Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường yêu cầu Vụ phải tập trung nỗ lực hơn nữa mới có thể đi tới mục tiêu trở thành trung tâm mang tính quốc gia về tư pháp quốc tế.
Được giao thêm nhiều chức năng, nhiệm vụ mới
Trình bày Báo cáo tổng kết công tác, Vụ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc chia sẻ: Trong năm 2013, các nhiệm vụ của Vụ được giao chủ trì thực hiện đã tăng mạnh về khối lượng công việc, yêu cầu cao về chất lượng, sự phức tạp, tinh vi.
Cụ thể, Vụ đã chủ trì thẩm định 127 điều ước quốc tế và góp ý 428 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế (tăng 63% về thẩm định và 15,6% về góp ý so với năm 2012); tích cực và chủ động tham gia vào quá trình đàm phán nhiều điều ước, thỏa thuận quốc tế, đáng chú ý phải kể đến Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương, Hiệp định nước chủ nhà với Tòa Trọng tài thường trực (PCA), các hiệp định tương trợ tư pháp, các điều ước quốc tế vay vốn nước ngoài hay hợp tác với các tổ chức quốc tế, nước ngoài.
Vụ cũng thẩm định 24 và góp ý 67 văn bản quy phạm pháp luật (tăng 12,5%); phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ thẩm định, góp ý hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật; đàm phán gần 100 ý kiến pháp lý và cấp 62 ý kiến pháp lý...
Cùng với việc tiếp tục thực hiện các nhóm nhiệm vụ như các năm trước đây, Vụ đã được giao thêm các chức năng, nhiệm vụ mới là công tác tương trợ tư pháp, cơ quan đầu mối quốc gia trong quan hệ với các thành viên và Cơ quan thường trực của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, đầu mối thực hiện Công ước Liên Hợp quốc (LHQ) về chống tham nhũng; là cơ quan chủ trì thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới Quy chế thành viên Việt Nam tại Công ước của LHQ về quyền dân sự và chính trị (được chuyển từ Bộ Ngoại giao cho Bộ Tư pháp).
Đặc biệt, triển khai Nghị định số 22/2013/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1178/QĐ-BTP, trong đó yêu cầu và định hướng phát triển Vụ theo hướng chuyên sâu các nội dung của pháp luật quốc tế, nhất là lĩnh vực tư pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp quốc tế liên quan đến Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Ngọc thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, tồn tại, yếu kém, như chất lượng thẩm định, góp ý các điều ước, thỏa thuận quốc tế trong một số trường hợp còn chưa cao, tiến độ chậm, chưa phát huy hết được trí tuệ tập thể; chất lượng góp ý, thẩm định, rà soát văn bản pháp luật trong một số trường hợp chưa thực sự sâu sắc, mang tính thuyết phục cao; chưa có các chuyên gia giỏi về giải quyết tranh chấp quốc tế, thậm chí chưa có biên chế cán bộ làm chuyên trách cho công tác này...
Nguyên nhân của những bất cập này xuất phát không chỉ từ những quy định pháp luật hiện hành, từ khối lượng công việc lớn và tính chất công việc phức tạp mà còn từ chính nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ của một số cán bộ, công chức về vị trí, vai trò của công tác pháp luật quốc tế.
Phải “phi nước đại” nhiều hơn nữa
Trên cơ sở kết quả năm 2013 và để khắc phục những bất cập của đơn vị, trong năm 2014, Vụ đề ra các phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu sau: Triển khai thi hành Hiến pháp 2013, trong đó tập trung vào các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, các quy định về điều ước quốc tế và đối ngoại; đẩy mạnh việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Tư pháp quốc tế bên cạnh việc chủ trì sửa đổi Phần 7 Bộ luật Dân sự; hoàn thiện khung pháp luật về cấp ý kiến pháp lý; triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ cơ quan đầu mối trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế có liên quan tới Chính phủ, cơ quan nhà nước Việt Nam được phân công theo Quyết định số 680/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ...
Đại diện lãnh đạo nhiều đơn vị thuộc Bộ bày tỏ sự đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ của Vụ Pháp luật quốc tế và mong muốn Vụ phát huy mạnh mẽ “tiếng nói” của mình đối với nhiệm vụ đầu mối giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, nhất là trong bối cảnh các tranh chấp hiện đang diễn ra rất nóng bỏng.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường ghi nhận những chuyển biến lớn, những kết quả gặt hái được trong công tác năm qua của Vụ Pháp luật quốc tế. Bộ trưởng nhận định, các kết quả đạt được trong năm 2013 đã góp phần vào việc thực hiện thành công các nhiệm vụ, công tác trọng tâm của Bộ, ngành Tư pháp cũng như vào quá trình cải cách tư pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế - xã hội đã được các đơn vị trong và ngoài Bộ cũng như đối tác nước ngoài đánh giá cao.
Tuy nhiên, với định hướng phát triển Vụ theo Quyết định số 1178/QĐ-BTP thì chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi phải nỗ lực, “phi nước đại” nhiều hơn nữa. Một trong những mục tiêu phấn đấu mà Bộ trưởng chỉ đạo là phải có những giải pháp thiết thực để có thể trở thành một trung tâm mang tính quốc gia về tư pháp quốc tế.