Nhân duyên của 2 cha con nhà báo người Mỹ với Việt Nam
Trong ngày khai mạc triển lãm, bà phát biểu: “Đối với cá nhân chúng tôi, hai phụ nữ người Mỹ, nhiếp ảnh gia Catherine Karnow và Suzanne Lecht, Giám đốc nghệ thuật của phòng tranh Art Vietnam (ở địa chỉ 24 Lý Quốc Sư – PV) đã sinh sống ở Hà Nội 21 năm qua, buổi khai mạc này là một cơ hội để tỏ lòng kính trọng với những người đã bước vào cuộc đời chúng tôi và khiến cho Việt Nam trở thành một phần trong trái tim chúng tôi”.
Và những người đã bước vào trái tim Catherine Karnow bao gồm đủ mọi tầng lớp, từ những người bán hàng rong đến những người bất chợt gặp ngoài đương, từ những em bé nhiễm chất độc da cam đến những doanh nhân, những nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam. Đặc biệt phải kể đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người Việt Nam đầu tiên mà Catherine Karnow đã gặp và là điểm đầu tiên của hành trình yêu Việt Nam của bà.
Catherine Karnow là con Stanley Karnow, một nhà báo từng đoạt giải Pulitzer, tác giả của cuốn Việt Nam - một lịch sử. Lần đầu tiên Catherine Karnow sang Việt Nam là theo cha mình, phỏng vấn độc quyền Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho tờ The New York Times. Đến khi về nhà, người mẹ của bà bảo rằng: “Đáng lẽ con phải là người kể lại câu chuyện gặp gỡ của cha con và vị Đại tướng nổi danh toàn cầu chứ”.
Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua góc máy của Catherine |
Chỉ là những lời nói đột ngột thốt ra từ người mẹ nhưng lại là bước đệm cho một nhiếp ảnh gia nổi tiếng của tạp chí National Geographic. Catherine bước vào nghề với bước chân sải khắp các nước châu Á nhưng Việt Nam lại níu chân bà lại bằng tình yêu với những nhân vật của mình. Chỉ với 15 chuyến đi đến Việt Nam, mỗi chuyến đi lại là cả một chặng đường dài trải nghiệm và gặp gỡ những con người Việt Nam, bà đã bị Việt Nam hút hồn, bà đã yêu và thừa nhận “Việt Nam là một phần không thể thiếu trong trái tim tôi”.
Catherine đã từng tâm sự: “Tôi cho rằng, những việc cha tôi đã làm là để giúp người Mỹ nhìn lại đất nước Việt Nam và cuộc chiến tranh đúng với bản chất của nó, để mang lại sự cảm thông và hàn gắn những chia rẽ…”, còn bà, chúng tôi tin rằng, bằng tình yêu của mình với dải đất hình chữ S, bằng cách riêng của Catherine, bà đang chuyển tải một thông điệp Việt Nam đang lớn mạnh, đang trên đường thay đổi và hội nhập sâu sắc với thế giới sau khi khép lại cuộc chiến 40 năm.
Bà cho biết, khi bắt đầu nghĩ đến chuyện trưng bày những bức ảnh bà đã chụp tại Việt Nam, bà đã nghĩ đến việc tìm nhà tài trợ và phòng tranh. Như một mối duyên với Việt Nam, ở đây, bà lại gặp Suzanne Lecht, một giám đốc phòng tranh đã sinh sống ở Việt Nam hơn 20 năm. Hai người phụ nữ gốc Mỹ cùng yêu Việt Nam bằng những cách khác nhau đã gặp nhau và họ cùng muốn làm một điều gì đó cho Việt Nam và triển lãm “Việt Nam – 25 năm của một đất nước đang thay đổi” ra đời.
Để thực hiện triển lãm, Catherine đã phải bỏ tiền túi ra vì không tìm được nhà tài trợ. Chỉ tính riêng chi phí in ấn cho bộ catalogue, mỗi cuốn dày 240 trang với nhiều bức ảnh và những chia sẻ về khoảnh khắc chụp ảnh, cùng 39 bức khổ lớn trưng bày là 10.000 USD. “Nhưng dự án này là trái tim, tình cảm của tôi, vì thế tôi rất hạnh phúc khi thực hiện nó” – bà khẳng định. Và triển lãm này cũng để bà trân trọng tặng người cha đã khuất của mình. Việt Nam với bà thực sự ám ảnh và nhiều duyên nợ, bởi chính trong những ngày đang lưu lại Việt Nam, bà nhận được tin cha qua đời.
Một bức ảnh của Catherine |
Những ánh mắt ám ảnh qua góc máy Catherine
Không quá nhiều bức ảnh được trưng bày nhưng mỗi bức ảnh lại là một câu chuyện kể thú vị mà người chụp đã ghi lại bằng hình ảnh. Bà kể về cuộc kỳ ngộ với Tướng Giáp, người bà biết đến với biệt danh “Ngọn núi lửa phủ tuyết”, bà kể về hành trình chứng kiến những tàn dư chiến tranh mà mỗi gương mặt bà gặp gỡ lại khiến bà ám ảnh…
Những bức ảnh được trưng bày thực sự khiến người ta nghĩ rằng, bà cảm nhận nhân vật của mình bằng cả trái tim, bằng tình yêu với đất nước Việt Nam mà bà và người cha của mình đã đặt chân đến như một duyên phận. Cảm giác như bà sống cùng với nhân vật của mình lâu lắm mới có thể chớp được những khoảnh khắc đắt đến thế.
Đó là ánh mắt hồ hởi của người giáo viên được ngồi trong chuyến tàu Thống Nhất đi dọc Bắc – Trung – Nam. Đó là ánh nhìn đau đáu, thèm thuồng của những người bán hàng rong khi đứng trước trung tâm thương mại hàng đầu ở TP.HCM. Là ánh mắt đầy đăm chiêu, suy nghĩ của doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ ngay cả khi anh đang trong tư thế nghỉ ngơi, thư giãn. Có thể với ánh mắt ấy, anh vẫn đang băn khoăn tự hỏi vì sao “người Việt Nam chưa sống xứng đáng với tiềm năng của mình”…
Đó là ánh mắt hoảng sợ đến thất thần của 3 mẹ con trong bức ảnh Gia đình những cậu bé bị nhiễm chất độc da cam, cảm giác như với ánh mắt ấy, chiến tranh vừa mới đi qua ngôi nhà này. Đó là ánh mắt sắc, cảm giác như có lửa, có cả sự hoang hoải trong bức ảnh chân dung nhà văn Bảo Ninh, người đã làm nên một Nỗi buồn chiến tranh nổi tiếng vào đầu những năm 1990. Đó là những ánh mắt tiếc nuối, xót xa của những vị hoàng thân quốc thích cuối cùng của triều Nguyễn trong bức ảnh Những hoàng thất cuối cùng.
Catherine trong một chuyến trải nghiệm ở Việt Nam |
Tôi đặc biệt thích thú với bức chân dung Tướng Giáp với góc máy của Catherine Karnow. Người Việt Nam vốn luôn lưu giữ trong mình hình ảnh một Đại tướng hồn hậu với ánh mắt hiền từ. Nhưng Catherine Karnow thì khác, một người được người Pháp mệnh danh là “ngọn núi lửa phủ tuyết” phải có thần thái khác biệt. Và bà đã sẵn sàng mọi cơ hội để có thể chớp lấy khoảnh khắc Đại tướng cương nghị, quyết đoán với ánh mắt sắc lẹm, như muốn khẳng định tư thế của Việt Nam trong cuộc chiến thắng chấn động địa cầu năm xưa…
Một Việt Nam mới…
Mỗi một chuyến trải nghiệm ở Việt Nam đều cho Catherine những cảm nhận rất khác biệt. Bà nhận thấy, từ những năm 1990 đến nay, Việt Nam thật sự có rất nhiều thay đổi, nâng cấp hình ảnh đất nước theo chiều hướng tốt đẹp. Bắt đầu từ việc những doanh nhân hàng đầu thế giới đến Việt Nam để khảo sát thị trường, là những thương hiệu lớn của nước Mỹ đã xuất hiện khắp Việt Nam. Đó là xuất hiện rất nhiều nhà cao tầng, cao ốc, hàng hóa đa dạng, xe hơi đầy phố, giao thông tấp nập, nhà hàng, khách sạn, resort sang trọng...
Tuy nhiên, bà tâm sự, điều làm bà ấn tượng nhất đó chính là sự thay đổi của con người Việt Nam, nhất là giới trẻ Việt Nam, họ thực sự năng động và cầu tiến, sẽ là một thế hệ Việt Nam mới mang đến tương lai tốt đẹp cho đất nước, quê hương mình.
Đi khắp Việt Nam, gặp những con người, yêu từng phong cảnh nhưng bà bảo, bà vẫn có riêng trong mình một hình ảnh Việt Nam mà bà muốn được giữ gìn mãi, không muốn thời gian làm phôi pha vẻ đẹp của phố cổ Hà Nội. Mỗi lần về Hà Nội bà lại tận hưởng cảm giác dạo quanh nơi này. Catherine luôn thiết tha những gì thuộc về nét đẹp văn hóa, di tích và mong muốn lịch sử ấy được trân trọng và gìn giữ, dù Việt Nam có đổi thay đến đâu./.