ICCPR là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người, được Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua ngày 16/2/1966. ICCPR gồm 6 phần, 53 điều, điều chỉnh những quyền cơ bản của con người thuộc phạm trù các quyền dân sự, chính trị. Các bên tham gia ký kết sẽ phải tôn trọng các quyền dân sự và chính trị của từng cá nhân, bao gồm quyền sống, quyền tự do tôn giáo, tự do phát biểu, tự do hội họp, quyền bầu cử, quyền được xét xử bình đẳng và theo đúng trình tự pháp luật...
Việt Nam đã gia nhập ICCPR ngày 24/9/1982. Khi gia nhập ICCPR, Việt Nam đưa ra tuyên bố: “Các quy định của khoản 1 Điều 48 của ICCPR và khoản 1 Điều 26 của ICCPR, theo đó một số quốc gia bị tước cơ hội trở thành thành viên của công ước này, là có tính chất phân biệt đối xử. Cộng hòa XHCN Việt Nam cho rằng, các Công ước phù hợp với nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia, nên mở ra cho mọi quốc gia tham gia mà không có bất kỳ sự phân biệt hoặc giới hạn nào”.
Từ khi tham gia ICCPR, Nhà nước Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể để bảo đảm các quyền dân sự và chính trị cơ bản trong ICCPR được tôn trọng và thực thi trong thực tiễn. Với tầm quan trọng cũng như mức độ phổ quát của ICCPR, trong thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên của Công ước này. Theo Điều 40 của ICCPR, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ nộp báo cáo về các biện pháp mình thông qua để thực hiện các quyền trong Công ước và những tiến bộ đã đạt được trong việc thực hiện các quyền đó. Đến nay, Việt Nam đã nộp 2 Báo cáo quốc gia về việc triển khai thực hiện ICCPR (2 báo cáo này do Bộ Ngoại giao chủ trì xây dựng). Còn hiện nay, với nhiệm vụ làm đầu mối triển khai thực hiện Công ước được chuyển giao từ Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp đang tích cực chủ trì xây dựng Báo cáo quốc gia lần thứ ba về thực thi Công ước.
Có thể nói, sau gần 35 năm qua kể từ ngày gia nhập ICCPR, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể để bảo đảm và phát huy các quyền dân sự và chính trị được quy định trong ICCPR. Trong đó thể hiện rõ nét ở việc nội luật hóa các quy định của Công ước này trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của Công ước. Một trong những điểm đáng lưu ý, đồng thời là điểm mới được quy định trong Hiến pháp năm 2013 là sự ghi nhận quyền sống của cá nhân.
Tham dự cuộc họp, các thành viên đã đưa ra nhiều ý kiến cụ thể góp phần hoàn thiện dự thảo Báo cáo và đề xuất thường trực Tổ biên tập cần cập nhật các đạo luật mới ban hành gần đây nhất tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII. Các thành viên cũng cho rằng, cần xây dựng Báo cáo ngắn gọn, tập trung, phản ánh đầy đủ những nội dung Việt Nam cần báo cáo cũng như những nội dung mà cộng đồng quốc tế quan tâm.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc lưu ý, phải thu thập thêm các thông tin, tài liệu từ những báo cáo thực thi các Công ước quốc tế khác mà Việt Nam đã tham gia và nêu bật được cam kết của Việt Nam trong thực thi ICCPR ngày càng tốt hơn, đầy đủ hơn. Bên cạnh đó, dự thảo Báo cáo cũng phải đề cập những thách thức mà chúng ta gặp phải, qua đó khẳng định Việt Nam vẫn tiếp tục có lộ trình, bước đi phù hợp để thực thi Công ước. “Trong vài tháng tới, cần tập trung hoàn thiện dự thảo Báo cáo, tuy không phải ép tiến độ bởi quan trọng là xây dựng Báo cáo cho tốt, nhất là vấn đề bảo vệ quyền con người” – Thứ trưởng Ngọc yêu cầu.