Yêu nhanh, bỏ chóng
Năm 2014, số liệu thống kê của Viện kiểm sát TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cho thấy, năm 2012 đơn vị đã thụ lý 216 vụ ly hôn, năm 2013 thụ lý 231 vụ và từ tháng 1 – 8/2014 đã có tới 180 vụ. Số vụ án hôn nhân - gia đình năm sau luôn cao hơn năm trước. Ly hôn xảy ra đối với nhiều thành phần: cán bộ, công nhân, nông dân, doanh nhân, buôn bán... Qua công tác thụ lý kiểm sát các vụ án ly hôn thì tỷ lệ người vợ đứng đơn ly hôn cao gấp 2 lần so với người chồng. Điều đáng lo ngại là trên 70% số vụ ly hôn rơi vào các cặp vợ chồng trẻ ở nhóm tuổi 20-30 và hầu hết đã có con.
Còn ở TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chánh án TAND TP Thủ Dầu Một, người trực tiếp thụ lý nhiều vụ ly hôn trong vai trò thẩm phán cho biết, tình hình thụ lý giải quyết tranh chấp ly hôn trong 5 năm trở lại đây trên địa bàn tỉnh Bình Dương nói chung và TP Thủ Dầu Một nói riêng không ngừng gia tăng hàng năm. Đặc biệt tỷ lệ ly hôn đối với các đôi vợ chồng trẻ, công nhân làm việc tại các khu, cụm công nghiệp tăng đáng kể. Cụ thể, năm 2010, TAND TP Thủ Dầu Một thụ lý 400 vụ án ly hôn, đến năm 2015 đã thụ lý 967 vụ án ly hôn; riêng 6 tháng đầu năm 2016, đơn vị đã thụ lý hơn 500 vụ, việc về hôn nhân gia đình.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Thanh, những vụ án ly hôn mà ông đặc biệt quan tâm trong quá trình thụ lý, giải quyết tại tòa án là những vụ án mà cả vợ và chồng đều là những người có tuổi đời dưới 30. Có rất nhiều lý do để họ quyết định chia tay như: yêu vội, sống thử, lấy nhanh cho biết, lấy nhau chỉ vì tự ti, vì sự khích bác từ bạn bè. Những trường hợp này thường xảy ra đối với những cặp vợ chồng trẻ là công nhân thuê trọ để ở nên dễ phát sinh tình yêu chóng vánh. Khi đã sống chung mới phát hiện những điểm yếu của đối phương dẫn đến nhàm chán và tự chia tay sau đó đưa nhau ra tòa ly hôn. Nỗi đau day dứt đối với các cuộc tình này là tuổi đời của họ còn quá trẻ, khi chia tay, mỗi người tự tìm lối sống riêng cho bản thân, bỏ mặc con cái không ai chăm sóc, có trường hợp gửi về quê cho ông bà nội, ngoại chăm sóc…
Hạn chế ly hôn bằng… dư luận xã hội?
Viện Nghiên cứu gia đình và Giới vừa cho biết, cả nước trung bình có trên 60.000 vụ ly hôn/năm, tỉ lệ 30% tức là cứ 10 cặp vợ chồng kết hôn thì có 3 cặp ly hôn. Xu hướng này tiếp tục tăng ở cả thành phố và nông thôn. Điều đáng nói, 70% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình trẻ, vợ hoặc chồng trong độ tuổi từ 18-30; trong đó có 60% ly hôn sau khi kết hôn từ 1-5 năm, nhiều trường hợp chỉ mới cưới nhau được vài tháng... Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu gia đình và Giới cho thấy mâu thuẫn về lối sống là nguyên nhân hàng đầu (27,7%) dẫn đến ly hôn. Các yếu tố tiếp theo là ngoại tình (25,9%), kinh tế (13%), bạo lực gia đình (6,7%), sức khỏe (2,2%), xa nhau lâu ngày là 1,3%.
Phân tích về nguyên nhân ly hôn, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Đức - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, có những lý do bắt đầu từ chính những biến động mang tính tích cực của xã hội hiện đại. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Đức, chính sự bình đẳng giới đã đem lại sự chủ động, độc lập về kinh tế, cũng như sự đòi hỏi đáp ứng nhu cầu cá nhân ngày càng cao khiến con người không dễ chấp nhận hoặc cam chịu dẫn đến tỷ lệ ly hôn ở các gia đình ngày càng tăng.
Nhìn vào thực tế, tỷ lệ ly hôn ở những gia đình mà vợ chồng là viên chức, trí thức, các nhân viên hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ, thương mại cao hơn những gia đình công nhân, nông dân. Điều kiện kinh tế phát triển, dân trí càng cao, điều kiện tiếp xúc xã hội càng nhiều, thì sự đòi hỏi thỏa mãn nhu cầu cá nhân càng lớn, và điều đó đang là một trong những nguyên nhân khiến gia đình ngày càng kém bền vững.
Tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng, nếu gia đình có nền giáo dục căn bản, truyền thống đạo đức thì nguy cơ đổ vỡ phần nào sẽ được ngăn chặn. Và điều quan trọng nhất là bản thân mỗi cặp vợ chồng phải biết nghĩ về nhau, tôn trọng nhau, tôn trọng những giá trị của truyền thống gia đình. Sự yêu thương, chia sẻ, tôn trọng và nhường nhịn lẫn nhau cùng hướng đến một mái nhà hòa thuận. Thực tế đã chứng minh, gia đình nào có sự giáo dục cơ bản, có truyền thống đạo đức thì tình trạng ly hôn, đổ vỡ rất khó xảy ra.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chánh án TAND TP Thủ Dầu Một, nhiều đôi vợ chồng có tuổi đời dưới 30 quyết định chia tay chỉ vì đơn giản họ lấy nhau do… sự khích bác từ bạn bè (!). Từ nhận định này của ông Thanh có thể thấy, dư luận xã hội có vai trò lớn trong việc hạn chế sự gia tăng ly hôn. Nói về vấn đề này, ThS. Hoàng Thị Ái Hoa - Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế cho rằng, phát huy vai trò của dư luận là vấn đề cần thiết để lên án những tệ nạn xã hội dễ trở thành những nguyên nhân gây ra ly hôn như ngoại tình, cờ bạc, bạo lực gia đình. Theo bà Ái Hoa, thường xuyên khơi dậy truyền thống gia đình, nền nếp gia phong, mối quan hệ gắn kết giữa các thành viên, tính tôn ti trật tự, chữ hiếu… đang là ưu thế riêng có của Huế hiện nay trong vấn đề kiềm chế sự đổ vỡ của gia đình. “Những giải pháp này thì không chỉ Huế mà các tỉnh, khác cũng vẫn có thể vận dụng để làm sao giảm được tỷ lệ ly hôn trong các gia đình ngay từ nội tại của chính các gia đình và các mối quan hệ giữa gia đình và xã hội” – bà Ái Hoa nhấn mạnh.