Bầu cử Tổng thống Pháp: Hai ứng cử viên đối mặt với Tòa án

(PLO) - Bà Marine Le Pen, ứng cử viên Tổng thống Pháp thuộc đảng cực hữu "Mặt trận Quốc gia" (FN), ngày 3/3 đã từ chối đến buổi thẩm vấn của các thẩm phán trong khuôn khổ cuộc điều tra cáo buộc bà lạm dụng công quỹ của Liên minh châu Âu (EU) để trả lương cho các trợ lý của bà. Về phần mình, cựu Thủ tướng Francois Fillon- một ứng cử viên khác – cũng bị cảnh sát đột kích nhà riêng…

Trong một bức thư gửi tới các thẩm phán, bà Le Pen khẳng định bà có quyền miễn trừ với tư cách thành viên Nghị viện châu Âu, và bà sẽ chỉ chấp nhận trả lời chất vấn liên quan tới cáo buộc trên sau khi kết thúc cuộc bầu cử Tổng thống Pháp dự kiến diễn ra hai vòng vào ngày 23/4 và 7/5 tới. 

Cáo buộc “lạm dụng lòng tin”

Từ hồi tháng 12/2016, các công tố viên Pháp đã mở cuộc điều tra bà Le Pen về các cáo buộc lạm dụng lòng tin, gian lận có tổ chức và giả mạo về công việc, sau khi Uỷ ban chống gian lận châu Âu cáo buộc bà này đã lạm dụng công quỹ của Nghị viện châu Âu (EP) để trả lương cho các trợ lý khoản tiền tổng cộng 298.500 euro từ tháng 12/2010 đến tháng 2/2016.

Chủ tịch đảng FN tại Pháp, bà Le Pen
Chủ tịch đảng FN tại Pháp, bà Le Pen

Trên thực tế các trợ lý của bà Le Pen chỉ làm các công việc nội bộ của đảng FN, thay vì đảm nhiệm những nhiệm vụ trợ lý nghị sĩ châu Âu. Ngoài ra, bà Le Pen cũng bị cáo buộc lạm dụng công quỹ EP để trả lương cho vệ sĩ riêng khoản tiền 41.554 euro từ tháng 10-12/2011. Bất chấp giấy triệu tập, trước đó bà Le Pen cũng đã kiên quyết từ chối gặp cảnh sát điều tra. 

Giữ cương vị Chủ tịch đảng FN tại Pháp, bà Le Pen hiện là một trong những ứng cử viên hàng đầu tranh cử Tổng thống Pháp 2017 và cũng là người có tư tưởng chống hội nhập EU. Theo các tổ chức thăm dò dư luận, bà Le Pen có khả năng dẫn đầu trong cuộc bầu cử vòng 1, nhưng sẽ thua trong vòng 2.

“Mất sạch”

Chưa nói đến cuộc bầu cử Tổng thống trong phạm vi nước Pháp, ở tầm mức khu vực, bà Le Pen đang rơi vào cảnh “mất sạch”.

Theo đó ngày 2/3, Nghị viện châu Âu (EP) đã tước quyền miễn trừ truy tố đối với bà Le Pen vì hành vi chia sẻ các hình ảnh bạo lực của tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng trên mạng xã hội Twitter. Quyền Chủ tịch EP Dimitrios Papadimoulis cho biết đa số các nghị sĩ EP đã đồng ý tước quyền miễn trừ truy tố đối với bà Le Pen.

Hồi tháng 12/2015, bà Le Pen đã đăng tải một loạt hình ảnh trên mạng Twitter, trong đó có một bức ảnh chụp IS hành quyết nhà báo Mỹ James Foley. Quyết định trên của EP sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc điều tra này do trước đó bà Le Pen đã viện lý do được quyền miễn trừ với tư cách là thành viên Nghị viện châu Âu để từ chối gặp cảnh sát điều tra mặc dù có giấy triệu tập.

Trước đó, ngày 28/2, Ủy ban pháp lý của Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu ủng hộ tước tư cách thành viên EP của ứng cử viên tranh cử Tổng thống Pháp Marine Le Pen theo yêu cầu của các công tố viên Pháp. Bà có thể phải đối mặt với mức án 3 năm tù và khoản tiền phạt 75.000 euro. 

Phản ứng trước các động thái trên, bà Le Pen đã lên tiếng chỉ trích Liên minh châu Âu (EU) và EP,  cho rằng các hệ thống châu Âu này muốn ngăn chặn nỗ lực chạy đua vào Điện Elysée của bà trong các cuộc bầu cử vào tháng 4 và tháng 5 tới. Bà Le Pen bác bỏ tất cả các cáo buộc và cho rằng đó là một "âm mưu chính trị". Bà khẳng định sẽ không đến bất kỳ cơ quan điều tra nào trong giai đoạn vận động tranh cử và trước khi diễn ra cuộc bầu cử sắp tới.

Cảnh sát đột kích nhà riêng

Một ứng cử viên Tổng thống Pháp cũng rơi vào cảnh tương tự là cựu Thủ tướng Francois Fillon, thuộc đảng Những người Cộng hòa (LR). Ngày 2/3, cảnh sát Pháp đột kích nhà riêng của cựu Thủ tướng Francois Fillon để điều tra về cáo buộc vợ và con trai ông "làm giả lĩnh lương thật" trong thời gian ông làm nghị sĩ. 

Cựu Thủ tướng Francois Fillon
Cựu Thủ tướng Francois Fillon

Theo đó, nhà riêng của ông Fillon tại khu trung tâm Paris đã bị cảnh sát “viếng thăm” "trong vài giờ" khi ông Fillon đang tới thăm khu trồng nho trong chiến dịch vận động tranh cử ở miền Nam nước Pháp.

Đây là cuộc đột kích thứ 2 của cảnh sát Pháp, sau cuộc đột kích phòng làm việc của ông Fillon tại Nghị viện Pháp hồi tháng trước, nhằm điều tra về các cáo buộc liên quan đến bê bối tài chính của ứng cử viên cánh hữu này. Trong một tuyên bố ngày 1/3, ông Fillon cho biết ông đã nhận được thông báo triệu tập đến tòa án vào ngày 15/3 tới do bị cáo buộc đã chi trả cho vợ và con trai ông số tiền lên đến hàng trăm nghìn euro cho các công việc "không tồn tại" trong Quốc hội.

Song, ông Fillon cho rằng bản thân bị đối xử bất bình đẳng và là nạn nhân của một cuộc "ám sát chính trị", đồng thời ông khẳng định sẽ không rút khỏi cuộc đua vào Điện Elysée. Vụ việc đang khiến uy tín của ứng cử viên Fillon cũng như đảng LR giảm mạnh trong thời gian qua. Cựu thủ tướng Dominique de Villepin cũng lên tiếng chỉ trích ông Fillon đang đẩy đảng LR đến "bên bờ vực thẳm" khi cố tiếp tục chạy đua vào Điện Elysée. 

Đặc biệt, ông Francois Fillon mới lại gặp thêm một bất lợi nữa khi người quản lý chiến dịch tranh cử của ông đã tuyên bố từ chức, quyết định từ chức chính thức có hiệu lực từ tối 5/3. Thông tin này được biết đến khi tờ Journal du Dimanche đăng tải bức thư từ chức của ông Stefanini với hai lý do chính.

Lý do đầu tiên là ông Stefanini khuyên ông Fillon ngừng chiến dịch tranh cử do bị điều tra về tài chính, nhưng ông Fillon vẫn quyết định tiếp tục cuộc đua vào Điện Elysée. Điều này khiến ông Stefanini cảm thấy ông 'không còn thích hợp để chỉ huy chiến dịch tranh cử" của ông Fillon. Lý do còn lại, ông Stefanini cho rằng ông Fillon có khả năng bị loại ngay từ vòng đầu. Được biết, cho đến thời điểm này, rất nhiều thành viên quan trọng đã rời khỏi đội ngũ tranh cử của ông Fillon.

Người phát ngôn của ông Fillon là Thierry Solère cũng đã từ chức ngày 3/3, tiếp theo sự rút lui của khoảng 60 nhân vật cùng phe cánh hữu.  Áp lực càng mạnh hơn với lời kêu gọi ủng hộ ông Alain Juppé, người bị thua trong vòng hai bầu sơ bộ, ra tranh cử thay ông Fillon. Giới thân cận trong nội bộ đảng "Những người Cộng hòa” (LR) cho biết ông Juppé sẵn sàng ra tranh cử nhưng với hai điều kiện là Fillon từ bỏ cuộc và ông phải được toàn đảng LR ủng hộ. 

Theo kết quả thăm dò dư luận ngày 3/3, nếu ra thay thế ông Fillon, ông Alain Juppé sẽ về nhất với tỷ lệ 26,5% số phiếu ủng hộ tại vòng một cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Ứng cử viên trung dung Emmanuel Macron sẽ về đích thứ hai với 25% số phiếu ủng hộ. Đại diện cho phe cực hữu bài châu Âu Marine Le Pen rơi xuống vị trí thứ ba với 24% số phiếu ủng hộ.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.