà người ta nên mới nứt, nhà cụ Tám xây cả chục năm nay có làm sao đâu”, những lời trách móc vang lên.
“Cụ Tám” phán đến ngày 29/3 âm đến lễ một lần nữa vì lần trước dâng sớ nhưng chưa hóa. Giọng the thé, một đệ tử xen vào: “Thần linh bảo không phải đất nhà người, xin dương cho nhưng âm không cho. Cụ ơi, thần đất xin đòi tiền hôm nay”.
“Cốc, cốc...!”, những tiếng mõ cứ vang lên, “cụ Tám” bắt đầu bắt bệnh: “Có phải có cây dừa ở bên cạnh không? Bàn tay của tao là bàn tay đất nước, soi đâu cũng thấy”. Sau đó, “cụ” giơ bàn tay của mình lên cho tất cả mọi người cùng xem. “Có đúng không?”, “cụ” hỏi khổ chủ một lần nữa. “Dạ đúng có cây dừa ạ”.
Tiếng mõ lại vang lên, một đệ tử ngồi ngoài chêm vào: “Dạ cụ ơi, con còn thấy có cây gì khác nữa cơ?”. Cụ Tám hỏi khổ chủ: “Cây gì?”. “Dạ cây nhãn ạ”. “Cây nhãn thì ra rồi nhưng mà cây gì nữa cơ?”, tiếng một đệ tử. Nhưng khổ chủ vẫn khẳng định là cây nhãn.
“Cụ Giời” “soi” tiếp rồi nói rằng có 7 người dưới âm đang họp bàn giao kèo trả đất. Nhà khổ chủ có 4 người, nhà bên kia có 3 người. Người âm đang đòi, nếu khổ chủ không trả đất thì con trai không thể có duyên lấy vợ.
Sau đó, “cụ Giời” thay mặt khổ chủ báo cáo: “Kính thưa hai gia tộc, con đây là lộc phúc của đất nước, bảo sao nghe vậy mới tài, kính Giời kính Phật, con là phúc lộc trên mây về đây hương khói có nhời. Con là phúc đức Việt Nam nổi dậy, nay được lệnh Trời giao về đây ký lệnh thiên đình, đất trời thay đổi muôn hình, ký lệnh triều đình đất nước. Đây bao nhiêu tiền ký trả nợ đi!”.
“Cụ” vừa dứt lệnh, lập tức có một đệ tử tung hứng, loang tin nhìn trên ban có số 8. Thỉnh chuông rồi suy ngẫm, “cụ Tám” phán rằng khổ chủ cố gắng chạy 730 ngàn đồng tiền dương để đặt lễ trả người âm.
Nhưng đến đây vẫn chưa hết màn “chữa bệnh tâm linh” bởi các đệ tử ngồi ngoài còn tiếp tục “nội soi” và phát hiện thêm nhiều bệnh âm khác. Người thì “soi” thấy nhà khổ chủ còn có 1 cây hương ngoài trời, trên cây nhãn có dấu hiệu âm tà nhưng chưa phán ra. Trước mắt, để trừ tà, khổ chủ phải mang 6 tờ 5 ngàn đồng về để gốc cây nhãn.
Có đệ tử vẫn còn “thấy” cái đường xanh xanh vẫn đang ám vào người khổ chủ. Đệ tử khác lại “soi” thấy có cụ mặc áo đen cứ cầm cái gậy chọc vào lưng khổ chủ. Sau khi “nội soi” liên hoàn, các con nhang đệ tử khơi gợi với khổ chủ rằng buổi hôm nay chỉ là chữa tạm, phải tới điện làm lễ thêm một lần nữa vì vẫn còn nhiều tà bệnh.
Sau khi để các đệ tử tung hứng, “cụ Giời” bất chợt thốt lên: “Đây người đến đây, chết mày rồi, tự mình khoét mắt, cắt cổ chết đây”. Lợn, một đệ tử cứng, ngầm hiểu ý cụ Tám, liền kể nối ngay câu chuyện có người mẹ đi tắm không để ý làm con chết, được 2 ngày mẹ cắt cổ chết. Đệ tử tên “Lợn” này khẳng định đó chính là do người âm làm.
Sau đó, “Cụ Giời” kết luận với khổ chủ: “Nay mai con trai bà tự nhảy xuống sông, con trai nhảy, mẹ lại nhảy tiếp”. Cụ Tám kể tiếp về trường hợp 2 người vợ chồng làm ăn lớn, có đứa con gái chết trẻ xây mộ to nhất họ, khuyên hạ mộ không nghe, vợ chết chồng cũng chết theo để cảnh báo khổ chủ nữ này. Nghe vậy, khổ chủ chỉ biết run rẩy dạ vâng.
Lúc đó, cụ Tám lại ân cần: “Cầu duyên chưa nhận, cứ biết thế đã, cháu ạ! Gấp sổ đấy. Ngày 29 đến làm lễ tiếp”.
(Còn nữa)