* Bài 1: Huyền thoại đảo Hải Tặc: Nơi gieo rắc nỗi kinh hãi cho giới tàu buôn từ 400 năm trước
* Quần đảo Hải Tặc - đảo giấu vàng?
Hai ông Tây đi đào kho báu
Chuyện về vụ bắt giữ hai ông Tây đi đào kho báu xảy ra đã 38 năm nhưng nhiều người dân trên đảo Hòn Tre, quần đảo Hải Tặc vẫn còn nhắc nhớ, bởi nhiều tình tiết ly kỳ và đến nay vẫn thuộc dạng có một không hai. Một trong những người chứng kiến sự việc xảy ra năm đó là ông Lương Văn Tâm, nguyên công an viên xã Tiên Hải.
Kể về chuyện xảy ra năm 1983, ông Tâm vẫn nhớ rành rọt từng chi tiết. Theo đó, chừng 9h sáng một ngày tháng 4/1983, ông Tâm đang ngồi trong trụ sở UBND xã Tiên Hải thì nghe tiếng động cơ ngoài biển. Nhìn ra ngoài ông thấy một chiếc xuồng máy chạy ngang qua về hướng nam của đảo Hòn Đước, Kiến Vàng, lượn vòng vòng rồi khuất về phía bên lưng Hòn Tre.
Hôm đó mọi sinh hoạt trên đảo Hòn Tre vẫn diễn ra bình thường nên ông Tâm chỉ nghĩ là cán bộ trong đất liền ra làm việc, không lấy làm lạ. Bất ngờ lúc cuối buổi chiều, một người dân trên đảo chạy đến báo tin sự lạ. Chuyện là lúc người dân này chèo xuồng đi đánh cá thì thấy chiếc xuồng máy dạt vào mũi Minh Kiến của Hòn Tre từ bao giờ, trên xuồng không thấy ai.
Tối đó, Công an xã Tiên Hải phối hợp các lực lượng, đến khu vực mũi Minh Kiến, nơi người dân phát hiện có chiếc xuồng lạ cập vào đảo. Ông Tâm kể, thời điểm đó cả xã chỉ lác đác gần chục hộ dân, lại chưa có điện, ông cùng các đồng nghiệp mò mẫm đi trong đêm tối. Khu vực phát hiện chiếc xuồng máy lạ là chân ngọn đồi, đến đó phải đi bằng con đường đất mòn, nhỏ xíu. Đến chân đồi thì cây rừng bít lối, di chuyển vô cùng khó khăn.
Các thiết bị của hai người đàn ông ngoại quốc mang theo để tìm kiếm kho báu. |
Trong đêm tối, giữa đồi vắng hoang vu, mọi người ai nấy thận trọng luồn rừng, đề cao cảnh giác. Đang di chuyển thì mọi người nghe được mùi hơi thuốc xịt muỗi nồng nặc, liền lặng lẽ bám theo đó tiến lên. Được một đoạn, họ giật mình khi thấy... lá cờ Mỹ cắm trên đất. Bò lên gần tới đỉnh núi, lực lượng chức năng phát hiện hai người đàn ông phương Tây đang trần như nhộng, nằm nghỉ. Bất ngờ bị bao vây, hai người Tây giật mình ngồi dậy giơ hai tay lên đầu hàng.
Hai người này sau đó được áp tải lên ghe, đưa về ủy ban xã Tiên Hải cách đó chừng nửa cây số. Người thì bắt được rồi, nhưng vấn đề hóc búa đặt ra lúc này là làm sao khai thác được thông tin từ họ, khi cả xã không ai biết nói tiếng Anh. Tất nhiên, hai ông Tây cũng không biết tiếng Việt. May mắn trên đảo có một người dân biết tiếng Anh bập bẹ, cuối cùng cũng biết được một số thông tin sơ bộ.
Hai người, một người trung niên mang quốc tịch Anh, một người thanh niên mang quốc tịch Mỹ. Họ nói hồi giữa thế kỷ 17 cha ông họ là cướp biển và chôn giấu của cải trên đảo này. Họ vượt đại dương qua đây, mang theo tấm bản đồ chỉ nơi cất giấu kho báu năm xưa, cùng một số vật dụng như xẻng đào đất, máy điện đàm, ống nhòm, hải đồ, máy ảnh để tìm kiếm vận may.
Graham ngày được trả tự do và về lại Mỹ. |
Tại trụ sở UBND xã Tiên Hải ngày ấy, hai người đàn ông ngoại quốc khá hợp tác và nhiệt tình cung cấp thông tin bằng cách xin giấy bút vừa nói vừa vẽ, dùng nhiều cách diễn đạt, tuy nhiên quanh đi quẩn lại vẫn là câu chuyện liên quan đến việc tìm kiếm kho báu, với chiếc chiếc rương chứa đầy tiền vàng. Sau đó vì tính chất và mức độ của vụ việc, công an xã Tiên Hải quyết định chuyển hai người này lên Công an tỉnh Kiên Giang xem xét giải quyết.
Bẵng đi một tuần, công an tỉnh dùng ghe đưa hai người Tây ngược lại đảo. Hai ông Tây được dẫn tới khu vực mà họ khẳng định là có kho báu. Qua bên kia mũi Minh Kiến, họ chỉ tay vị trí có kho báu. Theo hai người đàn ông này, vị trí kho báu được căn cứ trên tấm bản đồ nhàu nhĩ cỡ giấy A3 mà họ mang theo. Ngay tại vị trí ấy, ông Tâm cùng một số người tiến hành đào bới bằng tay, mở một cái hố đường kính chừng 5m.
Sự việc khiến dân đảo tò mò, tụm lại xem chuyện đào kho báu kết quả ra sao. Mỗi người mang trong mình một tâm trạng khác nhau, không ai dám chắc điều gì, bởi vùng biển đảo này xưa kia là lãnh địa của cướp biển, và có người cho rằng đã vô tình nhặt được những đồng tiền cổ. Ông Tâm nhớ lại, hôm ấy nhiều người cùng nhau đào bới, hì hục cả giờ đồng hồ vẫn không thấy gì ngoài toàn đá và đá.
Lúc bấy giờ trời dần về trưa, nắng mỗi lúc một gắt, trước kết quả thu được mọi người đã đi đến thống nhất, tại vị trí mà hai người đàn ông phương Tây chỉ điểm không hề có kho báu. Việc đào bới dừng lại, đoàn người ra về, hai người đàn ông ngoại quốc được đưa lại về tỉnh để hoàn tất quá trình điều tra. Chuyện diễn ra trên quần đảo Hải Tặc liên quan đến hai ông Tây được người ta truyền tai nhau từ đó, kể đi kể lại mỗi khi có dịp, lưu truyền đến nay đã gần 40 năm.
Bí ẩn chuyện 3 chiếc rương chứa vàng
Liên quan đến sự việc nói trên, sau này một số tác phẩm, tài liệu đã đề cập khá chi tiết với những hồi ức của người trong cuộc. Theo đó, hai người đàn ông nói trên là Frederick Graham và Richard Knight, họ đột nhập lên đảo Hòn Tre cùng 2 người Thái Lan, để săn tìm kho vàng của thuyền trưởng Williams Kidd – từ một sĩ quan hải quân Hoàng gia Anh sau trở thành một cướp biển lừng danh thế kỷ 17… Kidd được cho là có chôn một số vàng ở quần đảo Hải Tặc, sau khi ông hay tin mình bị nước Anh truy nã vì tội làm cướp biển.
Graham sinh năm 1964 tại bang California, Mỹ. Tháng 4/1983, Graham đi Bangkok, Thái Lan, với ý định trở thành phóng viên ảnh, đưa tin về cuộc chiến chống Kh’mer Đỏ của quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Tuy nhiên, do chính quyền Thái Lan không cấp phép cũng như Graham không có kinh nghiệm viết lách nên chẳng một tờ báo phương Tây nào nhận lời cộng tác. Anh ta phải tá túc trong một khu lao động nghèo ở Bangkok.
Sau đó Graham gặp Richard Knight (SN 1936), một nhà phưu lưu người Anh, tại một quán rượu ở Bangkok. Knight cho biết năm 1980, trước lúc ông nội của Knight qua đời, ông đã đưa cho Knight tấm bản đồ bằng da do chính tay thuyền trưởng Kidd vẽ, ghi lại vị trí chôn giấu vàng ở đảo Hòn Tre, quần đảo Hải Tặc, nên Knight đến Thái Lan tìm bạn đồng hành săn lùng kho báu này. Lập tức, Graham nhận lời vì thất nghiệp, tiền dành dụm cũng sắp hết, nếu không gặp vận may thì cũng làm được một phóng sự ảnh về kho vàng của thuyền trưởng Kidd.
Richard Knight kể rằng trên quần đảo Hải Tặc tồn tại kho báu của cướp biển xưa. |
Knight khi đó kể rằng, trước khi gặp Graham ở Bangkok, ông ta đã từng đến đảo Hòn Tre để tìm kiếm kho vàng, bằng cách thuê thuyền đi từ Thái Lan. Tháng 10/1981, lợi dụng thời tiết xấu, Knight cho thuyền xâm nhập đảo Hòn Tre bằng một chiếc xuồng nhỏ. Bằng máy dò kim loại, Knight phát hiện rồi đào được 3 chiếc rương, chứa đầy những đồng tiền vàng cùng những bức tượng bằng ngọc và một số đồ sứ. Knight phát hiện thêm một vị trí chôn giấu kho báu và đánh dấu vào bản đồ. Vì sợ gặp cướp biển trên đường về, 3 chiếc rương được Knight đem chôn ở một nơi khác.
2 năm sau gặp Graham ở Bangkok, Knight đã rủ anh ta đi khai quật kho báu. Sau khi thuê một chiếc tàu cao tốc, hai người mua cuốc, xẻng, máy bộ đàm, ống nhòm, máy chụp hình, bản đồ hàng hải và 2 bao tải lớn. Họ xuất phát từ bờ biển Pattaya, Thái Lan với 2 người Thái, một là tài công và một là thợ máy. Sau nhiều ngày chạy vòng vèo trên vịnh Thái Lan trong vai khách du lịch, họ tiếp cận Hòn Tre và khuân vác đồ đạc lên đảo. Đêm mùa hè trời rất nóng, để 2 người Thái không nghi ngờ, Knight và Graham bày đồ ra ăn và uống rượu như thể đang đi dã ngoại.
Khi họ đã lăn ra ngủ, những ánh đèn pin chiếu thẳng vào mặt, bộ đội biên phòng Việt Nam cùng công an xã bao vây họ. Sợ bị nghi là gián điệp, Knight nhanh chóng khai mình và Graham chỉ là những người đi tìm kho vàng của thuyền trưởng Kidd. Tại trụ sở UBND xã Tiên Hải, đảo Hòn Tre, Knight đưa ra tấm bản đồ vẽ tay trên tờ giấy trắng nhưng theo Graham, Knight cố tình chỉ sai vị trí nơi đã chôn 3 chiếc rương.
Hai người sau đó bị điều tra và xét xử về hành vi xâm nhập lãnh thổ Việt Nam trái phép. Năm 1984, Graham và Knight lần lượt được trả về nước. Sau này trong hồi ký “Thợ săn huyền thoại”, Graham viết rằng: “Chuyện Knight tìm được 3 chiếc rương chứa vàng là do ông ta kể tôi nghe để rủ tôi đi cùng. Còn nó có thật hay không thì tôi không biết vì chưa kịp đào, chúng tôi đã bị bắt…”.