Tăng trưởng “nóng” tốt hay xấu?
Tại buổi tọa đàm “Hàng không Việt Nam: Cơ hội và thách thức” được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức sáng 11/12, thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, trong khoảng 10 năm trở lại đây, thị trường hàng không Việt Nam (HKVN) có những bước tăng trưởng vượt bậc, tốc độ tăng trưởng liên tục đạt mức 2 con số, trung bình 15,8 %/năm.
Giai đoạn từ năm 2008 - 2019, tăng trưởng 17,1% về hành khách và 13,8% về hàng hoá. Như vậy, sản lượng vận chuyến tăng 4,86 lần về hành khách và 3,66 lần về hàng hoá. Đường bay TP Hồ Chí Minh – Hà Nội được đánh giá nhộn nhịp đứng thứ 2 trên thế giới với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm.
Quang cảnh buổi tọa đàm |
Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ GTVT cũng như giới chuyên gia, tăng trưởng HKVN hiện nay đang rất nhanh, ấn tượng, trong tương lai gần tốc độ tăng trưởng sẽ tiếp tục được duy trì, thậm chí cao hơn. Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng cục HKVN cho rằng tăng trưởng của HKVN hiện nay là phù hợp với tình hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
“Theo dõi khoảng 20 năm trở lại đây, tăng trưởng hàng không gắn chặt với tốc độ phát triển GDP. GDP tăng 1%, hàng không sẽ tăng 1,5 đến 2%. Ngược lại, nếu GDP giảm 1%, hàng không cũng sẽ giảm tương ứng”, lời ông Thắng.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, Vị Cục trưởng này cho rằng không nên sử dụng tính từ “nóng” để nói về mức độ tăng trưởng hàng không vì cho rằng “nóng” là đã vượt tầm kiểm soát, mang nhiều yếu tố rủi ro, nhưng thực tế HKVN hiện nay dù tăng trưởng nhanh nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của cơ quan quản lý, bằng chứng là hai thập kỷ qua Việt Nam chưa để xảy ra vụ chết người do tai nạn hàng không nào.
Phản biện ý kiến của ông Thắng, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho rằng, không sợ hàng không phát triển nóng, nếu nóng theo nghĩa tích cực. “Càng nóng càng tốt, nếu chúng ta kiểm soát được an toàn, an ninh. Hàng không phát triển nóng tức là kinh tế phát triển, xã hội ổn định”, ông Thanh nói.
Thách thức gì đang đặt ra?
Các đại biểu nhận định chung rằng tăng trưởng hàng không như hiện nay là cơ hội tốt cho Việt Nam mà nhiều nước không có được. Tuy nhiên, kèm với đó là những hệ lụy mà nếu không cẩn thận thì có thể gây ra những nguy cơ thảm khốc. Tăng trưởng cao đang nè nặng lên hạ tầng. Tuy nhiên, hạ tầng hiện nay được cho là điểm nghẽn lớn của HKVN.
Chủ tịch ACV Lại xuân Thanh cho rằng không được phép để thị trường chạy theo năng lực sân bay, mà năng lực phải đi trước đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, hiện nay việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, việc xây dựng sân bay Long Thành đang rất chậm do vướng rất nhiều thủ tục, thiếu cơ chế thông thoáng. “Các hãng đều có nhu cầu tăng chuyến bay, nhưng vì vấn đề an toàn nên không thể tăng lên”, ông Thanh nói.
Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh: Cảng hàng không Tân Sơn Nhất đang quá tải |
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, những năm đầu của thập kỷ 90, tốc độ phát triển hàng không có thể lên tới 30-40% nhưng trên nền tảng xuất phát thấp. Còn hiện nay, với mức phát triển khoảng 20%/năm thì các nguồn lực bổ sung để đáp ứng là không đơn giản. Cụ thể, để đào tạo phi công phải mất 5-6 năm/người, nhanh nhất mất 3 năm. Các hãng hàng không sẽ phải thuê phi công ngoại, làm gia tăng chi phí. Ngoài thiếu phi công, doanh nghiệp có thể thiếu cả đội ngũ kỹ sư, điều hành, quản trị chất lượng cao…
Còn ông Đinh Việt Phương, Phó TGĐ Vietjet Air (VJA) cho rằng VJA sau 8 năm hoạt động, có gần 80 tàu bay, đã vận chuyển gần 100 triệu hành khách nhưng giờ vẫn không có một "tấc đất cắm dùi" trên 22 sân bay. “Muốn có cơ sở để sửa chữa bảo dưỡng tàu bay không có, muốn có cơ sở để làm các dịch vụ mặt đất không có, muốn có cơ sở để chính lực lượng tiếp viên và hãng làm việc không có”, ông Phương nói và cho biết, việc phát triển nóng hàng không khiến việc đào tạo và thu hút nhân lực rất khó khăn, nhất là phi công và kỹ sư giỏi.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, sự phát triển của HKVN như hiện nay là tín hiệu đáng mừng nhưng còn nhiều điểm nghẽn. Tuy nhiên, những điểm nghẽn của hàng không đã được chỉ ra nhưng lại chưa khắc phục. “Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất nói từ ba năm trước rồi mà đến giờ chưa thể khởi công. Long Thành cần thiết phải xây dựng nhưng mãi chưa xong thủ tục. Đây là những việc cần làm gấp, làm ngay, chúng ta đã bàn nhiều quá rồi”, ông Cung nói.
Còn GS Nawal Taneja (Mỹ) cho rằng, trước khi những chính sách của Nhà nước được thay đổi thì bản thân các doanh nghiệp phải tự xoay xở. Trong bối cảnh hạ tầng thiếu và yếu như Tân Sơn Nhất hiện các, cần áp dụng công nghệ tiên tiến, tăng cường quản trị để tăng tần suất bay. “Phải làm sao dù hai tay bị trói đằng sau nhưng hoạt động vẫn hiệu quả trước khi cơ chế mới được ban hành”, vị GS nói.