Cơ hội phát triển lớn song “tắc” vì thiếu hạ tầng
Đóng vai trò quan trọng, mật thiết đối với sự phát triển của ngành du lịch, với 80% lượng khách du lịch đi bằng đường hàng không nhưng cở sở hạ tầng hàng không đang tắc nghẽn. Đây là rào cản lớn cho sự phát triển du lịch nước nhà.
Tại chuyên đề “Việt Nam làm gì để phát triển hàng không-chắp cánh cho du lịch” trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam vừa diễn ra, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giai đoạn 2015-2018 có tốc độ tăng trưởng rất cao từ 7,9 triệu lượt/năm 2015 tăng lên 15,5 triệu lượt/năm 2018.
Trong 11 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã đón được gần 16,3 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2018 và phục vụ 78,5 triệu lượt khách nội địa. Trong đó tỷ lệ khách quốc tế đến bằng đường hàng không chiếm hơn 80% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Đối với ngành Hàng không Việt Nam, trong thời gian vừa qua cũng đạt tốc độ tăng trưởng đáng kể, góp phần quan trọng vào việc vận chuyển khách du lịch.
Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam sẽ trở thành thị trường hàng không tăng trưởng mạnh thứ 5 trên thế giới về lượng khách quốc tế và hàng hóa được vận chuyển. Hàng không Việt Nam sẽ tăng trung bình 15%/năm trong thời gian tới. Hiện tại, Việt Nam có 22 sân bay, trong đó có 11 sân bay nội địa và 11 sân bay quốc tế với sự tham gia của 71 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không trong nước khai thác gần 140 đường bay quốc tế đến 28 quốc gia/vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện hạ tầng hàng không tại Việt Nam đang bị quá tải. Cả nước hiện có khoảng 22 sân bay lớn, nhỏ đang hoạt động, nhiều sân bay luôn trong tình trạng vượt 100% công suất. Trong khi đó, các tuyến bay thẳng quốc tế và nội địa đến những địa danh du lịch nổi tiếng chưa nhiều. Giá vé máy bay vẫn còn cao, dẫn đến giá tour trọn gói cao. Điều này đang hạn chế sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.
Ông Lương Hoài Nam - thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch VN, chuyên gia hàng không, dẫn chứng: Việt Nam có 22 sân bay nhưng tổng công suất mới ngang bằng sân bay Changi (Singapore), sân bay Suvarnabhumi (Bangkok, Thái Lan), sân bay quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia)...
Thừa nhận thực trạng này, ông Võ Huy Cường – Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam bổ sung, tắc nghẽn không riêng tại khu bay, đường tiếp cận vào sân bay cũng quá tải, điển hình là sân bay Tân Sơn Nhất.
Cởi nút thắt bằng xã hội hóa hạ tầng sân bay
Để tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng trước mắt, ở góc độ tư nhân, ông Chu Việt Cường - thành viên HĐQT Vietjet đề nghị, cần xã hội hoá mạnh hơn để tư nhân cùng tham gia phát triển, huy động vốn cho hạ tầng. Theo ông, hiện nhiều quốc gia Australia, Anh, Mỹ... cho tư nhân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không và một số sân bay tại Australia, Thái Lan cho tư nhân quản lý vận hành nên đạt chất lượng rất tốt.
“Chúng ta không nên chỉ chăm chăm chờ vốn Nhà nước trong đầu tư hạ tầng hàng không. Cho phép tư nhân, quỹ đầu tư nước ngoài tham gia phát triển hạ tầng cơ sở sẽ giúp giải bài toán đầu tư này”, ông Chu Việt Cường nhấn mạnh.
Ông Võ Huy Cường – Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam chỉ ra việc kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư là cẩn thiết nhưng chính sách còn khiếm khuyết, chưa tạo động lực cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư. “Cần có chính sách đồng bộ nếu muốn gỡ nút thắt hàng không. Hệ thống cảng hàng không sân bay nếu vài năm tới không gỡ được sẽ càng tắc hơn, ảnh hưởng không chỉ ngành hàng không mà cả du lịch”, ông Cường nhận định.
Về vấn đề này, chuyên gia Lương Hoài Nam bổ sung, thực tế Việt Nam đề cập xã hội hoá hạ tầng sân bay 10 năm nay, nhưng chuyển hoá thành dự án thực tế chưa nhiều. Ông đề cập việc gần đây mở rộng nhà ga thứ ba Tân Sơn Nhất loay hoay vài năm nay cuối cùng đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư. Hay Long Thành cũng được đề xuất giao ACV – doanh nghiệp Nhà nước làm.
Do vậy, chuyên gia này đề nghị , Chính phủ cần có chính sách biện pháp để biến từ lời nói thành hành động thực tế.
Bên cạnh đó, ông Lương Hoài Nam còn đề xuất một sáng kiến khác để giải quyết ách tắc hàng không là cho khai thác hỗn hợp quân sự - dân sự ở một số sân bay như Biên Hoà, Phan Rang.