Vòng tranh luận tổng thống Pháp đầu tiên: Ứng viên Le Pen vấp chỉ trích

5 ứng viên tại cuộc tranh luận
5 ứng viên tại cuộc tranh luận
(PLO) - Đề xuất rút Pháp khỏi khối đồng tiền chung châu Âu và lập trường cứng rắn đối với người Hồi giáo của ứng viên Tổng thống Pháp Marine Le Pen trở thành đề tài chỉ trích mạnh mẽ của các ứng viên khác trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa các ứng viên Tổng thống Pháp diễn ra tối 20/3.

Theo AFP, cuộc bầu cử Tổng thống tới đây của Pháp đang dần trở thành cuộc bầu cử khó đoán định nhất ở nước này trong nhiều thập kỷ trở lại đây, khi lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) Le Pen và ứng viên trung dung Emmanuel Macron đuổi bám nhau sát nút trong các cuộc thăm dò dư luận về vòng bỏ phiếu đầu tiên trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sẽ diễn ra vào ngày 5/4 tới.

Với việc các thăm dò cho thấy ông Macron, 39 tuổi, có thể dễ dàng đánh bại bà Le Pen, 48 tuổi tại cuộc bỏ phiếu có tính chất quyết định diễn ra vào ngày 7/5, ông này được kỳ vọng sẽ chiếm được diễn đàn tại cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình đầu tiên giữa 5 ứng viên diễn ra tối 20/3.

Tuy nhiên, trên thực tế, bà Le Pen – người có quan điểm phản đối di cư – mới trở thành tâm điểm của cuộc tranh luận khi bà liên tục bị đẩy vào thế phòng thủ khi ông Macron, ứng viên bảo thủ Francois Fillon, đại diện Đảng Xã hội Benoit Hamon và ứng viên cựu tả Jean-Luc Melenchon đồng loạt lên tiếng chỉ trích những đề xuất chính sách của bà. 

Ông Fillon, 63 tuổi, từng được xem là ứng viên tiềm năng nhất cho cương vị tổng thống tiếp theo của Pháp trước khi bị kéo vào một loạt các vụ bê bối, nói rằng đề xuất bỏ đồng euro và trở lại dùng đồng france của Pháp của bà Le Pen sẽ gây hỗn loạn về tài chính và xã hội.

“Bà không thể rời khỏi khu vực đồng euro và sự bảo vệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu chỉ để đổi lấy một cuộc phiêu lưu sẽ hủy hoại không chỉ những người đi vay mà cả những người gửi tiền tiết kiệm” – ông Fillon, cựu Thủ tướng Pháp, người tự miêu tả mình là người có nhiều kinh nghiệm nhất để có thể đảm đương chức vụ Tổng thống Pháp, tức giận nói.

Đáp lại, bà Le Pen – người lấy cảm hứng từ chiến thắng của ông Donald Trump tại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua và quyết định rời khỏi EU của Anh – cáo buộc ông Fillon gây hoang mang dư luận.

“Cái đó gọi là Dự án Sợ hãi, ông Fillon. Cái đó cũng đã được sử dụng trước Brexit” - bà Le Pen, người từng tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU của Pháp, đáp trả. Vạch ra tầm nhìn về một nước Pháp bảo vệ các lợi ích của mình mà “không bị giảng dạy bởi một cơ quan siêu quốc gia”, bà Le Pen cáo buộc nước Đức sai khiến các nước còn lại của châu Âu, đồng thời tuyên bố bà “không muốn trở thành cấp phó của bà Merkel”. 

Trong khi đó, cựu bộ trưởng kinh tế Pháp Macron – người ủng hộ châu Âu mạnh mẽ nhất trong số các ứng viên – cho rằng những người nói Brexit sẽ rất tốt “đều đã bỏ trốn hết”. Ông Macron cũng tranh cãi gay gắt với bà Le Pen về bộ áo tắm toàn thân của người Hồi giáo. Bộ áo tắm được gọi là burkini là trung tâm của cuộc tranh cãi tại Pháp hồi mùa hè năm ngoái sau khi một số thị trấn ven biển cấm trang phục này.

Bà Le Pen cho rằng bộ burkini là tín hiệu cho thấy sự gia tăng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở nước Pháp và cáo buộc ông Macron ủng hộ bộ áo tắm đó. “Burkini là một vấn đề trật tự xã hội. Đừng sử dụng nó để chia rẽ nước Pháp” – ông Macron nói và cáo buộc bà Le Pen chuyển hơn 4 triệu người Pháp theo đạo Hồi thành kẻ thù của nền Cộng hòa. 

Tổng cộng 11 ứng viên đang tham gia cuộc chạy đua vào chức Tổng thống Pháp, nhưng 6 ứng viên nhận được ít phiếu hơn trong các cuộc thăm dò không tham gia cuộc tranh luận hôm 20/3. Theo các cuộc thăm dò trước bầu cử, hàng triệu cử tri Pháp hiện vẫn chưa quyết định về lá phiếu của họ. 

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.