900 triệu USD là con số riêng để làm khối tháp, còn tổng mức đầu tư cả dự án này khái toán lên tới 1,3 - 1,5 tỷ USD.
VTV tham gia kinh doanh bất động sản
Cụ thể, địa điểm VTV đề xuất tại vị trí khu vực trung tâm Khu đô thị mới Tây Hồ Tây, thuộc ranh giới phường Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội với tổng diện tích khoảng 14,1ha. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là công trình tháp biểu tượng cao nhất thế giới, “vượt mặt” tòa tháp Tokyo Skytree của Nhật Bản hiện cao 634m.
Dự án bao gồm khối tháp (cao 636m) và khối đế tháp, ngoài ra có khối phụ trợ bao gồm cả các chung cư, văn phòng, khách sạn, khu dịch vụ, vui chơi giải trí và tổ chức sự kiện.
Được biết, hiện nay VTV, SCIC và BRG đã đề nghị tư vấn là Nikken Sekkei Ltd (Nhật Bản) xây dựng Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi với 2 phương án đầu tư để chủ đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành phê duyệt.
Trong đó, phương án 2 tập trung tối đa việc bố trí các khối chung cư cao cấp tại khối phụ trợ của dự án để gia tăng hiệu quả đầu tư dự án.
Mật độ xây dựng theo phương án này lên tới 40 - 50%, cao hơn khá nhiều so với phương án 1 (35-40%), với 600.000m2 chung cư cao cấp so với 300.000m2 theo phương án 1, cho nên hệ số sử dụng đất cũng cao gần gấp đôi (6,6 lần so với 3,76 lần).
Kinh phí đầu tư khổng lồ này về phía VTV được nói là từ nguồn vốn huy động, vốn cổ phần hóa các doanh nghiệp của VTV; về phía SCIC là từ nguồn vốn kinh doanh theo quy định tại Nghị định 151/2013/NĐ-CP (từ quỹ đầu tư phát triển của SCIC, số dư hiện tại khoảng 11.000 tỷ đồng); về phía BRG là từ nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp.
Hiện nay chủ đầu tư đã tiếp xúc với một số ngân hàng trong và ngoài nước (SCIC đã tiếp xúc với Ngân hàng Mizuho Nhật Bản về việc cho vay vốn tín dụng cho dự án với nguồn vốn vay USD ưu đãi).
Ngoài ra, chủ đầu tư đề xuất Thủ tướng xem xét chấp thuận cơ chế đầu tư: sau khi quy hoạch được phê duyệt, cho phép chủ đầu tư chuyển nhượng thứ cấp các công trình phụ trợ để có nguồn vốn bổ sung bên ngoài, giúp chủ đầu tư tập trung nguồn lực cho hạng mục chính là khối tháp.
Xin ưu đãi tối đa, miễn 100% tiền sử dụng đất
Tham vọng xây tòa tháp lập kỷ lục cao nhất thế giới nhưng mới đây, VTV đã có công văn xin Thủ tướng Chính phủ hàng loạt ưu đãi vốn chỉ áp dụng cho các dự án đầu tư vào những vùng đặc biệt khó khăn.
Đáng chú ý như xin cho dự án được miễn hoàn trả chi phí đầu tư hệ thống hạ tầng ban đầu, hạ tầng chung; xin áp dụng cơ chế ưu đãi theo hình thức giao đất, miễn 100% tiền sử dụng đất, thuế đất và miễn chi phí giải phóng mặt bằng phải hoàn trả lại Nhà nước.
VTV còn đề xuất áp dụng cơ chế ưu đãi cao nhất gồm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu tiên, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo, các năm còn lại áp dụng thuế suất 10%. Miễn thuế nhập khẩu cho các vật tư, máy móc, thiết bị, vật liệu, linh kiện… nhập khẩu phục vụ xây lắp chế tạo khối tháp…
Về tiến độ, hồi cuối năm ngoái, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho Công ty Cổ phần Tháp truyền hình Việt Nam, chủ đầu tư dự án. Dự kiến trong quý I năm nay, chủ đầu tư sẽ thực hiện công tác chỉ định thầu và ký hợp đồng tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; quý III tư vấn hoàn thành báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét; quý IV chủ đầu tư phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và chuyển sang giai đoạn nghiên cứu khả thi dự án.
Đề xuất ưu đãi như vùng… đặc biệt khó khăn
“VTV đã xin cho Dự án Tháp truyền hình được miễn hoàn trả chi phí đầu tư hệ thống hạ tầng ban đầu, hạ tầng chung; xin áp dụng cơ chế ưu đãi theo hình thức giao đất, miễn 100% tiền sử dụng đất, thuế đất và miễn chi phí giải phóng mặt bằng phải hoàn trả lại Nhà nước... ngoài ra còn đề xuất miễn, giảm một số loại thuế khi thực hiện dự án này”.