Xã hội không nên lên án người thứ ba
Theo bài “Những con số gây sốc về chuyện ngoại tình” trên một tờ báo, có đến 60% đàn ông và 40% phụ nữ ở Việt Nam ngoại tình ít nhất một lần. Nhiều người hẳn biết câu “ông nào không ngoại tình chẳng qua là vì chưa có cơ hội”. Tỷ lệ ngoại tình cao như vậy phản ánh một nhu cầu phổ biến chứ không phải những hiện tượng cá biệt nữa. Có nghĩa là ngoại tình đã trở thành một chuẩn mực của xã hội Việt nam. Những người lên án chẳng qua không hiểu rằng chuẩn mực của xã hội Việt nam chính là ngoại tình.
Không, tôi không có ý khuyến khích mọi người ngoại tình bởi dù sao điều đó cũng gây đau khổ cho người khác. Nhưng nếu ngoại tình là nhu cầu thì nhiều khi không thể tránh được. Mà không thể tránh được, bắt buộc nó phải diễn ra như thế, thì lên án có ích gì đâu. Để giải quyết vấn đề này thì phải tìm hiểu tại sao xã hội Việt nam lại sinh ra cái nhu cầu oái ăm thế và cải tổ chứ không phải là lên án những người có liên quan. Những điều này sẽ bàn ở phần sau.
Còn một lý do nữa, xã hội không nên lên án bởi “nằm trong chăn mới biết chăn có rận”. Chỉ những người trong cuộc mới biết cái gì thực sự diễn ra trong gia đình ấy.
Có thể một trong hai người đó lừa cưới được người kia, hoặc hôn nhân của họ bị ép buộc chứ không phải vì tình yêu.
Có thể gia đình đó đang đến hồi tan vỡ. Có thể vợ chồng đó đã quá chán nhau nhưng vì người kia níu kéo quyết liệt hoặc vì con cái khiến họ không bỏ được nhau.
Đấy là chưa kể đôi khi người thứ ba là chất xúc tác khiến cho hạnh phúc quay trở lại với gia đình đó: chẳng hạn cô vợ quá mải mê làm ăn, sau vụ chồng ngoại tình mới sực tỉnh quay trở lại chăm chút gia đình, hoặc chính nhờ ngoại tình mà anh chồng/chị vợ đi ngoại tình thăng hoa hơn, có trách nhiệm đối với gia đình hơn, nếu không có người thứ ba thì có thể cái gia đình đó sẽ giải tán.
Cộng đồng không nên lên án người thứ ba, bởi cộng đồng không biết rõ chuyện gì đang thực sự xảy ra giữa họ. Thậm chí những người bạn thân, họ hàng thân quyến của cặp đôi đó cũng không thể lên án bởi họ không nằm dưới gầm giường nhà đó để biết chuyện gì đang xảy ra. Họ không chui vào đầu cặp đôi đó để biết hai người đó nghĩ gì, có thật sự yêu nhau không.
Tất cả mọi người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc. Số người đẹp trai, tài giỏi, thành đạt trong xã hội luôn luôn là số nhỏ. Nhiều phụ nữ chỉ yêu những người đó mà không cảm thấy hạnh phúc với những người bất tài, nghèo khổ, bệnh tật thì cũng là điều dễ hiểu.
Tổng hạnh phúc của xã hội là tổng hạnh phúc của tất cả mọi người trong xã hội: bao gồm các cặp vợ chồng và những người thứ ba.
Do vậy, để tối ưu hạnh phúc của xã hội chúng ta không thể nghĩ rằng hạnh phúc của người thứ ba là không quan trọng. Người thứ ba cũng sẽ có con cái. Họ cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc cho con, để con họ có người cha tài giỏi, giàu sang.
Người vợ không có quyền lên án người thứ ba
Chúng ta đều được giáo dục từ nhỏ là “chớ làm người khác đau khổ” và “hãy đối xử với người giống như mình mong họ đối xử với mình”.
Tuy nhiên, trên thực tế mọi người không thực hiện đúng như vậy. Khi kết hôn, đa số các bà vợ đều cố gắng cưới những người đẹp đẽ, tài giỏi, giàu có nhất chứ không chọn những người nghèo khó, tàn tật, ốm đau để đỡ gánh nặng cho xã hội. Họ không nghĩ rằng họ cướp đi cơ hội lấy được chồng tốt của các cô khác. Họ không nghĩ rằng các cô khác cũng đau khổ vì không cưới được chồng mình. Vậy tại sao họ lại có quyền lên án những người khác gây đau khổ cho mình sau khi kết hôn?
Tất cả mọi người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc. Tờ hôn thú là ký kết giữa hai vợ chồng, người thứ ba không ký kết gì cho nên không có nghĩa vụ gì với cuộc hôn nhân của hai người kia.
Người thứ ba cũng có quyền như người vợ!
Quyền tôi nói ở đây là quyền mưu cầu hạnh phúc. Chúng ta nghĩ rằng người thứ ba không có quyền ngang vợ bởi chúng ta lý tưởng hóa hôn nhân: coi hôn nhân “một lần là mãi mãi” và vợ chồng phải “chung thủy tuyệt đối”.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Nhưng nếu sống ở phương Tây, với tỷ lệ li dị rất cao (ở Mỹ và nhiều nước châu Âu, tỷ lệ li dị là khoảng 50% trong vòng 25 năm sau khi kết hôn) thì bạn sẽ hiểu bà vợ và cô nhân tình chẳng qua là người đến trước và người đến sau.
Ở Việt nam, tỷ lệ li dị thấp hơn phương Tây nhưng tỷ lệ ngoại tình cũng rất cao phản ánh một thực tế: “hôn nhân một lần là mãi mãi” + “chung thủy tuyệt đối” không phù hợp với bản chất của loài người. Có cái nọ thì phải mất cái kia.
Ở hầu hết các quốc gia phát triển và cả ở Việt nam, “ngoại tình” không phải là có tội theo luật định. Chỉ “chung sống như vợ chồng” là phạm luật ở Việt nam. “Ngoại tình” và “chung sống như vợ chồng” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Hàn Quốc mới đây cũng bỏ luật cấm ngoại tình bởi họ cho rằng như vậy là vi hiến. Nhà nước không có quyền can thiệp quá đáng vào đời sống riêng tư của cá nhân.
* Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả.