Tên tội phạm cộm cán
Thượng tá Lê Khắc Sơn (giờ là phó phòng Cảnh sát Hình sự Hà Nội) là con thứ 2 trong một gia đình có 5 anh em ở miền quê Đông Hưng, Thái Bình. Anh lớn lên và được nuôi dưỡng bằng những câu chuyện “đánh án” đầy tính khốc liệt, hiểm nguy, nhưng cũng không kém phần ly kỳ của người anh trai cả.
Kỷ niệm về “đánh án” Thượng tá Sơn kể nhiều ngày không hết nhưng những lần trực tiếp “vào hang bắt cọp” luôn để lại cho anh những kinh nghiệm để đời, đó là những phút giây nghẹt thở mà nếu không mưu trí hoặc chỉ thiếu một chút bản lĩnh, anh có thể trả giá bằng mạng sống của chính mình và đồng đội. Lần tham gia chuyên án bắt đối tượng Đức “Cổ Lễ” là một lần như thế.
Thượng tá Sơn kể: “Đức “Cổ Lễ” tên đầy đủ là Nguyễn Văn Đức, 33 tuổi, trú tại xã Bình Minh (Nam Trực, Nam Định). Cái biệt hiệu “Cổ Lễ” gắn với địa danh nơi gã sinh ra. Gia đình của Đức rất cơ bản, bố mẹ là cán bộ Nhà nước, gã cũng được bố mẹ nuôi ăn học tử tế. Nhưng bản tính nóng nảy, ngang tàng, chỉ học hết lớp 12 là Đức nghỉ.
Năm 2006, Đức đã gây ra một vụ cố ý gây thương tích bằng súng quân dụng trên địa bàn tỉnh Thái Bình, nhưng không hiểu bằng cách nào hắn có được giấy chứng nhận tâm thần nên được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Sau đó, gã lang bạt lên Hà Nội, xăm trổ đầy người và nhập dần vào giới giang hồ với những vụ cho vay nặng lãi, đâm chém nhau.
Tháng 8/2007, do anh Nguyễn Trọng Tuấn, ở Ba Đình (Hà Nội), vay tiền Đức chưa trả, Đức “Cổ Lễ” rủ 2 đối tượng đi “xử”. Khi gặp anh Tuấn, hai đối tượng kia lập tức dùng dao chém anh Tuấn. Nạn nhân bỏ chạy sang đường thì Đức dùng xe máy lao theo, đâm anh Tuấn ngã ra đường. Thấy nạn nhân gục xuống, Đức cúi xuống đe: “Hôm nay chém cảnh cáo, lần sau thì tao chém chết”.
Sau vụ việc đó, Đức bỏ lại vợ con ở Hà Nội, trốn vào Nam. Đến ngày 2/1/2009, gã mò ra Hà Nội, đến vũ trường chơi thì bị bắt theo lệnh truy nã, sau đó, bị xử phạt năm tù giam. Năm 2011, Đức ra tù nhưng gã không bỏ nghiệp giang hồ, nhập vào một băng nhóm chuyên hoạt động bảo kê các quán hàng rồi đòi nợ thuê, đâm thuê, chém mướn tại TP.Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, nếu có “hợp đồng” ở các tỉnh phía Bắc thì chúng cũng “đáp” máy bay ra ngay để thực hiện. Ngoài các hung khí như dao, kiếm, Đức lúc nào cũng có súng trong người. Ngày 5/6/2014, hắn gây ra một vụ dằn mặt chấn động giới giang hồ Sài thành. Phía bên kia là nhóm của Phạm Đức Thuận (tức Thuận “adam”).
Đối tượng Đức "Cổ Lễ" sa lưới pháp luật |
Lật tẩy “bùa điên” che tội ác
Sau khi gây án, Đức trốn ra Hà Nội. Nhận được thông báo của Tổng Cục Cảnh sát và đề nghị phối hợp của Công an TP Hồ Chí Minh, cán bộ chiến sĩ lực lượng đặc nhiệm Công an Hình sự Hà Nội lập tức vào cuộc”.
Thượng tá Lê Khắc Sơn (khi đó mang quân hàm Trung tá) lập một tổ công tác đặc biệt gồm 10 đồng chí liên tục theo dõi chặt chẽ mọi di biến động của đối tượng.
Do có những mâu thuẫn gay gắt với đối tượng Thuận “Adam” nên Đức từng tuyên bố khi ra Hà Nội sẽ tìm đến gia đình bố mẹ Thuận ở Quốc Oai và ở Thanh Lương (Hai Bà Trưng) để “xử”. Do đó mà anh em Đội Đặc nhiệm cũng phải cử 2 tổ liên tục mật phục tại hai địa điểm trên, bảo vệ gia đình Thuận “Adam” đồng thời sẵn sàng tóm gọn đối tượng nếu hắn xuất hiện.
Ngày 30/9/2014, nhận được nguồn tin báo Đức “Cổ Lễ” có thể sẽ đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô thăm người ốm, tổ công tác Đội đặc nhiệm do Thượng tá Sơn trực tiếp chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch và triển khai lực lượng bắt giữ đối tượng.
Anh Sơn nhận định đối tượng hết sức ngông cuồng, lại có vũ khí, nếu chỉ một chút sơ sảy là có thể nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí còn ảnh hưởng đến cả đồng đội của mình. Trong cuộc chiến sinh tử như thế này, không được phép sai sót. Mọi chi tiết dù là nhỏ nhất đều được lên phương án kỹ càng, chính xác.
Đến hồi 17h30’ cùng ngày, khi Đức “Cổ Lễ” vừa dừng xe trước cổng Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, Thượng tá Sơn cùng các trinh sát trong vai xe ôm và bảo vệ của bệnh viện đã lập tức ập tới quật ngã đối tượng. Tuy rất bất ngờ, song Đức vẫn cố giãy giụa và định rút súng chống cự.
Trong giây phút ấy, bằng một vài động tác võ thuật điệu nghệ, tổ công tác đã “trói” chặt tay đối tượng. Khám người Đức có tổng cộng 2 khẩu súng gồm 1 khẩu súng K59, 1 khẩu súng K54 và 14 viên đạn (cả 2 khẩu đạn đều đã lên nòng).
Trong quá trình bắt giữ và tra hỏi, đối tượng Đức luôn giả vờ thần kinh không ổn định để gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Nhưng trước sự đấu tranh quyết liệt và “bóc mẽ” bản chất cáo già của y, Thượng tá Sơn và cán bộ chiến sĩ đã buộc đối tượng phải khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.