Việc đầu tư nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) đang được nghiên cứu xây dựng để giải phóng sự quá tải ở sân bay này. Tuy nhiên, hiện có một nghịch lý: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang có 25.000 tỷ đồng gửi ngân hàng nhưng lại chưa thể đầu tư.
Nguy cơ sân bay “đóng băng”
Tại buổi tọa đàm “Cách nào đẩy nhanh tiến độ mở rộng TSN?” diễn ra chiều 19/3 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cho biết, công suất thiết kế của TSN là 28 triệu hành khách/năm, nhưng năm 2018 đã đạt 38,3 triệu. “Có thời điểm, sân bay phải điều tiết cùng một lúc 902 chuyến bay; rất căng thẳng. Sân bay TSN đang quá tải, lãnh đạo Bộ GTVT rất lo lắng điều này”, ông Thọ nói và cho biết, từ năm 2016, Bộ đã đặt vấn đề giảm ùn tắc, quá tải ở TSN; nhà ga T1, T2 đã nhiều lần được đầu tư, nâng cấp nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu.
Theo Thứ trưởng Thọ, trước tình hình đó, song song với việc đầu tư sân bay Long Thành thì việc mở rộng TSN, xây dựng nhà ga T3 là rất cần thiết. “Chúng ta xác định TSN luôn song hành cùng với Long Thành”, ông Thọ nói và cho biết, nhà ga T3 có công suất 20 triệu hành khách/năm. Cùng với việc nâng công suất của T1 và T2 lên 30 triệu hành khách/năm thì TSN có tổng công suất 50 triệu hành khách/năm.
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch ACV cảnh báo, công suất tối đa khu bay của sân bay TSN khoảng 2.600 – 2.700 lượt cất, hạ cánh/năm. Nhưng đến năm 2018, sân bay này đã đạt khoảng 2.500 lượt cất, hạ cánh. Như vậy, chỉ một – hai năm nữa, khi đến ngưỡng công suất tối đa, sân bay này sẽ “đóng băng”, không tăng thêm lượt cất, hạ cánh, khi đó sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.
Theo tính toán của ông Thanh, nếu ACV được thực hiện việc xây dựng T3, thì với công suất 20 triệu hành khách, mất ít nhất cũng phải 36 tháng, tức đến năm 2021 mới hoàn thành. “Như vậy, khả năng tới đây TSN “đóng băng” là rất cao”, ông Thanh nói với PLVN và cho biết thêm, song hành cùng với việc xây dựng nhà ga T3 thì TSN phải mở rộng thêm đường lăn, đường băng, sân đỗ... Phải đầu tư đồng bộ mới hiệu quả!
Giao cho ACV là hợp lý?
Cũng theo chủ tịch ACV, sau khi hoàn thành T3 vào năm 2021, Long Thành giai đoạn 1 vào năm 2025 thì phải bắt tay ngay vào Long Thành giai đoạn 2 thì mới đảm bảo công suất. Ông Thanh cho biết, những bước đi này là dựa trên tính toán nhu cầu hành khách thực tiễn. Theo đó, dự báo đến năm 2025, thị trường hành khách khu vực Miền Nam đạt khoảng 65 triệu hành khách, đến năm 2030 là 85 triệu. Như vậy, đầu tư TSN công suất 50 triệu hành khách, Long Thành giai đoạn 1 là 25 triệu hành khách, tổng công suất 75 triệu hành khách là phù hợp.
Tuy nhiên, nhà ga T3 hiện nay chưa thể xây dựng do đang vướng thủ tục và chưa nhận được quyết định cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ. Theo Thứ trưởng Thọ, tháng 9/2018, Bộ GTVT đã phê duyệt quy hoạch điều chỉnh sân bay TSN. Sau đó, Bộ GTVT đã giao ACV nghiên cứu dự án tiền khả thi đầu tư dự án nhà ga hành khách T3. Tháng 2 vừa qua nghiên cứu xong dự án tiền khả thi.
Cũng theo Thứ trưởng Thọ, do tính bấp bách của dự án nên ngày 18/3/2019, Bộ đã trình Chính phủ phương án giao ACV đầu tư nhà ga T3. Theo tìm hiểu của PLVN, chưa biết Chính phủ có đồng ý việc “chỉ định thầu” này không. Nếu Chính phủ không đồng ý phương án này, buộc phải đấu thầu công khai thì chắc chắn thời gian thực hiện dự án sẽ còn kéo dài. Theo tìm hiểu, một số nhà đầu tư tư nhân trong nước ngỏ ý muốn được đấu thầu thực hiện dự án.
Trong khi đó, Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh khẳng định, đơn vị của ông đủ năng lực, kinh nghiệm và tài chính để thực hiện dự án T3. Ông Thanh cho biết, ông ủng hộ chủ trương xã hội hóa nhưng phải toàn diện. “Đừng xã hội hóa mà làm suy yếu doanh nghiệp nhà nước”, ông Thanh nói. Chủ tịch ACV phân tích thêm, một cảng hàng không có nhiều hạng mục, có hạng mục đầu tư không ra tiền, có hạng mục ra tiền. “Xã hội hóa mà toàn cho tư nhân nhảy vào kiếm phần “nạc” thì tôi phản đối”, ông Thanh nói và cho rằng, nếu tư nhân đầu tư thì phải đầu tư tổng thể, đồng bộ cả sân bay như sân bay Vân Đồn ở Quảng Ninh thì ông rất ủng hộ. “Nhà nước giao cho ACV quản lý, vận hành 22 sân bay. Hiện chúng tôi có 25.000 tỷ đồng gửi ở ngân hàng, đủ năng lực làm thì tại sao chúng tôi không làm mà để người khác nhảy vào làm?”, ông Thanh nói.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhà ga quốc tế Cam Ranh cho biết, đơn vị của ông sẵn sàng đầu tư xây dựng nhà ga T3. Tuy nhiên, nếu đầu tư độc lập thì ông sẽ không làm, vẫn muốn ACV cầm chịch. Ông cho biết, qua kinh nghiệm đầu tư nhà ga Cam Ranh, doanh nghiệp ông đủ kinh nghiệm và năng lực. “Tư nhân đầu tư có cái hay là thực hiện nhanh, quản lý linh hoạt”, ông Hạnh Nguyễn nói và cho rằng, T3 hiện nay chậm chễ là do đang thiếu cơ chế, nhiều thủ tục.