Hiện nay, trên địa bàn huyện Lập Thạch có 216 tổ hoà giải với 1.620 hòa giải viên. Mô hình tổ chức của tổ hòa giải ở cơ sở chủ yếu được thành lập theo địa bàn thôn, cụm dân cư. Tổ hòa giải có Tổ trưởng và các thành viên do UBMTTQ xã, phường phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận lựa chọn, giới thiệu để nhân dân bầu và do UBND cùng cấp quyết định, công nhận.
Về cơ cấu, mỗi tổ hoà giải có trung bình từ 3 đến 05 thành viên, bao gồm đại diện Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ, đại diện Hội Phụ nữ, người cao tuổi, Cựu chiến binh, Ban Công tác mặt trận và một số người dân có uy tín tại địa phương được nhân dân tôn trọng, tạo được niềm tin trong cộng đồng dân cư.
Các tổ hòa giải đều xây dựng quy chế hoạt động và sinh hoạt định kỳ theo tháng, quý. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải, phòng tư pháp huyện đã thường xuyên tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo, củng cố kiện toàn các tổ hòa giải để công tác hòa giải ở cơ sở thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần giải quyết các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ ngay tại địa phương, giảm bớt các tranh chấp đến các cơ quan cấp trên;
Phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức các hội nghị tập huấn nghiệp vụ hoà giải và kết hợp việc tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành, các phương pháp, cách thức tiến hành hoà giải và kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở để cán bộ hoà giải cơ sở nắm bắt kịp thời phục vụ cho công tác hoà giải. Chỉ tính riêng trong năm 2015, đội ngũ hoà giải viên đã hoà giải 277 vụ việc và hoà giải thành 223 vụ đạt 80,5% (tăng 0,5% so với năm 2014).
Mặc dù kinh phí hoạt động còn hạn chế, nhưng với tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt tình, lực lượng hoà giải viên đã kiên trì tiến hành hoà giải thành công nhiều vụ việc, góp phần đem lại sự yên vui, giữ được tình làng nghĩa xóm trong gia đình và cộng đồng dân cư.
Những trường hợp qua nhiều lần hoà giải nhưng không đạt được sự tự nguyện thoả thuận của các bên, các tổ hoà giải đều kịp thời chuyển về Tư pháp xã để tiếp tục hoà giải hoặc tham mưu cho UBND xã giải quyết những vấn đề theo thẩm quyền, không để tồn đọng, kéo dài ở tổ hoà giải.
Việc hòa giải không chỉ hàn gắn những mâu thuẫn gia đình, vợ chồng, làng xóm mà còn thông qua đó giúp người dân nâng cao hiểu biết, chấp hành đúng pháp luật. Có được kết quả như vậy là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền và nhận thức đúng đắn về vai trò của công tác hoà giải của các ngành, đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó, sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ tư pháp xã, đặc biệt là đông đảo lực lượng hoà giải viên với tinh thần tự nguyện, không vì lợi ích cá nhân, tích cực, chủ động đã tạo nên thành công chung cho công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện.