Phiên tòa “trộm cắp tài sản” và “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” do TAND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế) xét xử. 4 bị cáo trong vụ án gồm: Trần Tâm Tín (17 tuổi, ngụ TP Huế), Nguyễn Duy Hải (17 tuổi, ngụ thị xã Hương Thủy) bị truy tố về tội trộm cắp tài sản; Hồ Tám (28 tuổi, ngụ thị xã Hương Thủy), Từ Công Thành (30 tuổi, ngụ TP Huế) bị truy tố về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội.
Cơm tù nhiều hơn cơm mẹ nấu
Còn chưa đến 7h sáng, bị cáo Hải (được tại ngoại) đã lếch thếch theo bố mẹ đến tòa án. Khán phòng trống trải, chỉ có mẹ Hải bần thần nhìn con trai ngồi ngay ngắn ở hàng ghế kê dọc bờ tường dành riêng cho bị cáo.
Cha Hải đi đi lại lại bên ngoài hành lang tòa án. Những hạt mưa bụi hắt lên mái tóc ông một màu trắng xóa. Còn chưa đầy 50 tuổi, mà ông trông già nua, hom hem, bước chân có chút nặng nề, chậm chạp.
Mẹ Hải tâm sự, gia đình bà rất nghèo. Bà ở nhà làm ruộng, lúc nông nhàn lại theo chân chồng đi phụ thợ hồ. Làm lụng cực nhọc vậy, nhưng chỉ đủ cái ăn trong nhà và nuôi hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Rồi chồng bà trong lúc phụ thợ hồ gặp tai nạn, gãy cả chân lẫn tay. Mọi gánh nặng trong gia đình đổ dồn hết lên vai bà. Vậy mà cái khổ vẫn chưa dứt, năm đó bà lại phải nằm viện mổ u nang, khiến nhà càng thêm túng thiếu.
Sau ngày chồng gặp tai nạn, ông không còn đủ sức đạp xe cọc cạch đi phụ thợ hồ. Một mình bà đành xoay sở, cáng đáng hết trong ngoài. Ngày mùa, bà còng lưng trên mấy sào ruộng. Lúc rảnh rỗi lại đạp xe đi khắp nơi phụ thợ hồ, kiếm thêm thu nhập. Thấy mẹ quá vất vả, Hải mới học lớp 8 nhưng xin mẹ nghỉ học đi học nghề, để sớm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Học sửa xe một thời gian, thấy không hợp, cậu bé lại chuyển sang học may. Rồi không ngờ lại theo chúng bạn, để đến nỗi phải vướng vòng lao lí.
Mẹ Hải ốm tong teo, mặt mày xanh xao, vàng vọt. Bà vừa kể chuyện nhà, vừa khóc. Người phụ nữ bảo, bận bịu với việc mưu sinh, nên nhiều khi con ra ngoài chơi với ai bà cũng không thể kiểm soát được. “Có nằm mơ, tui cũng không nghĩ con mình đi ăn trộm”, bà nói.
Cũng như mẹ bị cáo Hải, mẹ bị cáo Tám đến tòa từ rất sớm. Không khóc lóc như người phụ nữ ngồi bên cạnh, vì bà đã có “thâm niên” đến chốn này. Bà liên tục thở dài. Đây là lần thứ 5 con trai bà ra tòa. 4 lần trước, lần nào Tám cũng bị kêu án từ 1 đến 3 năm tù, đều vì tội “trộm cắp tài sản”.
Bà kể mình chỉ có 2 con trai, là một cặp sinh đôi, nhưng cả hai lại trái tính nhau hoàn toàn. Tám ham chơi, trong khi anh trai lại hiền lành, chăm chỉ làm việc. Hồi bà mới sinh con, chồng bỏ đi theo người đàn bà khác. Bà ở vậy, một mình nuôi con cho đến bây giờ. Thấy con lêu lổng, bà khuyên can hết lời nhưng con chẳng nghe, bà cũng đành bất lực.
Bà nói mình thường tỉ tê với con trai, bảo “con không cha, như nhà không nóc”. Cho nên phải sống làm sao cho tử tế, để người đời không gièm pha “vì không có cha nên chẳng thể thành người”, không để thiên hạ nói bà không biết dạy dỗ con cái đàng hoàng. Mỗi lần nghe bà khuyên giải, con trai bà lại lớn tiếng la lối.
Bà đành nín nhịn mà im lặng. Bà thở dài, bảo đúng là mình không dạy nổi con trai. “Hắn lớn rồi, chứ đâu nhỏ dại gì cho cam, mà cứ phạm sai lầm hết lần này đến lần khác. Có khi số ngày ăn cơm tù còn nhiều hơn những lần ăn cơm mẹ nấu”, người mẹ rầu rầu.
Giá 15 triệu, bán… 2 triệu
Tại phiên tòa, các bị cáo lần lượt khai nhận, khoảng 4h chiều ngày 16/5/2016, Tín và Hải đến nhà Thắng chơi. Tại đây, Tín rủ Hải và Thắng cùng đi trộm cắp. Cả hai đồng ý, hẹn nhau tối đến quán internet Tấn Phát để chiếm đoạt tài sản.
5h chiều hôm đó, cả 3 đến quán internet thì gặp Tám đang ngồi chơi game nên rủ đi ăn nhậu và uống cà phê. Ăn nhậu chán chê, đến tận 1h sáng hôm sau, Tín tiếp tục rủ Tám, Hải, Thắng đến quán internet trên để trộm cắp xe máy nhưng Tám không đồng ý tham gia mà bỏ về.
Hải điều khiển xe máy chở Tín và Thắng đến quán internet Tấn Phát để “khoắng” tài sản. Hải đứng ngoài cảnh giới để Tín, Thắng lẻn vào trong quán. Phát hiện thấy chiếc xe máy hiệu Sirius để trong sân quán, Thắng lén lút, bí mật đến dắt xe ra khỏi quán rồi đến một nhà nghỉ cất giấu và ngủ từ rạng sáng cho đến tận 1h chiều. Sau đó Thắng gọi cho Tám báo đã trộm được xe, nhờ Tám đi bán giúp và để trả tiền nhà nghỉ giùm.
Tám cùng cả bọn đi làm chìa khóa, rồi lái xe đến một điểm buôn bán phế liệu để… bán phế liệu. Nhưng vì xe không có giấy tờ, nên chủ phế liệu này không mua. Tám để lại số điện thoại cho chủ phế liệu, nhờ khi nào có người mua thì gọi điện giúp.
Chiều hôm đó, vợ của Thành đến chơi nhà chị chủ phế liệu trên, nghe chị này kể có người bán chiếc xe máy giá rẻ nên rất mừng. Vợ Thành xin số điện thoại của Tám, rồi về nhà kể lại chuyện với chồng. Thành liền gọi điện cho Tám, hẹn mọi người địa điểm gặp mặt để mua xe.
Chiếc xe theo định giá của hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự có giá 15 triệu đồng, nhưng cả bọn bán cho Thành với giá… 2 triệu đồng. Thành biết tài sản do trộm cắp mà có, nhưng vì ham rẻ nên vẫn mua. Sau khi bán xe, Hải đưa cho Tám 500 ngàn trả tiền nhà nghỉ, 1,5 triệu đồng còn lại, cả bọn tiêu xài hết.
Ham của rẻ, trả giá đắt
Do Thắng chưa đủ tuổi nên không bị truy tố, “may mắn” được ngồi bên dưới dự khán.
Tòa hỏi Thắng: “Ai lấy xe”.
Thắng: “Dạ cháu”.
“Ai đi làm chìa khóa xe”.
“Dạ cháu”.
“Ai gọi cho Tám nhờ bán xe giúp?”.
“Dạ cháu”.
Vị chủ tọa lắc đầu: “Còn nhỏ mà “tài” cao, không phải là dạng vừa, có vai trò rất quan trọng trong vụ án. Vì cháu chưa đủ tuổi, nên không thể khởi tố. Nếu không, hôm nay cháu phải đứng cùng những bị cáo kia. Nếu cháu không lo từ bỏ tính xấu đó đi, thì chỉ một vài năm tới, không sớm thì muộn, cháu cũng phải đứng nơi vành móng ngựa kia”.
Tòa nhắc nhở cha Thắng phải về quản lý, giáo dục con thật tốt. Người cha lập cập bảo do nhà nghèo, bận rộn mưu sinh, do không có thời gian… Vì chủ tọa ngắt lời: “Giáo dục con cái, không thể đợi đến lúc có thời gian, không kể giàu nghèo. Ông không lo quan tâm đến con mình, chờ đến lúc con ông ra đứng nơi vành móng ngựa, ông có hối cũng không kịp”.
Được tòa hỏi ý kiến, cha Hải lóng ngóng đứng dậy trả lời, nhưng nói như hụt hơi. Vợ ông đành đứng dậy phân bua, bảo chồng bà đang ốm, cổ họng không tốt, không nói lớn được. Rồi bà vừa khóc vừa kể khổ chuyện nhà.
Tòa: “Con bà chưa có tiền án tiền sự. Bà phải quản lý giáo dục con, con chơi với ai phải biết. Bà để nó chơi với toàn bạn xấu, những người có tiền án tiền sự, hư là phải rồi. Bây giờ nếu để con bà ở nhà, bà giáo dục được không? Hay là đưa vào trại để giáo dục”. Người phụ nữ run giọng, bảo nhất định sẽ tự mình giáo dục được con.
Trong 4 bị cáo, chỉ có bị cáo Thành có công việc ổn định, hoàn cảnh đàng hoàng, nhưng lại vướng tù tội vì ham của rẻ. Biết đồ ăn trộm nhưng Thành vẫn mua. “Xe 15 triệu, bị cáo mua 2 triệu. Giờ bị cáo so sánh, 2 triệu so với việc hôm nay bị cáo đứng đây như thế nào?”.
Vị hội thẩm nhắc nhở Thành, hành vi của bị cáo là tiếp tay cho tội phạm. Nếu không có những người như Thành tiêu thụ tài sản trộm cắp, thì sẽ không có những kẻ cắp, bởi đi ăn trộm về bán cho ai? “Ham của rẻ, ham cái lợi trước mắt, để phải trả giá đắt. Bị cáo thấy có đáng không?”. Bị cáo Thành nói mình đã hối hận rồi, một lần sẽ “tởn” tới già.
Tại phiên tòa, khi HĐXX hỏi, bị cáo Tín cứ khóc thút thít, khiến HĐXX phải nhắc: “Bị cáo nín đi. Bị cáo thấy mình oan ức hay sao mà khóc. Đây đâu phải là lần đầu tiên bị cáo đứng trước vành móng ngựa, khóc cái gì?”. Có người dự khán xì xào, bảo đã mấy lần dự tòa, đều gặp Tín, lần nào cũng khóc lóc, nhưng lần ăn trộm sau còn bạo hơn cả lần trước.
Do Tín là người rủ rê, khởi xướng và trực tiếp tham gia chiếm đoạt tài sản nên phải chịu trách nhiệm chính. Hải tham gia với vai trò đồng phạm giúp sức.Tín có nhân thân xấu nên nhận mức án 8 tháng tù về tội trộm cắp.
Hải có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự nên nhận 6 tháng tù về tội trộm cắp nhưng cho hưởng án treo. Tám và Thành biết rõ xe máy là tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn thực hiện hành vi mua bán, nên phạm tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Tám có nhân thân xấu, nên bị phạt 9 tháng tù giam. Thành bị phạt 5 triệu đồng.