Đơn khiếu nại của tập thể giáo viên kêu cứu đến báo chí. Ảnh: Hải Thọ |
Cụ thể, ngày 30/10/2013, đoàn kiểm tra của PGD gồm: Thầy Trung (phó phòng), thầy Vui (thanh tra), thầy Hiền (kế toán), cô Liên (chuyên viên) đến làm việc với nhà trường về những sai phạm của hiệu trưởng đã kết hợp với thủ quỹ trong công tác quản lý bán trú và tổ chức bữa ăn cho các cháu mà tập thể phụ huynh đã phản ánh đến Sở Giáo dục.
Nội dung sai phạm, nói về các hợp đồng thực phẩm giá cao, kê khống số lượng và kê khống thực đơn bữa ăn của các cháu…
Đến ngày 13/12/13 (lúc 16h30), lãnh đạo PGD cùng đại diện Ủy ban Thị trấn Trảng Bàng và đại diện cha mẹ phụ huynh học sinh có đến dự. Sau khi xem xét giá thị trường và giá của một số trường bán trú khác, cuối cùng đã đưa ra kết luận.
Tuy các thành viên trong trường (đa số là các giáo viên) đều chỉ ra việc cắt xén khẩu phần ăn của cháu, kê khống thực đơn, kê khống số lượng thịt, hợp đồng thực phẩm giá cao… là có thật. Nhưng kết luận của đoàn Thanh tra PGD chỉ nói: “Quản lý thu chi của trường chưa chặt chẽ, hóa đơn, chứng từ bán trú cập nhật chưa đầy đủ, chưa có kê khai số lượng tiền ăn trong ngày cho phụ huynh, cuối cùng là cần “rút kinh nghiệm”…”.
Thầy Tạ Kỳ Trung (Phó PGD) kết luận: “Bán trú thực hiện không rõ ràng, dù ít nhiều cũng có cắt khẩu phần ăn của cháu, chưa tạo niềm tin đối với phụ huynh…”.
Thầy Phạm Ngọc Hải (Trưởng PGD) cho rằng: “Nôi bộ chưa thống nhất đoàn kết, phản ánh này tôi tin là 50% xuất phát từ trong nội bộ nhà trường. Nhà trường chưa thực hiện công khai dân chủ cần khắc phục và hiệu trưởng phải làm bản kiểm điểm thông qua hội đồng nhà trường, thông qua đại diện cha mẹ học sinh, tôi sẽ dự một ngày gần đây nhất”.
Với những kết luận trên, tập thể giáo viên của trường đã gửi đơn khiếu nại đến báo PLVN cho rằng, cách giải quyết của thầy Hải khiến nhiều thành viên trong hội đồng nhà trường không đồng tình.
Tập thể giáo viên cho rằng, cô Tiên là hiệu trưởng của trường, là Bí thư Chi bộ và đảm nhiệm luôn công tác bán trú của trường (từ 2010- 2011; 2011- 2012; 2012- 2013), nhưng trong công tác quản lý của cô hiệu trưởng chưa thể hiện tính dân chủ trong tập thể, chưa trung thực trong công việc kê khai tiền ăn của các cháu đối với phụ huynh.
“Hiệu trưởng đã lợi dụng quyền hạn, hợp đồng với công ty có giá thực phẩm cao để trục lợi cá nhân, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu. Nếu hiệu trưởng chịu hợp đồng thực phẩm giá bằng thị trường thì tiền ăn mỗi ngày của các cháu dư ra là không nhỏ”, theo đơn trình bày của tập thể giáo viên.
Trong đơn còn thể hiện, việc kê khống thực đơn hàng ngày của các cháu như một lập trình được lập đi lập lại. Ngày nào cũng có 5 kg xương và 2 kg mỡ nhưng thực tế là không mua.
Thịt heo mua ít (dưới 32kg) nhưng kê cao lên rất nhiều (có ngày lên 43,9kg), với 3 năm số tiền chênh lệch là không hề nhỏ.
Hóa đơn kê khống của trường (trên), bà Mỹ ký xác nhận chưa bao giờ giao thit quá 32 kg. Ảnh: Hải Thọ |
Các giáo viên cho biết: “Thực phẩm giá cao, kê khống thực phẩm, kê khống số lượng thực đơn, những việc này hiệu trưởng và thủ quỹ hợp tác nhau mà không cho kế toán của trường làm, việc cắt xén khẩu phần ăn của các cháu quá rõ ràng.
Để lấy lại quyền lợi và sự công bằng cho các cháu đang bị thiếu hụt về dinh dưỡng mà đúng ra các cháu phải được hưởng trong 3 năm học gần đây. Chúng tôi thiết nghĩ, phải truy thu các khoản thất thoát đã bị cắt xén…”.
Liên quan đến vụ việc này, lúc 16h ngày 17/1/2014 vừa qua, đại diện PGD (gồm thầy Vui, thầy Minh, Thầy Phương và cô Liên) đến dự cùng hội đồng nhà trường để hiệu trưởng thông qua bản kiểm điểm như đã hứa hôm 13/12/2013.
Nội dung bản kiểm điểm có nêu vi phạm hợp đồng thực phẩm là không thông qua tập thể, chưa đổi mới công tác quản lý, kiểm điểm rút kinh nghiệm và hứa khắc phục.
Cuối buổi họp thầy Vui nhận định: “Như thế là hiệu trưởng không cắt xén, đây là cách giải quyết của PGD, tôi là người thừa lệnh nếu không đồng ý thì tố cáo lên cấp trên”, trích nội dung đơn trình bày.
Cũng sau sự việc trên bị “vỡ lở”, những thành viên hội đồng nhà trường mới biết được thêm hiệu trưởng ký hợp đồng với công ty giao thực phẩm cho trường, là có được trích lại 3% tiền huê hồng, mà trước đó không một giáo viên nào biết đến.
Để làm rõ phản ánh nêu trên, PLVN Online đã liên hệ và làm việc trực tiếp với Ban Giám hiệu nhà trường, cô N.K.Duyên, Phó hiệu trưởng của trường cho biết, sự việc trên có xảy tại trường mầm non Trảng Bàng và những nội dung phản ánh nêu trong đơn của tập thể giáo viên trường là có thật.
Theo điều tra riêng của chúng tôi, ngoài những mặt hàng thực phẩm mà trường đã ký hợp đồng với công ty ra, nguồn thịt heo là nhà trường đi mua ở ngoài chợ.
Người cung cấp nguồn thịt heo cho trường là bà N.T.Mỹ, đã giao thịt cho trường này hơn 20 năm qua và đang giao đến hôm nay.
Bà N.T.Mỹ đã giao thịt cho trường này hơn 20 năm qua và đến hôm nay. Ảnh: Hải Thọ |
“Từ trước đến nay, tôi giao thịt heo cho trường ngày ít nhất là 15 kg, cao nhất cũng không quá 32 kg, với số lượng giao trên 40 ký là chưa bao giờ có.
Lúc chưa xảy ra “sự việc” là trường không hề mua xương, sau khi sự việc xảy ra mới lấy thêm xương. Mỗi khi đi lấy tiền, tôi chỉ viết số lượng kg trên mảnh giấy nhỏ là có người đi chợ cho trường mang ra trả”, bà Mỹ khẳng định rồi viết giấy xác nhận.
Bà E, hiện làm trưởng bếp của trường đang trao đổi với PV. Ảnh: Hải Thọ |
Chúng tôi tìm đến người bếp trưởng của trường, bà L.T.E, đã làm bếp tại trường hơn 20 năm qua. Bà E. chuyên công việc kiểm tra và nhận thực phẩm được giao về trường mỗi ngày. Sau đó, chính tay chế biến khẩu phần thức ăn cho hơn 400 trẻ đang ở bán trú tại trường.
Bà E. cho hay: “Những mặt hàng thực phẩm tuy có kê lên hóa đơn nhưng tôi không mua là tôi nói thẳng không mua và cần sắp xếp giá cả lại sao cho phù hợp.
Lúc đó, hiệu trưởng lên tiếng: “Mấy chị đừng ý kiến gì hết… Mấy chị hôm trước nói sao mà giờ lại vậy?”.
“Cô Tiên (hiệu trưởng) nói vậy tôi không chịu. Giờ tôi không mua mà bắt tôi nói là có mua là tôi không đồng ý”. Giờ đi đến đâu tôi nói không mua là không…”, bà E. khẳng định.
Clip người cung cấp thịt heo và bếp trưởng của trường lên tiếng: