Bia chủ quyền ở "Quần đảo Hải tặc" |
Ổ cướp biển
Tôi thực hiện một hải trình về vùng biên hải trên biển Tây trong vịnh Thái Lan vào một buổi sáng đẹp trời. Chuyến tàu khách mang tên Minh Nga 2 khởi hành lúc 9 giờ chầm chậm rời thị xã Hà Tiên hướng ra biển lớn. Tàu chạy khoảng hơn một giờ, trước mắt tôi hiện lên hàng loạt hòn đảo lớn bé, nằm xen kẽ nhau. Đứng trên mũi tàu, quan sát xung quanh, tôi thấy quả nhiên đây là vị trí địa lý lý tưởng cho mục đích “cướp”, khi mà phía Tây Bắc là quần đảo Bà Lụa, phía đông là đảo Phú Quốc, thuộc địa bàn xã Tiên Hải, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, sát cạnh là vùng biên hải của Campuchia.
Quần đảo Hải Tặc có tổng diện tích đất nổi là 1.100 ha, bao gồm 16 hòn đảo nằm gần nhau cách bờ biển Hà Tiên 11 hải lý (27,5 km), cách đất liền bảy hải lý (18 km) và cách đảo Phú Quốc 16 hải lý (40 km), trong đó lớn nhất là đảo Hòn Đốc. Quả thực với con mắt tinh tường, hẳn những tên cướp biển đã nhận thấy đây là hang ổ lý tưởng để tổ chức cướp cũng như lẩn trốn sự truy đuổi trên con đường hàng hải quan trọng này.
Theo ông Trương Minh Đạt, một nhà nghiên cứu về Hà Tiên, nạn cướp biển đã có từ thời cha con Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích cai quản đất Hà Tiên (thế kỷ XVII). Cái tên đảo Hải Tặc cũng xuất hiện vào thời kỳ này với hàng loạt vụ cướp có tổ chức, quy mô lớn. Khi đó, Hà Tiên là một thương cảng sầm uất có rất nhiều tàu của thương buôn nước ngoài đến trao đổi mua bán. Trong đó, tàu của hải tặc cũng trà trộn để vào đất liền, điều tra, nghiên cứu, theo dõi nhằm dễ dàng thực hiện các vụ cướp.
Một thời gian dài, vùng biển Tây qua khu vực này đến vịnh Thái Lan hầu như do bọn hải tặc tự quản vì bộ máy chính quyền bị tê liệt. Trên đảo Hòn Tre vẫn còn nhiều người lưu giữ những câu chuyện về băng cướp biển Cánh buồm đen, tồn tại ở những năm đầu thế kỷ 20. Băng cướp này chủ yếu cướp của những tàu buôn nước ngoài. Trên cột buồm tàu của băng này thường treo cây chổi với thông điệp quét sạch tàu qua lại. Phạm vi hoạt động của băng cướp rất rộng, bao trùm một vùng biển lớn trong vịnh Thái Lan.
Bẵng đi một thời gian dài, bóng dáng của hải tặc cũng vắng dần trên vùng vịnh Thái Lan song thi thoảng vẫn có những vụ cướp táo tợn xảy ra gây hoang mang trong ngư dân.
Hải tặc - Đảo giấu vàng?
Trong hai ngày lang thang trên những hòn đảo này, tôi có nghe khá nhiều câu chuyện đậm mùi tiểu thuyết viễn tưởng về một hang động bí mật nào đó, hay xác một con tàu đang nằm ở một nơi bí ẩn nào dưới đáy biển có chứa nhiều vật báu. Những câu chuyện nửa hư, nửa thực, nhuộm màu kì bí khiến tôi bán tín, bán nghi, nhưng có một sự thực là đây không chỉ còn là chuyện đồn thổi, mà đã có những chuyến đi bí mật đến đây để tìm kho báu.
Hồ sơ ở công an tỉnh Kiên Giang còn nghi lại sự kiện này vào năm 1983, có hai người nước ngoài, một người Mỹ và một người Anh đã đến quần đảo để đào kho báu. Hồ sơ viết: “Quần chúng ở xã Tiên Hải, huyện Kiên Hải dùng tàu biển vây bắt hai người nước ngoài xâm nhập vào đảo, một người Anh (Richard Charles Knight), một người Mỹ (Frederick Kurt Graham) đi bằng bobo từ hướng đảo Phú Quốc vào đảo Hòn Tre Nhỏ, thu hai máy bộ đàm, hai máy chụp hình, một máy quay phim, một ống dòm, nhiều bản đồ, hải đồ và dụng cụ khác”. Họ khai rằng mình có một tấm bản đồ được vẽ cách đây 300 năm của dòng họ truyền lại chỉ dẫn tới kho báu mà hải tặc chôn giấu ở đây.
Câu chuyện về kho báu kia lại được xới lại vào đầu năm 2009 khi một nhóm ngư dân lặn tìm ốc, hải mã vô tình bắt gặp một số lượng khá lớn tiền đồng cổ với nhiều loại mệnh giá khác nhau.
Đánh thức tiềm năng “Hải Tặc”
Vòng vèo hỏi mấy người dân, cuối cùng tôi cùng tìm đến được tấm bia chủ quyền được xây vào năm 1958. Nét chữ to, sơn đen có ghi rõ dòng chữ:
“Quần đảo Hải tặc. Hải đồ số: 3686 S.H; vĩ tuyến 10 độ 10’ 8; kinh tuyến 104 độ 20’ 0”. Phần đế của trụ bê tông có dòng chữ ghi rõ: “Quần đảo Hải tặc gồm có các đảo sau: Hòn Kèo Ngựa, hòn Kiến Vàng, Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Vinh, Hòn Gùi, Hòn Ụ, Hòn Giang, Hòn Chơ Rơ, Hòn Đước Non, Hòn Bô Dập, Hòn Đồi Mồi…”.
Quay ra trụ sở Ủy ban nhân dân xã Tiên Hải, ông chủ tịch Nguyễn Trung Liệt cười cười khi tôi hỏi về kho báu bí hiểm kia. Ông bảo, cái tên quần đảo Hải Tặc đã thành dĩ vãng, mấy năm gần đây, lực lượng công an và bộ đội biên phòng tăng cường truy quét, tình hình trị an ở vùng biển này đã an toàn rồi. Ông nói thêm rằng, tỉnh Kiên Giang đã nhìn thấy ở cái xã đảo này một tiềm năng còn to lớn hơn cả cải kho báu chưa ai được nhìn thấy kia chính là phát triển ngành công nghiệp du lịch không khói.
Năm 2007, tỉnh Kiên Giang đã chấp thuận chủ trương cho nhà đầu tư thuê một số hòn đảo thuộc quần đảo Hải Tặc để phát triển các khu du lịch sinh thái biển. Công ty cổ phần thủy sản Kiên Giang được cho thuê sáu hòn đảo để đầu tư du lịch. Công ty Nhất Tâm - Laspapim (Thành phố Hồ Chí Minh) thuê đảo Hòn Tre để đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng và một trường quay phim.
Đầu năm 2008, chính quyền tỉnh Kiên Giang phê duyệt quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái trên hai đảo Hòn Tre Vinh và Hòn Đước thuộc quần đảo Hải Tặc của Công ty thương mại và sản xuất T&T. Tại đây, người ta dự định sẽ xây khu nghỉ, thể thao biển và các dịch vụ giải trí, du lịch khác trên diện tích khoảng 42 ha.
Ông Liệt cho biết, dự tính năm 2015, GDP bình quân đầu người mỗi năm sẽ đạt khoảng 67 triệu đồng, gấp rưỡi so với hiện nay. Ông nheo mắt cười như thể trả lời cho câu hỏi lúc đầu trong câu chuyện giữa chúng tôi.
Sơn Bình