Ảnh tư liệu: Những thước phim về Đại tướng |
Trước đó, đạo diễn Đào Trọng Khánh đã thực hiện bộ phim “Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Một thế kỷ - Một đời người”.
Ông Khánh cũng đã thực hiện nhiều bộ phim tài liệu về nhiều nhân vật lớn của lịch sử Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Trường Chinh…
Ngày đó, suốt hơn một tháng, ngày nào ông Khánh cũng tới nhà riêng của Đại tướng ở đường Hoàng Diệu (Hà Nội) để phỏng vấn, ghi hình.
“Tôi gọi ông là Đại tướng, nhưng ông gạt đi và bảo cậu cứ gọi tớ là anh Văn”, đạo diễn Đào Trọng Khánh nhớ lại. Có lần nhìn thấy cái mũ phớt của ông, Đại tướng cầm lấy đội lên đầu mình rồi cười bảo: “Hồi làm cách mạng mình cũng có chiếc mũ giống Khánh”.
Những câu nói, cử chỉ thân mật ấy khiến ông Khánh thấy Đại tướng gần gũi hơn bao giờ hết. Từ đó, những cuộc phỏng vấn trở thành những cuộc trò chuyện, chia sẻ thân tình.
Tướng Giáp nói giản dị: “Anh sẽ kể em nghe tất cả những chuyện về chiến tranh, chuyện của đời anh từ nhỏ đến bây giờ. Làm xong phim này, bao giờ có dịp, anh em mình sẽ làm một bộ phim về chiến tranh Việt Nam, anh sẽ làm nhân chứng”.
Đại tướng kể lại câu chuyện trong các trận đánh, về thời điểm ông đưa ra những quyết định quan trọng. Một tháng gần bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với đạo diễn Đào Trọng Khánh, mỗi ngày ông lại nhìn thấy những góc khác nhau của một con người vĩ đại. Cùng với đó là 700 phút phim tư liệu quý giá đã được ghi lại.
700 phút phim tư liệu, trước đó đã cắt dựng thành 30 phút phim “Một thế kỷ một đời người” và nay là 60 phút phim “Giọt nước giữa đại dương”. Tên phim chính là câu nói của Đại tướng khi được hỏi về công lao của ông trong hai cuộc kháng chiến.
"Nhớ lại thuở đầu tiên được gặp cố Đại tướng, quãng những năm 1978, 1979, trông cụ hồi đó rất uy nghi, đặc biệt kiểu tóc để dài rất ấn tượng. Sau này vào quay phim tư liệu cụ Giáp, lại thấy ông cụ rất bình dị, tình cảm. Ông cụ không nói nhiều về công việc của một vị tướng. Nhưng Võ Nguyên Giáp là một thiên tài quân sự. Khi vào chiến trận cụ thể, ông có trực giác rất mạnh mẽ. Nhiều tình huống chỉ có trực giác mới giải quyết được", ông Khánh kể.
Trực giác của ông Giáp thể hiện ở trận đánh Phai Khắt - Nà Ngần, trận Đông Khê và nhất là chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử… Lê Trọng Tấn là một vị tướng tâm đắc của Võ Nguyên Giáp từ hồi Điện Biên Phủ cho đến chiến dịch Hồ Chí Minh. Quyết định lập cánh quân thứ 5 tiến về Sài Gòn là một phương án ngoài kế hoạch. Những quyết định nằm ngoài kế hoạch của Võ Nguyên Giáp đều rất hay.
Đó là những câu chuyện lịch sử mà nhiều người đã biết, bên cạnh đó còn nhiều câu chuyện mà có lẽ khi đó Đại tướng mới chia sẻ. Đại tướng đã kể lại những kỷ niệm tuổi thơ, thời còn cắp sách đến trường ở làng quê Quảng Bình, tình cảm với những người thân trong gia đình ông, rồi lần Bác Hồ đi hỏi vợ cho ông…
Đó là chuyến tàu trở về cội nguồn thăm quê hương, hình ảnh các em nhỏ quần cộc chạy vào và đón ông,…
NSND Đào Trọng Khánh kể: “Có một đêm Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng gia đình từ Hà Nội về thăm quê hương Quảng Bình bằng tàu hỏa. Đã lâu lắm rồi, ông gọi chuyến tàu này là chuyến tàu trở về cội nguồn, đưa ông về quê, về với cánh đồng, với ba mẹ ông, các chị ông đang đợi… Nhớ thương một thời thơ ấu, được trở về bên ba mẹ, được chơi đùa trên cồn cát cùng với lũ trẻ nghèo…
Tàu đi suốt đêm về đến Đồng Hới, không biết có ai báo mà nhiều người ra đón, lũ trẻ ở quê quần cộc, chân đất chạy qua cồn cát, chạy vào tận trong ga đón ông về làng… Ngày ấy, làng xóm còn nghèo, chưa được khang trang như bây giờ, trẻ con đi trước dẫn đường hò reo “ông về rồi, ông về rồi, ông mình về rồi”…
Các cựu chiến binh trong làng bỏ dở việc ruộng vườn, làm hàng rào danh dự đón ông: “Báo cáo anh Văn, em cũng đã hoàn thành nhiệm vụ!”.
Ảnh tư liệu: Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Đào Trọng Khánh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
NSND Đào Trọng Khánh bồi hồi: “Trong căn nhà 30 Hoàng Diệu, đã hơn 40 năm qua, từ khi tôi bắt đầu làm tư liệu về Đại tướng, căn buồng ấy đã trở thành thân thiết với tôi. Đến nay, được làm bộ phim này, giữ được tư liệu gì tôi làm như vậy, thật thà như câu chuyện ông kể cho tôi nghe bằng chiếc máy quay phim cũ kỹ…”.
Còn nhớ Tết Giáp Ngọ 1954 là cái Tết nhiều kỷ niệm thương nhớ nhất với cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi Đại tướng quyết định “đánh chắc, thắng chắc” thay cho “đánh nhanh, thắng nhanh” trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
“Suốt đêm 29 Tết, tôi vẫn còn đang tiếp tục theo dõi việc kéo pháo ra. Các đơn vị kéo pháo phải báo cáo lên từng giờ. Gần sáng, các đơn vị kéo pháo báo cáo hoàn thành nhiệm vụ. Sáng mồng 1 Tết, sương lạnh vẫn còn bao phủ khắp núi rừng.
Một cảm giác thanh thản tràn ngập trong lòng. Tôi tin rằng, trận đánh năm nay nhất định thắng. Tôi đi sang cơ quan tác chiến chúc Tết anh em: Chúc các đồng chí năm mới mạnh khỏe, giành nhiều thắng lợi! Nhìn ra ngoài trời, hoa ban đã nở trắng trên sườn núi…”.
Và mùa xuân Ất Mão 1975, mùa xuân kỳ diệu nhất trong một thế kỷ, một đời người, mùa xuân toàn thắng của dân tộc Việt Nam. “11 giờ 30 phút, có điện của anh Lê Trọng Tấn báo cáo: Cờ đã cắm trên Dinh Độc Lập. Xúc động trào nước mắt. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Lẫn vào tiếng loa phóng thanh, tiếng reo hò, hoan hô chiến thắng vang dậy khắp phố phường.
Ban đêm, một mình tôi trong phòng làm việc, niềm vui lắng xuống, nước mắt lại trào ra. Tôi nhớ đến mùa xuân năm nào còn ở biên giới ăn cái Tết đầu tiên với Bác Hồ, khi ấy tôi mới 30 tuổi. Cho đến hôm nay”.
Tiếng nói của Đại tướng cứ văng vẳng trong sâu thẳm trái tim NSND Đào Trọng Khánh và ông nhớ một lần được nghe Đại tướng kể: “Tối 30 Tết năm 1946, dưới chân đèo Hải Vân. Xe lên đèo, trời bắt đầu mưa, xung quanh tôi là một biển sương mù, một bên đường là vực sâu, một bên là vách đá dựng đứng, gió qua đèo hun hút. Xe trôi xuống dốc như vào nơi vô tận. Tôi nhìn ra màn đêm thăm thẳm dưới chân đèo, vẫn lập lòe ẩn hiện một ánh đèn, không biết có nhà dân nào còn đang thức đợi giao thừa…”.
Hình ảnh đó làm cho NSND Đào Trọng Khánh nhớ lại ngày Đại tướng đã về nơi đất Mẹ. Các em nhỏ thắp những ngọn đèn tiễn đưa ông với một niềm tin mà Đại tướng đã căn dặn: “Niềm tin của nhân dân như ngọn đèn không tắt. Đừng bao giờ quên cái gốc của mình từ nhân dân mà ra. Ở nơi đâu, bất cứ hoàn cảnh nào cũng đừng phụ tấm lòng trông đợi của nhân dân”.
Đó cũng chính là những thước phim cuối cùng của bộ phim “Giọt nước giữa đại dương” mà NSND Đào Trọng Khánh đã dựng để bày tỏ lòng kính trọng với một con người vĩ đại…
Khó nhất là “ buông bỏ”
Chia sẻ về cuộc đời gắn bó với những nhân vật lịch sử, những con người vĩ đại mà vô cùng giản dị, đạo diễn của những thước phim chạm tới tận cùng trái tim công chúng ấy tâm sự: “Tôi làm phim dựa trên cuộc đời và hành xử của các cụ, nhưng như người viết chân dung, hồi ký lãnh tụ, đằng sau nhân vật lịch sử chính là tác giả. Làm phim chân dung, loanh quanh thế nào rồi cũng để trình bày suy nghĩ, tư tưởng và cảm xúc của mình.
Đằng sau những nhân vật lớn đó, thấy thấp thoáng một tâm hồn tác giả. Người nào không cho thấy điều đó trong tác phẩm của mình thì tác phẩm đó không có cái đặc biệt và trở thành khô khan, ghi chép.
Phim tài liệu là phim tác giả. Chính cuộc đời của người làm phim đã tạo ra nét đặc sắc của phim tài liệu. Vấn đề là anh có đủ khả năng để biểu hiện bản thân của anh không. Vạn vật đều có linh hồn. Linh hồn bản thể ở trong tác phẩm của người biểu hiện. Làm nghệ thuật phải như con chim hót, như cơn gió thổi. Nghệ thuật giống như một cuộc chơi, chơi mà nhọc thì chơi làm gì!
Tôi thấy các nhà phê bình bàn nhiều về chữ “sáng tạo”. Tôi thấy nên gọi là xử lý. Sáng tạo không phải là nghĩ ra, sáng tạo là nghĩ ra cách xử lý. Xử lý trong muôn vàn “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Nó như một dòng chảy. Trên đời không có nghệ sĩ lớn, nghệ sĩ nhỏ. Trời cho mình làm gì mình làm cái đó. Việc to, việc nhỏ đều là công việc của mỗi người.
Với tôi, khó nhất là hai chữ “buông bỏ”. Thường người ta buông - đặt xuống - chứ không bỏ!” ông cười giản dị…