Chính quyền địa phương lý giải, tiền mua xe là công an thu phạt vi phạm giao thông, không phải tiền ngân sách, xe này không phải đóng thuế nên giá không đến sáu tỉ đồng mỗi chiếc như giá thị trường, đây là “xe chuyên dùng” để đưa đón lãnh đạo trung ương nên không vi phạm quy chế sử dụng xe công…
Theo con mắt và suy nghĩ của các quan chức có liên quan, việc cả đoàn xe Lexus sang trọng biển số xanh này hoàn toàn hợp pháp.
Thế nhưng trong góc nhìn của cơ quan quản lý, đại biểu Quốc hội và người dân, nhất là người dân nghèo tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, đây hoàn toàn là việc làm sai luật pháp, làm hoang phí ngân sách, một hành vi lạm dụng quyền lực, quan hệ để trốn thuế và thách thức pháp luật, làm xói mòn lòng tin của người dân với chính quyền.
Một xe chưa làm rõ, lại có thêm… bốn chiếc
Sự việc khởi nguồn khi người ta phát hiện chiếc xe hiệu Lexus màu đen mang biển xanh do ông Trịnh Xuân Thanh (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang) đang sử dụng đi lại làm việc. Tuy nhiên Hậu Giang không dùng tiền ngân sách mua chiếc xe này. Chiếc xe này là xe cá nhân ông Thanh mượn người quen đưa từ Hà Nội vào sử dụng đi lại, làm việc.
Trước đó, vào tháng 5/2015, ông Trịnh Xuân Thanh (Chánh văn phòng Ban cán sự Đảng Bộ Công thương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty xây lắp Dầu khí - Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam) được điều động giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Lúc đó thường trực UBND tỉnh thống nhất bố trí cho ông Thanh đi một chiếc xe bốn chỗ duy nhất mà văn phòng UBND tỉnh đang sử dụng phục vụ văn phòng.
Chiếc xe Phó Chủ tịch UBND Hậu Giang sử dụng |
Tuy nhiên ông Thanh từ chối với lý do tỉnh đang thiếu xe, nếu ông dùng thì không còn xe cho anh em đi, mà nếu mua thêm xe thì là gánh nặng cho ngân sách. Ông Thanh đề xuất sẽ mang chiếc xe từ Hà Nội vào sử dụng.
Ông Thanh cũng xác nhận chiếc xe trên là ông mượn của một người em bà con bên vợ, mang từ Hà Nội vào sử dụng gần một năm nay. “Khi về Hậu Giang công tác, thấy địa phương khó khăn quá nên tôi mượn xe dùng để đỡ bớt gánh nặng ngân sách cho địa phương. Nay dư luận quy kết tôi dùng xe sang, nọ kia là không đúng”. Ông Thanh còn cho rằng người bán hàng rong nếu dành dụm tiền cũng mua được ô tô.
Theo lý lẽ này, ông Thanh có tinh thần tiết kiệm cho ngân sách là đáng khen. Ông có người em vợ quá tốt bụng. Nhà nước cũng không cấm việc cán bộ sử dụng xe tư nhân đi công tác. Nhưng đối chiếu vào quy chế sử dụng xe công của Chính phủ thì việc ông Thanh lấy xe tư nhân đeo biển xanh là “có vấn đề”.
Về giá cả, chiếc xe Lexus 570 giá mới là khoảng sáu tỉ đồng, xe ông Thanh sử dụng là xe cũ được giới kinh doanh xe đánh giá từ 2 - 2, 5 tỉ đồng, quá cao so với ngưỡng quy định về giá xe dành cho quan chức. Theo Quyết định 32, trừ bốn chức danh lãnh đạo cấp cao (Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng) được dùng xe không khống chế giá, các chức danh khác đều có khống chế giá tối đa.
Như vậy, về giá, chiếc xe Lexus dù cho là cũ đã khấu hao, giảm giá còn 2,5 tỉ cũng cao gấp đôi so với tiêu chuẩn xe của Bộ trưởng hay Bí thư Tỉnh ủy, gấp ba lần so với tiêu chuẩn của thủ trưởng trực tiếp của ông là Chủ tịch tỉnh. Liệu sự chênh lệch bậc thang giá trị này có ảnh hưởng đến thứ bậc quyền lực chức vụ ở địa phương? Đó là chưa nói tới việc đeo biển xanh cho xe tư nhân là sai luật.
Song câu chuyện lãng phí xe cộ, tiêu xài như vương tướng của các cán bộ lãnh đạo chưa dừng lại ở đó. Gần sát cạnh Hậu Giang là tỉnh Sóc Trăng lại có đến bốn xe Lexus mang biển số xanh. Các quan chức có trách nhiệm đã né tránh bao biện đủ điều. Nhưng báo chí cũng điều tra ra đây là bốn xe do Công an tỉnh mua, trong đó có một chiếc cấp cho Phó bí thư tỉnh ủy sử dụng.
Lấy tiền phạt mua xe “đưa rước lãnh đạo”
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, xác nhận: “Những chiếc xe này được lãnh đạo Công an tỉnh Sóc Trăng nhiệm kỳ trước mua để làm xe chuyên dùng phục vụ ngành công an, nhưng không phải mua từ tiền ngân sách tỉnh và UBND tỉnh cũng không quản lý các xe này”.
Ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, cho biết khi ông về nhận nhiệm vụ thì những chiếc xe này đã được mua từ trước. Một trong những xe đó để ở Tỉnh ủy dùng để đi công tác xa. Cũng theo ông Thể, những xe này không phải xe tiêu chuẩn của cán bộ, mà là xe chuyên dụng của ngành công an, được Công an tỉnh đề xuất và Bộ Công an cho phép mua. Kinh phí mua những xe này được lấy từ nguồn thu xử phạt vi phạm giao thông.
Ông Thể phản bác về việc dư luận cho rằng chính ông là người dùng chiếc Lexus biển số xanh 83A - 066.66 để đi lại. “Toàn bộ hoạt động công vụ của tôi trong tỉnh Sóc Trăng cũng như địa bàn lân cận chỉ sử dụng chiếc Toyota Camry, giá không quá 1,1 tỉ đồng (theo tiêu chuẩn)”. Tuy nhiên, ông Thể cũng thừa nhận đã từng sử dụng xe sang 83A - 066.66: “Chỉ trừ những trường hợp đi công tác xa, tôi mới sử dụng xe của công an để đi”.
Chuyện ông Bí thư đi công tác tỉnh xa hay đi trong nội tỉnh, người dân làm sao biết được? Dân chỉ biết rằng, theo quy định, Bí thư tỉnh ủy chỉ được đi xe trị giá (gồm cả thuế) dưới 1,1 tỉ đồng. Đằng này, ông Bí thư đã đi xe trên sáu tỉ đồng. Quy định không nói chuyện đi gần hay đi xa, có nghĩa là không có việc cho phép khi đi xa được dùng xe đắt tiền.
Nói về quy trình mua và sử dụng bốn chiếc xe đắt tiền trên, trung tướng Nguyễn Phúc Thảo, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh (Bộ Công an), nguyên Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng, người chỉ đạo vụ mua bốn chiếc xe sang nói trên cho hay: Khoảng năm 2012 (ông Thảo đang là Giám đốc Công an tỉnh), do thấy một số tỉnh mua được xe tốt nên ông đã bàn với Ban giám đốc đề xuất, được Bộ Công an cùng Bộ Tài chính cho phép, sử dụng một phần số tiền xử lý vi phạm giao thông mua bốn chiếc Lexus phục vụ việc dẫn đoàn khi có lãnh đạo trung ương về thăm địa phương.
“Tôi nhớ không nhầm cả bốn chiếc xe đó mua chỉ trên dưới 6 tỉ đồng, mua dạng xe miễn thuế nên giá rất rẻ, chứ bây giờ mỗi chiếc giá thị trường phải trên 5 tỉ đồng”, ông Thảo nói. Khi mua bốn chiếc xe này về, ông đề xuất phân bổ hai chiếc để tại Công an tỉnh phục vụ dẫn đoàn, hai chiếc để ở Tỉnh ủy và UBND tỉnh, chỉ sử dụng khi có các đoàn cán bộ cấp trên về thăm tỉnh đi lại, không dùng vào mục đích khác.
Quan chức “đứng trên” luật?
Việc mua xe sang để làm xe “chuyên dùng phục vụ đưa rước lãnh đạo” như ông Thảo nói liệu có phù hợp quy định pháp luật hay không? Theo một lãnh đạo Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, nghị định 106 năm 2009 quy định rất rõ việc mua sắm tài sản chuyên dùng phải phù hợp với nhu cầu sử dụng và đảm bảo hai yêu cầu: Một là thực hiện nhiệm vụ được giao, hai là phù hợp với tiêu chuẩn, định mức, biên chế tài sản và khả năng của ngân sách nhà nước.
Nghị định 106 năm 2009 cũng ghi nhận “tài sản chuyên dùng là tài sản sử dụng thường xuyên phục vụ hoạt động quốc phòng, an ninh của đơn vị vũ trang nhân dân”. Trong khi đó, như giải thích của lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, những chiếc xe “chuyên dùng” hiệu Lexus 570 lại phục vụ việc đi công tác cho lãnh đạo là trái với quy định trên. Đưa rước lãnh đạo chỉ là hoạt động nghi lễ chứ không phải là hoạt động an ninh quốc phòng.
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) cho biết, Bộ Tài chính đã có quy định về tiêu chuẩn sử dụng xe đối với từng chức danh cụ thể. Theo đó, Sóc Trăng hay bất kỳ địa phương nào đều phải thực hiện theo đúng luật, không có trường hợp ngoại lệ.
Đó là chưa nói việc mua sắm xe hàng tỉ đồng chỉ mỗi năm sử dụng vài giờ đón tiếp các vị “lãnh đạo” có thể nói là quá sức lãng phí với tỉnh nghèo như Sóc Trăng. “Xe công chắc chắn phải dùng vào việc công, không thể lấy lý do đón đoàn để mua xe vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Một đồng tiền của ngân sách đều phải được tiêu đúng mục đích”, ông Bảo nhấn mạnh.
Một vấn đề khác ông Thảo đã viện dẫn là việc mua bốn xe Lexus nói trên được miễn thuế, giá thời điểm ấy tổng cộng chỉ có khoảng 6 tỉ đồng, chứ không phải 6 tỉ đồng mỗi chiếc. Thoạt nghe có vẻ như là tiết kiệm, nhưng lại bộc lộ một cung cách sai phạm khác của các quan chức là lạm quyền, vượt lên trên pháp luật.
Theo luật, thuế là công cụ điều tiết của nền kinh tế, là nguồn thu ngân sách nhà nước, phải bảo đảm công bằng không loại trừ một ai. Việc mua công sản cũng phải bảo đảm nghĩa vụ thuế. Các cơ quan công quyền, việc mua sắm công sản càng phải gương mẫu thực hiện nghĩa vụ thuế. Hành vi sử dụng tiền thu phạt mua sắm xe sang mượn danh nghĩa xe công vụ đưa rước lãnh đạo đã là sai phạm khó thể chấp nhận, lại bao biện thêm là mua xe rẻ nhờ miễn thuế lại càng khó chấp nhận hơn.
Cách hành xử trên cho thấy luật thuế chỉ áp dụng cho dân nghèo, còn cán bộ quyền cao chức trọng lại được ung dung miễn thuế ra sức xài sang. Chắc hẳn cách suy nghĩ và cách làm này chính là một trong những nguyên nhân làm bội chi ngân sách, gây ra nợ công oằn nặng làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và làm mất lòng tin của người dân.
Số phận những chiếc xe Lexus biển xanh này ra sao? Sau khi báo chí thông tin, Văn phòng Tỉnh ủy Sóc Trăng đã trả lại xe cho Công an tỉnh. Nhưng theo quy định, Công an tỉnh không ai có đủ tiêu chuẩn sử dụng xe này, việc đưa đón cán bộ lãnh đạo Trung ương như đã nêu thì một năm nhiều nhất chỉ đôi lần? Liệu nên giải quyết các xe này như thế nào cho hợp lý và hợp lòng dân?
ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị trong trường hợp đã xác định sai phạm, địa phương phải trả lại xe, tổ chức đấu giá và hoàn tiền cho ngân sách. Đó là cách duy nhất khắc phục hậu quả hợp tình hợp lý.