Khi thấy H.- nữ sinh viên một trường đại học ở Hà Nội cần mẫn đi học võ, không ít người thắc mắc. “Em học võ để tìm lại sự an toàn cho mình”– H. giải thích lý do. Theo lời kể của H., một lần đi xe buýt vào buổi trưa vắng người, cô từng gặp một gã trai bỉ ổi tự “khoe hàng”. Lần khác đi dạo chơi, cô từng bị một gã bóp vào ngực. Đấy là lý do khiến H. quyết tâm đi học võ.
Hà Nội nói riêng và nhiều thành phố khác trên cả nước có phải là nơi an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái, nơi không có các hành vi quấy rối tình dục, xâm hại tình dục ở khu vực công cộng, nơi phụ nữ và trẻ em gái cảm thấy thoải mái, vui vẻ và tự tin thay vì phải lo lắng, sợ hãi và cảnh giác cao mỗi khi tới nơi công cộng?
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Để trả lời câu hỏi này, năm 2014 Tổ chức ActionAid Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển đã tiến hành khảo sát, thu thập ý kiến của 2.046 người từ 16 tuổi trở lên tại các địa bàn ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh về thái độ và trải nghiệm cá nhân trong vấn đề quấy rối tình dục nơi công cộng.
Kết quả công bố ngày 28/11 cho thấy, 87% phụ nữ và trẻ em gái đã từng bị quấy rối tình dục với các hành vi thường thấy như: huýt sáo, trêu ghẹo, bình phẩm về hình thức bề ngoài, nhìn chằm chằm, sờ mó vào bộ phận nhạy cảm trên cơ thể.
Theo đánh giá của 57% phụ nữ và trẻ em gái thì đường phố được coi là nơi có nguy cơ xảy ra các vụ quấy rối tình dục cao nhất, ở nơi công cộng chỉ có 13% em gái cảm thấy an toàn; trên xe buýt, 31% em gái đã từng bị quấy rối tình dục. Nghiên cứu cũng đã chỉ ra một số khu vực không an toàn ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh như một số bến xe, công viên, nhà chờ…
Cũng theo khảo sát thì phụ nữ và trẻ em gái có khả năng gặp phải hành vi quấy rối vào sáng, trưa, chiều, tối bất kỳ thời điểm nào trong ngày, tỷ lệ bị quấy rối từ 2-5 lần chiếm cao nhất - 51,1%, học sinh, sinh viên, công chức nhà nước, giúp việc gia đình là những đối tượng bị quấy rối nhiều nhất. Tuy nhiên, 67% phụ nữ và trẻ em gái không có bất kỳ hành động nào phản ứng lại khi gặp phải các hành vi quấy rối tình dục.
Thực tế này cho thấy, bên cạnh những giải pháp khác như tăng cường hệ thống chiếu sáng nơi công cộng, cải thiện chất lượng hệ thống giao thông công cộng, xây dựng và thực thi chiến lược đảm bảo nền giáo dục không phân biệt giới tính… thì củng cố luật pháp là hành động cần thiết.
Hiện không ít người bị quấy rối không hề biết là mình đang bị xâm hại, bởi theo họ đó chỉ là hành động… rất bình thường (!). Cũng có người cho rằng luật pháp không xử lý hành động đụng chạm trên xe buýt hoặc “khoe hàng” nơi công cộng…
Theo các chuyên gia quốc tế và Việt Nam thì đã đến lúc pháp luật cần cụ thể hóa định nghĩa về hành vi quấy rối tình dục trong khung pháp lý, để từ đó tăng cường thực thi pháp luật và chế tài xử lý đối với hành vi này nhằm bảo vệ sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái.