Phát biểu khai mạc, Giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Phúc, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Hội thi Phùng Thị Kim Nga nhấn mạnh: Cuộc thi là hoạt động thiết thực, hưởng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam. Thông qua hội thi nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, ý nghĩa, vai trò của công tác hòa giải cơ sở; tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh về các quy định pháp luật liên quan trực tiếp tới quyền, lợi ích hợp pháp của họ, đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong hoạt động hòa giải cơ sở... Hội thi còn là dịp để các hòa giải viên giao lưu, học hỏi.
Hội thi gồm 9 đội thi đến từ 9 huyện, thành, thị thuộc tỉnh Vĩnh Phúc bao gồm các huyện Yên Lạc, Bình Xuyên, Tam Dương, Vĩnh Tường, Lập Thạch, Tam Đảo, Sông Lô; thị xã Phúc Yên và TP Vĩnh Yên. Mỗi đội phải cùng nhau trải qua 4 phần thi là: giới thiệu về công tác hoà giải tại cơ sở và các thành viên đội thi; thi kiến thức chung; xử lý tình huống và tiểu phẩm.
Hấp dẫn ngay từ phần thi giới thiệu, tuy chỉ có 3 phút ngắn ngủi nhưng mỗi đội đều đã khéo léo quảng bá được hình ảnh con người, quê hương và khái quát được tình hình công tác hòa giải ở cơ sở của địa phương mình. Bằng nhiều hình thức thể hiện sáng tạo, linh hoạt, thể hiện được bản sắc riêng của từng nơi như kể chuyện, hát, dân ca, đọc thơ… từng đội thi đều đã nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt từ khán giả.
Phần kiến thức chung được thi bằng hình thức chọn đáp án đúng, các đội thi đã tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với Ban Giám khảo và khán giả, khi hoàn thành tốt các câu hỏi thể hiện sự hiểu biết pháp luật khá toàn diện về các lĩnh vực: Vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường; phòng, chống bạo lực gia đình; đất đai; dân sự; hôn nhân và gia đình...
Tiếp đó, nội dung trong phần xử lý tình huống chủ yếu xoay quanh mâu thuẫn giữa người dân do khác nhau về quan niệm sống, lối sống; mâu thuẫn phát sinh nhỏ trong cuộc sống thường ngày; tranh chấp về đất đai, thừa kế; bảo vệ môi trường; bạo lực gia đình… Các hòa giải viên đã khéo léo vận dụng kiến thức pháp luật kết hợp với kinh nghiệm sống, sự hiểu biết về phong tục, tập quán để đưa ra phương án xử lý hài hòa tình huống mà Ban Tổ chức đưa ra.
Hấp dẫn và thu hút hơn cả là phần thi tiểu phẩm khi mỗi tiết mục là một phần cuộc sống được thể hiện rất sâu sắc. Huyện Yên Lạc đã khá thành công khi thể hiện được nỗi nhức nhối trong xã hội hiện nay, đó là tình trạng bạo lực gia đình, đội huyện Phúc Yên và TP Vĩnh Yên lại dựng lên tiểu phẩm nói về xung đột giữa hai gia đình trong thôn từ những phát sinh nhỏ trong đời thường…Tất cả các mâu thuẫn này đều được giải quyết tốt đẹp nhờ các hòa giải viên cơ sở khi đưa ra các căn cứ pháp lý thuyết phục, đồng thời sử dụng khá nhuần nhuyễn kỹ năng hòa giải thông qua phân tích, thuyết phục các bên có mâu thuẫn, tranh chấp để giải quyết vấn đề.
Kết thúc, Ban Tổ chức đã trao giải Nhất cho đội TP Vĩnh Yên, giải Nhì cho huyện Bình Xuyên và huyện Vĩnh Tường, giải Ba cho huyện Tam Đảo, huyện Lập Thạch và huyện Sông Lô, các giải Khuyến khích thuộc về đội huyện Yên Lạc, Phúc Yên và Tam Dương. Ngoài ra, Ban Tổ chức đã trao một số giải phụ.