Hơn 109 nghìn bản hương ước, quy ước được phê duyệt
Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Đỗ Xuân Lân nêu rõ, ở nước ta, hương ước, quy ước có từ thế kỷ 15, có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Đây là những quy phạm xã hội chứa đựng các quy tắc xử sự chung do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận, tự nguyện xây dựng nên để điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của nhân dân nhằm giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư, góp phần duy trì trật tự trong cộng đồng dân cư.
Từ vị trí, vai trò đó, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, quy định về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, tạo khung khổ pháp lý điều chỉnh khá toàn diện về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Đến nay, việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước đã đi vào ổn định, rộng khắp trên cả nước. Trong số hơn 125 nghìn thôn, làng được rà soát, có gần 109,7 nghìn bản hương ước, quy ước đã được phê duyệt (chiếm 87,7%); có gần 6,7 nghìn bản hương ước, quy ước đang trong quá trình phê duyệt và hơn 3,2 nghìn bản hương ước, quy ước đang xây dựng. Hương ước, quy ước đã khẳng định được vị trí, vai trò trong xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh, thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò tự quản và xây dựng tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng, thực hiện hương ước còn bộc lộ hạn chế. Chẳng hạn, nội dung của nhiều bản hương ước, quy ước còn rập khuôn, máy móc, thiếu đặc thù; có dấu hiệu vi phạm pháp luật, hạn chế quyền con người, quyền công dân. Việc soạn thảo, thông qua, phê duyệt hương ước, quy ước ở một số nơi chưa đúng trình tự, thủ tục, không đảm bảo dân chủ, tự nguyện. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước chưa thường xuyên, kịp thời. Việc thực hiện ở một số địa phương chưa thực sự nghiêm túc, nhiều hương ước, quy ước được xây dựng mang tính phong trào, đảm bảo các tiêu chí bình xét thi đua, sau khi được xây dựng và phê duyệt không đi vào cuộc sống…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên nhưng nguyên nhân chủ yếu do pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước chưa hoàn thiện, còn mâu thuẫn, chồng chéo hoặc điều chỉnh chưa toàn diện. Vì vậy, Bộ Tư pháp được giao chủ trì phối hợp với bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Theo giới thiệu của Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên về Dự thảo Quyết định, hương ước, quy ước được xây dựng theo quy trình 4 bước gồm xin ý kiến người dân chủ trương xây dựng, UBND cấp xã thành lập tổ soạn thảo, công nhận hương ước, quy ước... Nội dung của hương ước, quy ước sẽ quy định mang tính định hướng về những nội dung gắn với các lĩnh vực của đời sống cộng đồng dân cư. Việc xử lý hương ước, quy ước có 3 hình thức gồm tạm ngừng việc thực hiện, bãi bỏ và hủy bỏ... Đặc biệt, liên quan đến việc cho phép áp dụng phạt tiền, phạt vật chất để xử lý những trường hợp vi phạm quy định trong hương ước, quy ước, ông Nguyên hiện cho biết có 2 luồng ý kiến ủng hộ và phản đối, còn quan điểm của Bộ Tư pháp là không cần thiết quy định nội dung này.
Trọng tâm vẫn là tuân thủ pháp luật
Góp ý vào nhiều điều khoản cụ thể, bà Trần Thị Hồng An (Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ) cho biết, về cơ bản Bộ Nội vụ nhất trí với Tờ trình do Bộ Tư pháp xây dựng, nhất trí với phương án không cho phép phạt tiền, vật chất trong hương ước, quy ước. Trước ý kiến đề nghị hạn chế hương ước, quy ước, bà An quan niệm: Với tư cách là giá trị văn hóa thuộc về quy tắc cộng đồng, kể cả thừa nhận hay không thừa nhận thì hương ước, quy ước vẫn tồn tại. Nếu muốn thúc đẩy hương ước, quy ước phát triển thì Nhà nước có thể bảo đảm kinh phí, hỗ trợ cơ sở vật chất để tạo sự cộng hưởng. Còn chỉ khi nào hương ước, quy ước có nội dung không đúng với quy định pháp luật, có nguy cơ lạc hậu… thì mới cần đến sự xử lý của Nhà nước.
Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp TP Hà Nội) Vũ Thị Thanh Tú đánh giá, hương ước, quy ước vốn đơn giản nhưng Dự thảo Quyết định dường như đang mang tính hành chính. Bên cạnh đó, nếu quy định thẩm quyền của UBND cấp huyện trong xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước có khi lại làm thêm khuôn mẫu, không phù hợp với đặc tính của khu dân cư. “Quy trình xây dựng, ban hành như với 1 văn bản quy phạm pháp luật từ soạn thảo, lấy ý kiến... liệu có phức tạp không?” - bà Tú nêu vấn đề và kiến nghị phải đẩy mạnh hơn nữa sự tham gia của ngành Văn hóa bởi hương ước, quy ước là góp phần xây dựng đời sống văn hóa dân cư.
Một cán bộ hưu trí tại Bắc Ninh dẫn chứng rất nhiều nội dung trong hương ước của các làng mà ông được đọc như 23h không kèn trống, cúng tế không kéo dài, người đi đêm 11h30 phải có đèn… Từ đó, ông cho rằng nếu không đưa vào được thì không quản lý dân được đâu, “chúng ta vẫn nói sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, còn ở địa phương phải đưa được vào quy ước và hương ước. Rồi thì lễ, rước, quản lý di tích lịch sử cũng có trong quy ước, hương ước của làng. Nếu không có hương ước, quy ước lấy đâu tiền để trông nom” - ông chia sẻ và tâm niệm hương ước, quy ước “trọng tâm là khác luật nhưng vẫn phải tuân thủ pháp luật, bảo đảm sự dung hòa giữa phép vua với lệ làng”.