Lần này, Trần Thọ không hề cô đơn mà còn nhận được sự hô ứng của một người chép sử khác.
Kỳ (diệu) mưu, hay kỳ (quái) mưu?
Khi Viên Thiệu thừa thế đuổi tràn, thì Thư Thụ lại xuất hiện đề xuất kế hoạch … không đánh. Thư Thụ cho rằng quân Tào tuy ít, nhưng dũng mãnh hơn quân Viên, tốt nhất “dây dưa cầm giữ lâu ngày”. Thiệu không nghe theo mà tiến quân tới Quan Độ cùng quân Tào giao chiến. Kết quả là “quân của Thái tổ gặp bất lợi, nấp vào trong lũy”.
Nói cách khác, Viên Thiệu đánh cho Tào Tháo thua sấp mặt. Trận đó Tháo đưa một vạn quân ra đánh, bị thiệt hại đến hai ba phần mười. Quân Tào lui vào trong lũy cố thủ, mất đi quyền chủ động chiến lược, ngày đêm giơ lưng ra cho quân Viên công kích.
Cùng một kiểu suy nghĩ với Trần Thọ và Thư Thụ còn có Tập Tạc Xỉ và Hứa Du. Tập Tạc Xỉ viết rằng Hứa Du cũng từng khuyên Thiệu “không nên cùng Tháo giao tranh vội” mà nên “chia binh cầm chân họ, rồi theo lối khác đến đón Thiên tử”.
Thiệu không nghe theo, vì thế mà Hứa Du nổi giận. Thực ra Viên Thiệu phân binh mấy chục dặm, mà Tào Tháo cũng có thể chia trại ra chống giữ, có thể thấy sự phòng thủ của Tào Tháo là rất chặt chẽ. Việc đi vòng theo lối khác không qua ngả Quan Độ không phải chuyện dễ.
Ngược lại, chủ lực quân Tào tập trung ở Quan Độ đang rơi vào thế bất lợi, chỉ cần tăng cường sức ép đến hết mức, đánh tan phòng tuyến Quan Độ là kết quả cuộc chiến sẽ ngã ngũ. Thư Thụ, Hứa Du kẻ thì khuyên ngồi chờ, người thì khuyên theo lối khác, nhưng chung quy cũng đều khuyên Thiệu đừng đánh Tào Tháo. Rốt cuộc hai người này đang bày mưu cho ai?
Tứ diện Viên ca
Trên thực tế, Thiệu không chỉ đơn thuần là điên cuồng công kích vỗ mặt, mà đánh Tào Tháo trên nhiều phương diện. Ông ta đánh Tào Tháo về mặt chính trị bằng bài hịch của Trần Lâm, đánh Tào Tháo về mặt ngoại giao bằng cách phái sứ giả tới chỗ Lưu Biểu ở Kinh Châu, Trương Tú ở Nam Dương, Lý Thông ở Dương An, Lưu Tích ở Nhữ Nam. Kết quả, ngoại trừ một vài trường hợp cá biệt lên tiếng phản đối Thiệu thì “từ đất Hứa, đất Thái về nam, người người đều có dị tâm”, “quan dân không yên”; “các quận ở Dự Châu đa phần đều vâng mệnh của Thiệu”.
Thiệu phái Lưu Bị đi giúp Lưu Tích tấn công Hứa Xương từ phía nam. Sau đó, ông còn phái biệt tướng là Hàn Tuân đi tập kích chặn con đường sang phía tây của Tào Tháo. Thiệu còn phái quân “mấy lần cướp bóc cắt đường vận lương”. Không chỉ hành chính trị, hành ngoại giao, hành kế, Tào Tháo còn bị đánh về mặt ... hành thích. Nhóm hầu hạ thân cận của Tào Tháo là Từ Tha đã âm mưu đâm chết Tháo ở Quan Độ!
Thất bại trước Tào Nhân là nguyên nhân khiến Viên Thiệu thôi chia quân đánh lẻ. |
Trong trận chiến này, tập đoàn Tào Tháo đã biểu hiện hết sức xuất sắc. Nếu không như thế, e rằng Tào Tháo đã sớm đi gặp Hàn Phức, Công Tôn Toản. Một mình Tào Nhân vừa phá tan cánh quân phía nam của Lưu Bị, Lưu Tích (tuy nhiên Lưu Bị vẫn sẽ quay lại Nhữ Nam hoạt động và chém tướng Tào là Sái Dương ở đó), vừa đón đánh Hàn Tuân ở núi Kê Lạc.
Quan vận lương là Nhâm Tuấn sáng tạo ra đội hình hộ tống lương thực, giảm thiểu thiệt hại do quân Viên quấy rối. Hứa Trữ nhờ linh tính nhạy bén, kịp thời quay lại và phát hiện hành vi bất thường của nhóm Từ Tha và đâm chết chúng.
Tang Bá ở Từ Châu phản du kích vào Thanh Châu. Từ Hoảng, Sử Hoán cũng phản du kích đội vận lương của Hàn Mãnh, tiêu diệt mấy ngàn xe lương của Viên Thiệu. Chính nhờ chiến thắng của Tào Nhân trước quân Hàn Tuân mà “Thiệu không dám chia quân ra đánh nữa”.
Cuộc chiến trên chính diện Quan Độ diễn ra vô cùng quyết liệt. Viên Thiệu cho đắp núi đất, dựng lầu cao, bắn tên vào trại Tào Tháo. Quân Tào đều khiếp đảm, ở trong doanh trại mà vẫn phải che mộc. Tào Tháo sai làm xe bắn đá để đánh phá lầu của Viên Thiệu. Thiệu cho đào địa đạo thẳng vào trại Tào. Tào Tháo lại cho đào hào ngang để chống lại.
Trí mưu hết lối
Hai bên cứ thế mà giằng co nhau, từ tháng tám đến tháng mười. Phía Tào khoe rằng “mỗi lần giao chiến đều chém tướng địch”, cũng như đã chém Nhan Lương, Văn Xú. Nhưng cho dù Tào Tháo chém thêm bao nhiêu Nhan Lương, Văn Xú, cục diện chiến trường vẫn không có dấu hiệu xoay chuyển.
Trần Thọ buộc phải thừa nhận rằng: “binh ít lương hết, sĩ tốt mỏi mệt”, “trăm họ mỏi mệt thiếu thốn, đa phần làm phản hưởng ứng Thiệu, sĩ chúng thiếu ăn”. Tào Tháo mong quấy rối đường vận lương của họ Viên, để quân Viên cũng rơi vào cảnh tiêu hao lương thực.
Nhưng nếu như quân Viên “mấy lần cướp bóc cắt đường vận lương” của Tào Tháo, thì ngược lại phe Tào chỉ có thể liệt kê được chiến tích của Từ Hoảng – Sử Hoán, ngoài ra còn có một lần Tào Nhân – Sử Hoán cướp lương nhưng không rõ có phải cùng là một trận với Từ Hoảng hay không.
Xét về quân sự - chính trị, Tào Tháo đã lâm vào đường cùng. Rất nhiều người ở Hứa Đô và trong doanh trại ở Quan Độ đã ngầm đưa thư qua lại với Viên Thiệu để chuẩn bị chỗ đứng cho mình ở tập đoàn mới. Điều khiến cho hậu phương của Tháo còn chưa vỡ lỡ là quân Viên Thiệu chưa có được một chiến thắng mang tính chấn động.
Nguyên nhân thứ hai là ngay trước trận Quan Độ, Tào Tháo đã thanh trừng rất nhiều người chống đối thông qua vụ án Đổng Thừa, Vương Phục; còn trong trận Quan Độ thì Hứa Trữ dẹp được vụ phản loạn của Từ Tha từ trong trứng nước.
Tuy nhiên, lực lượng phản Tào ở bên ngoài thì càng mạnh lên, Lưu Bị một lần nữa quay lại Nhữ Nam, chém chết tướng Tào là Sái Dương. Tôn Sách ở Giang Đông cũng rục rịch đánh úp. Nếu Tôn Sách không bị ám sát giữa chừng, cục diện chiến trường Quan Độ có lẽ sẽ khác.
Rất nhiều chi tiết cho thấy sự kiệt quệ về mọi mặt của Tào Tháo. Tháo khuyên quân vận lương cố gắng thêm mười lăm ngày. Số lương thực còn lại mà Tháo thú nhận với Hứa Du là chỉ còn đủ cho một tháng.
Lực lượng phản du kích ban đầu do bọn Sử Hoán đảm nhiệm, nhưng đến trận Ô Sào thì Tào Tháo phải đích thân ra trận. Điều đó cho thấy Tháo phải huy động đến những lực lượng quân cận vệ cuối cùng cho trận chiến quyết định. Trận đánh Quan Độ ngoài Tuân Du là người đề xuất một số kế sách có hiệu quả ra, Quách Gia, Giả Hủ hầu như im tiếng. Trình Dục ngồi bó gối ở Quyên Thành, đợi khi Tháo thắng rồi mới ló mặt ra.
Tháo viết thư gửi về cho Tuân Úc bàn chuyện lui về Hứa Đô. Tuân Úc cũng chỉ biết nói được rằng nếu lui là mất hết tất cả (“nếu chẳng khắc chế được họ, tất bị đè bẹp”), hãy đợi cơ hội (“tình thế đến lúc cùng kiệt, tất sẽ có biến, đấy là lúc dùng mưu lạ, chẳng nên để lỡ”). Sau này nhìn lại, chúng ta không khỏi tán thưởng Tuân Úc thần cơ diệu toán.
Minh họa Tào Tháo nhận thư Tuân Úc (niên đại: 1610). Những lời Tuân Úc vào thời điểm đó chỉ là cổ vũ suông cho Tào Tháo. |
Nhưng đặt vào tình thế Tào Tháo lúc đó, mấy lời nịnh nọt của Tuân Úc (“với tài thần vũ minh triết của chúa công lại được lẽ đại thuận phù giúp, việc nào chẳng xong”) có nói cũng như không! Tình thế của Tào Tháo lúc bấy giờ đúng như Hứa Du phân tích: “binh cô giữ một chỗ lẻ loi, ngoài không có quân cứu viện mà lương thảo đã cạn, đấy là nguy cấp trong ngày vậy”.
Cuộc chiến giữa Tào Tháo và Viên Thiệu đến lúc này đã được đẩy lên đến đỉnh cao. Nó khiến ta liên tưởng tới cuộc đấu tay đôi của những anh hùng trong sử thi Iliad của Homer. Khi cuộc quyết đấu lên đến cao trào mà thắng thua không phân định được, thần Zeus sẽ ném quả táo lên bàn cân để xác định thắng thua; và lần này quả táo đã lăn về phía Tào Tháo...