Tại sao hạ tầng kém vẫn cấp thêm hãng bay?
Tiếp theo Vinpearl Air và Vietravel Airlines, hàng không Cánh Diều (Kite Air) là doanh nghiệp thứ ba được Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) “gật đầu” ủng hộ lập hãng hàng không trong năm 2019. Hiện các hãng bay này đang hoàn thành thủ tục để tới đây được cấp phép bay. Sau sự kiện hãng bay Bamboo Airways được ra đời, ngành hàng không Việt Nam tiếp tục đón những tên tuổi mới.
Điều đáng nói, hạ tầng ngành hàng không đang được đánh giá yếu kém, cơ chế để đầu tư hạ tầng mới gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc chậm đầu tư. Từ đó, những sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài đang ngày một quá tải, nhất là dưới áp lực tăng trưởng hành khách hàng không mỗi năm khoảng hai con số đã khiến những sân bay này sắp phải “đóng băng”, không thể tăng thêm chuyến bay. Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục cấp phép cho các hãng hàng không mới ra đời liệu có thật sự hợp lí? An ninh hàng không liệu có bị đe dọa?
Trước những thắc mắc trên, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục HKVN cho rằng, xét về tổng quan thì việc ra đời thêm các hãng hàng không mới là điều đáng mừng, chứng tỏ thị trường Việt Nam đang có điều kiện tốt, nhiều tiềm năng. “Buồn nhất là không ai muốn thành lập hãng mới. Rõ ràng tiềm năng của thị trường của chúng ta rất lớn”, ông Thắng nói.
Cục trưởng Đinh Việt Thắng trao đổi thông tin các hãng bay với PLVN |
Lãnh đạo Cục HKVN cho rằng, nếu nhìn vào quy mô dân số và tốc độ phát triển kinh tế thì Việt Nam còn nhiều dư địa hàng không. Ông ví dụ, ở Mỹ, dân số trên 300 triệu nhưng thị trường hàng không hơn 800 triệu hành khách/năm. Trong khi đó, nước ta dân số 97 triệu nhưng thị trường hàng không mới chỉ 78 triệu/năm.
“Thị trường của chúng ta còn tiềm năng lớn. Chúng tôi dự báo đến 2025, thị trường hàng không Việt Nam sẽ rơi vào khoảng 150 - 180 triệu hành khách”, ông Thắng nói và cho rằng với thị trường tiềm năng như thế, việc ra đời hãng hàng không mới là xu thế tất yếu.
So sánh với các nước trong khu vực, ông Thắng cho rằng số lượng hãng hàng không ở Việt Nam còn rất ít. Theo đó, Thái Lan hiện có 16 hãng bay; Singapore là nước rất nhỏ nhưng có đến 6 hãng; Malaysia 10 hãng; Indonesia 20 hãng; Phillippines 12 hãng.
“Trong khi chúng ta mới có 5 hãng. Như vậy, số hãng hàng không của chúng ta là rất khiêm tốn”, Cục trưởng HKVN nói và cho rằng, sau khi ba hãng mới là Vinpearl Air, Kite Air và Vietravel Airlines ra đời, nước ta sẽ có 8 hãng hàng không; nếu so với các nước xung quanh về số lượng thì vẫn chưa bằng.
Miếng bánh thị trường sẽ được chia đều?
Lãnh đạo Cục HKVN cũng cho rằng, đi đôi với việc tăng thêm các hãng bay thì vấn đề hạ tầng, an ninh cũng cần được nghiên cứu, xem xét để phát triển cân bằng.
“Tôi đồng ý, hãng hàng không mới ra, để đảm bảo phát triển bền vững phải làm rõ lộ trình, quy mô cần cân đối. Tôi cũng đồng tình rằng, có hãng hàng không mới nhưng phải đảm bảo miếng bánh thị trường cho tất cả các hãng. Miếng bánh thiếu, cạnh tranh sẽ không lành mạnh”, ông Thắng nói và cho rằng trong quá trình xem xét việc ra đời các hãng mới, Cục đã đánh giá tốc độ tăng trưởng của ngành hàng không, nhu cầu thị trường trước khi cho phép các hãng mới ra đời. Điều này giúp cân bằng miếng bánh thị phần cho các hãng hàng không.
Về kết cấu hạ tầng, ông Thắng thừa nhận Tân Sơn Nhất đang quá tải, nhưng cho rằng nhìn vào tổng thể 22 cảng hàng không thì chỉ có Tân Sơn Nhất và Nội Bài đáng ngại. Tuy nhiên, theo đề án của ba hãng hàng không mới, Tân Sơn Nhất không phải điểm dừng quyết định của họ.
“Các sân bay khác năng lực vẫn đảm bảo được”, ông Thắng nói. Ông cũng cho rằng, Tân Sơn Nhất cũng đang có giải pháp khi tới đây mở rộng thêm nhà ga T3. Ngoài ra, dự án sân bay Long Thành cũng đang được giải phóng mặt bằng, sẽ xây dựng trong thời gian tới.
Trong khi đó, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho rằng, với tốc độ tăng trưởng ngành hàng không nóng như hiện nay cộng với sự ra đời của hàng loạt hãng bay mới thì vấn đề hạ tầng cần được sớm đầu tư. Ông cho rằng năng lực hạ tầng cần đi trước một bước so với nhu cầu thị trường.
1 triệu dân số mới có 2 tàu bay
“Đất nước ta hiện có gần 100 triệu dân, tàu bay 200 chiếc, tức 1 triệu dân có 2 tàu bay. Như vậy, nếu so sánh với Malaysia, Thái Lan, Indonesia số máy bay này còn rất khiêm tốn, nghĩa là nhu cầu tăng trưởng còn rất nhiều. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để chúng ta duy trì tăng trưởng nhưng phải bền vững, an toàn, lành mạnh?”, ông Đinh Việt Phương – Phó Tổng giám đốc VietJet Air cho hay.