Xem thường tính mạng bệnh nhân?
Theo trình bày của nguyên đơn, từ ngày 22/2 đến 2/3/2011, mẹ ông là bà Nguyễn Thị Cận (SN 1935, đã mất) bị ngã gãy xương đùi trái, được đưa đến Bệnh viện FV điều trị. Tuy xương đùi bệnh nhân tiến triển tốt nhưng tình trạng suy thận mạn tính ngày càng xấu, sức khỏe suy yếu.
Trước đó bệnh nhân bị suy thận mạn tính phải chạy thận định kỳ. Từ ngày 2 đến 10/3, bệnh nhân được chuyển vào bệnh viện Chợ Rẫy điều trị tiếp nhưng bệnh tình vẫn xấu đi nên gia đình xin chuyển đến Viện Tim TP.HCM. Ngày 20/3/2011, bệnh nhân tử vong do sốc nhiễm trùng phổi.
Ông Vui kiện bệnh viện FV đòi bồi thường 1000 đồng. |
Ông Vui cho rằng nguyên nhân khiến mẹ qua đời là do Bệnh viện FV chạy thận không hiệu quả, thiếu kinh nghiệm trong điều trị dẫn đến quá tải dịch, tràn dịch màng phổi, biến chứng gây nhiễm trùng phổi.
Ngay sau đó gia đình gửi đơn khiếu nại lên ban giám đốc bệnh viện này nhưng không được giải quyết. Vụ việc được chuyển đến Sở Y tế. Hội đồng khoa học của Sở kết luận: “Bệnh viện FV có thiếu sót trong quá trình điều trị do các bác sĩ điều trị thiếu kinh nghiệm trong việc đánh giá và điều trị người bệnh (sau phẫu thuật) có bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối đang chạy thận nhân tạo định kỳ”.
Điều khiến ông Vui bức xúc là tại các buổi làm việc, bệnh viện cho rằng không có lỗi, tìm cách chối bỏ trách nhiệm: “Họ thậm chí còn thách thức “muốn kiện thì kiện””.
Ông Vui gửi đơn khởi kiện ra tòa án quận 7. Cuối tháng 4/2012, toà thông báo thụ lý vụ án dân sự đòi bồi thường thiệt hại. Tại phiên hoà giải, nguyên đơn yêu cầu bồi thường 140 triệu tiền viện phí và tổn thất tinh thần.
“Số tiền điều trị trên thực tế cao gấp nhiều lần. Chúng tôi chỉ liệt kê những khoản còn giữ hóa đơn. Mục đích không phải kiện đòi tiền bồi thường mà đòi danh dự, đề nghị FV phải xem trọng tính mạng bệnh nhân”, ông Vui nói.
Đại diện bị đơn lập luận rằng nguyên đơn không chứng minh được bệnh nhân chết là kết quả tất yếu của việc điều trị tại bệnh viện FV. Hồ sơ bệnh án của bệnh nhân tại bệnh viện rõ ràng, tại thời điểm xuất viện thì tình trạng bệnh nhân ổn định, không có nguy cơ tử vong. Vì vậy bệnh viện không chấp nhận bồi thường.
Ba ngày sau, bất ngờ FV có thư xin lỗi: “Chúng tôi xin lỗi ông và gia đình về những sơ sót đã xảy ra trong quá trình điều trị của mẹ ông tại bệnh viện. Sau sự việc này, chúng tôi đã tiến hành một số hành động cải thiện về chuyên môn cũng như hành chính để cung cấp dịch vụ tốt hơn. Bệnh viện đã quyết định chia sẻ tiền viện phí điều trị với gia đình…”.
Hòa giải không thành, vụ kiện vẫn chưa được đưa ra xét xử. Đến đầu năm 2015, ông Vui có đơn chỉ yêu cầu bồi thường đúng 1000 đồng, số tiền không đủ mua cốc trà đá.
“Tôi không muốn mất thời gian nữa, rút yêu cầu bồi thường xuống 1000 đồng để FV hết lí do kéo dài vụ việc. Thái độ xem thường tính mạng bệnh nhân của bệnh viện FV khiến gia đình không thể chấp nhận được. Nếu bệnh viện thẳng thắn nhận sai và xin lỗi, chúng tôi sẽ bỏ qua”, nguyên đơn nói.
Nhiều năm giám định vẫn chưa có kết quả
Trước đó, để chứng minh FV thiếu trách nhiệm điều trị gây nên cái chết của người mẹ, gia đình ông Vui có đơn yêu cầu toà án trưng cầu Trung tâm pháp y TP.HCM (thuộc Sở Y tế) giám định xác định nguyên nhân tử vong của bệnh nhân.
Trung tâm này sau đó kết luận: “Bà Cận chết do suy thận mãn giai đoạn cuối đang được chạy thận định kỳ, sau cuộc phẫu thuật kết hợp xương đùi gãy nhưng bệnh viện FV đã đánh giá và điều trị chưa phù hợp trong việc chạy thận nhân tạo”.
Tiếp đó, Hội đồng chuyên môn Sở Y tế cũng kết luận FV thiếu sót trong quá trình điều trị. Tuy nhiên hai kết luận trên không được bệnh viện FV chấp nhận, đồng thời yêu cầu trưng cầu giám định lại tại Viện pháp y Quốc gia (Bộ Y tế).
Thư xin lỗi của bệnh viện FV |
Ngày 9/10/2014, Viện pháp y Quốc gia có văn bản kết luận: “Bệnh viện FV có thiếu sót trong quá trình điều trị do bác sĩ điều trị thiếu kinh nghiệm trong việc đánh giá và điều trị người bệnh có bệnh thân mạn tính giai đoạn cuối đang chạy thận nhân tạo” và bệnh nhân tử vong do suy đa tạng sau phẫu thuật kết hợp xương đùi trái trên bệnh nhân suy thận mạn tính giai đoạn cuối.
Viện pháp y quốc gia đánh giá việc điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện Chợ Rẫy và Viện Tim TP.HCM là tích cực. Còn điều trị tại bệnh viện FV “Việc phẫu thuật kết hợp xương đùi trái thể hiện thái độ tích cực nhưng không tiên lượng được hết khả năng diễn biến của bệnh. Sau mổ, do bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ, vượt quá khả năng điều trị nên dẫn đến các biến chứng nặng dần”.
Nguyên nhân bệnh nhân tử vong, theo bản kết luận, do suy đa tạng sau phẫu thuật, kết hợp xương đùi trái trên suy thận mạn tính giai đoạn cuối.
Thêm lần nữa, FV cho rằng Viện pháp y đã “không trả lời vào trọng tâm các yêu cầu mà bệnh viện và toà quận 7 đề nghị”, gồm: Việc điều trị tại bệnh viện FV có liên quan đến cái chết của bệnh nhân hay không? Nếu có thì mức độ liên quan thế nào và trách nhiệm ra sao?
Bệnh viện này yêu cầu giám định lại lần hai do Hội đồng giám định pháp y được Bộ Y tế thành lập. Phía toà án quận 7 có công văn đề nghị Viện pháp y Quốc gia giải thích rõ nghĩa nội dung “không tiên lượng hết khả năng diễn biến của bệnh” và “Sau mổ do bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ, vượt quá khả năng điều trị dẫn đến các biến chứng nặng dần” trong bản kết luận có phải là bệnh viện FV góp phần gây nên cái chết của bà Cận hay không?
Viện pháp y có công văn phúc đáp nêu rõ quan điểm: Trường hợp bà Cận tử vong không được khám nghiệm tử thi, việc giám định chỉ dựa trên hồ sơ nên không thể trả lời hết yêu cầu toà án đưa ra.
Viện đã nêu rõ đánh giá quá trình điều trị tại từng bệnh viện cũng như phân tích bệnh án. Viện chỉ kết luận về chuyên môn, không kết luận về trách nhiệm (lỗi hay không lỗi).
Trả lời báo chí, đại diện bệnh viện FV cho rằng hiện vẫn đang khiếu nại kết quả giám định của Viện pháp y Quốc gia, chờ giám định lại nên chưa thể kết luận vụ việc.
Còn ông Vui thì nhận định đây là cách bệnh viện FV kéo dài sự việc, tìm cách chối bỏ trách nhiệm. Phía tòa án quận 7 cho biết ngay khi nhận kết quả giám định của Hội đồng chuyên môn Bộ y tế, tòa sẽ đưa vụ án ra xét xử./.